Tình nguyện ra đảo
Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa như một chấm nhỏ giữa đại dương bao la, thường xuyên phải hứng chịu những trận sóng cuồng, gió quật. Trong chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa vừa qua, ngoài tận mắt thấy hình ảnh người lính Hải quân ngày đêm chắc tay súng canh gác biển trời, chúng tôi còn được biết về những câu chuyện cứu chữa bệnh nhân của y, bác sĩ trên đảo.
Bác sĩ quân y khám bệnh cho người dân đảo Song Tử Tây.
Tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông, qua trò chuyện với Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Bệnh xá trưởng của đảo, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn tình yêu biển đảo mãnh liệt của người “chiến sĩ áo trắng”. Anh Phú quê ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên), công tác tại Viện quân y 105, tình nguyện ra đảo Sinh Tồn Đông từ tháng 8/2024 khi con gái mới được 10 ngày tuổi. Anh Phú nói: "Là thầy thuốc, dù trong điều kiện nào chúng tôi cũng luôn hết mình chăm sóc sức khỏe cán bộ, nhân dân. Với các chiến sĩ, người dân ở đảo tiền tiêu thì trách nhiệm này còn nặng nề hơn do trang thiết bị không được hiện đại như đất liền”.
Anh Phú lật quyển sổ ghi chép từng trường hợp được bệnh xá khám, điều trị. Gần đây nhất, Bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông chữa trị thành công 3 trường hợp ngư dân bị giảm áp- bệnh nguy hiểm thường gặp ở những người lao động trên biển. Cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng Bệnh xá luôn tận dụng tối đa những gì hiện có, thường xuyên bảo dưỡng máy móc. Đặc biệt, có sự hỗ trợ từ bệnh viện trong đất liền, thực hiện hội chẩn thông qua hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa khi cần thiết nên việc khám, chữa bệnh thuận lợi hơn.
Theo anh Phú, bố anh cũng là người lính. Được bố kể về những câu chuyện hào hùng của quân đội, từ nhỏ cậu bé Phú càng thêm nể phục và yêu người lính bộ đội Cụ Hồ. Khi chứng kiến những người xung quanh bị bệnh cộng thêm mong muốn trở thành người lính, anh quyết tâm theo đuổi ngành quân y để vừa giúp đỡ người thân và bệnh nhân, vừa hiện thực hóa ước mơ của mình. Được công tác tại đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc là niềm vinh dự lớn đối với anh.
Xử lý nhiều ca bệnh khó
Đảo Song Tử Tây là một trong những hòn đảo lớn thuộc quần đảo Trường Sa song các tàu thuyền rất khó tiếp cận mùa biển động do địa hình phức tạp. Tại đây cũng có bệnh xá với những đội ngũ y, bác sĩ nhiệt huyết, vững chuyên môn. Trung úy, điều dưỡng Nghiêm Xuân Thắng (SN 1996), sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành y nhận công tác tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và ra Trường Sa đến nay được hơn một năm. Với nhiệm vụ của điều dưỡng cấp cứu trên đảo Song Tử Tây, Trung úy Thắng luôn sẵn sàng cùng đồng đội ứng phó với mọi tình huống cấp cứu.
Thiết bị chụp X-quang ở Bệnh xá đảo Song Tử Tây.
Ở Bệnh xá đảo Song Tử Tây, các y, bác sĩ đến từ nhiều khoa của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, mỗi người một tính cách nhưng đều đoàn kết, yêu thương, cùng hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hơn một năm công tác tại đảo, điều dưỡng Nghiêm Xuân Thắng ấn tượng với một trường hợp ngư dân bị đứt cánh tay do cá lớn tấn công. Các anh nhận được thông tin vào buổi chiều trong khi tàu ngư dân cách đảo khoảng 30 hải lý.
Nhận lệnh của Chỉ huy đảo và Bệnh xá trưởng, anh cùng một bác sĩ tức tốc theo tàu kiểm ngư chạy ra biển tìm người gặp nạn. Dù sóng lớn, tàu nghiêng ngả nhưng những người lính vẫn hướng về nhiệm vụ cứu người phía trước. Khi tiếp cận được nạn nhân, anh Thắng và đồng nghiệp khẩn trương sơ cứu, cầm máu cho người bệnh, xử lý một số công đoạn ngay trên tàu; đồng thời đưa bệnh nhân về Bệnh xá đảo Song Tử Tây để tiếp tục phối hợp thực hiện các bước tiếp theo. Được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân dần ổn định sức khỏe.
Đại úy, bác sĩ Nguyễn Xuân Tùng và Thiếu tá, bác sĩ Trịnh Văn Tuần, quê ở tỉnh Hưng Yên công tác tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cùng nhận nhiệm vụ ra công tác tại đảo Song Tử Tây. Ngay ngày thứ 2 ra đảo, các anh đã mổ ruột thừa, cấp cứu thành công một công dân từ đảo Đá Nam chuyển sang. Trong năm 2024, Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã khám và điều trị cho hơn 100 lượt bệnh nhân, cấp cứu 42 lượt, phẫu thuật 34 lượt bệnh nhân là các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo và ngư dân đi biển.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bệnh xá dần được trang bị thêm nhiều thiết bị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh nơi đảo xa. Nhiều ca bệnh khó đã được xử lý kịp thời. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân, trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, lực lượng và phương tiện của Vùng luôn sẵn sàng cơ động, xuất phát, có mặt kịp thời để cứu giúp ngư dân khi bị nạn. Mỗi đảo, điểm đảo, mỗi con tàu của Vùng 4 Hải quân thực sự là điểm tựa, là niềm tin vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Cách đất liền hàng trăm hải lý, công tác khám, điều trị bệnh trên đảo không hề dễ dàng, điều kiện làm việc khắc nghiệt nhưng các chiến sĩ quân y đã vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “Lương y như từ mẫu”, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Trịnh Lan