Bếp ăn từ tâm nơi cửa Phật

Bếp ăn từ tâm nơi cửa Phật
5 giờ trướcBài gốc
Các thành viên của bếp ăn đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng cho các suất ăn.
Phát tâm thiện nguyện "vì đời mà giúp đỡ"
Cơm chay được một nhóm thiện nguyện góp tiền duy trì từ trước năm 2018 tại một không gian khác ở thành phố Nha Trang. Vì một số nguyên nhân, kể từ năm 2018, dưới sự hỗ trợ của chùa Tổ đình Nghĩa Phương, bếp ăn dời về đây để tiếp tục duy trì đều đặn cho đến nay.
Ông Bùi Chất, Trưởng Ban điều hành bếp ăn kể, những năm 2018, nhóm chỉ có khoảng 20 thành viên, theo thời gian, tiếng lành vang xa, nhiều người dân, bạn trẻ cùng tham gia phụ giúp, trở thành thành viên chính thức của “Bếp ăn từ thiện chùa Tổ đình Nghĩa Phương”. Đa số các thành viên đều có tuổi đời khá cao. Mỗi thành viên đều phát tâm nguyện "vì đời mà giúp đỡ", bởi trong họ đều từng trải qua và thấu hiểu những khó khăn của cuộc sống mưu sinh.
Những suất cơm chay ấm lòng người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Nha Trang.
Các thành viên trong nhóm phối hợp nhịp nhàng từ khâu tiếp phẩm, nấu nướng, phân phát suất ăn... cho đến vệ sinh sau buổi ăn. Những ngày bếp ăn mở cửa, từ 3 giờ sáng, các thành viên đã đi chợ để mua những loại thực phẩm rau, củ tươi ngon nhất và các loại đồ chay phù hợp để nấu. Món ăn đều được thay đổi phong phú. Bà Phan Thị Sang, 79 tuổi, người lớn tuổi nhất tham gia bếp ăn có tay nghề khá vững, bà đã chia sẻ và hướng dẫn cho người khác cách nấu ăn ngon, phân công công việc hợp lý khi sơ chế, chế biến và lên món. Theo ông Chất, nhờ những người lớn tuổi có kinh nghiệm, những người trẻ có sức khỏe, năng động mà bếp ăn vận hành nhịp nhàng, mỗi người mỗi việc, vui vẻ như đang sống trong một gia đình đầm ấm. Trước 10 giờ sáng, khi các món ăn đã chuẩn bị xong, cũng là lúc đón người dân vào dùng bữa trưa, phục vụ đến qua giờ Ngọ (12 giờ trưa).
Bà Phạm Thị Hạnh (53 tuổi, trú ở phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang), là người bán vé số trên xe lăn. Bà đã quen thuộc với bếp ăn từ 8 năm nay. Sau một buổi rong ruổi mưu sinh, đúng 11 giờ các ngày rằm và mùng một, bà đều ghé lại Tổ đình chùa Nghĩa Phương để nhận cơm chay miễn phí. Bà Hạnh cho biết: "Tôi không tiện di chuyển xe lăn vào tận chùa do vướng đường đi nên các nhà hảo tâm ở đó mang cơm ra tận xe, ân cần dặn dò ăn cơm sớm cho nóng mới ngon”.
Mong bếp ăn luôn đỏ lửa
Những người dân đến ăn cơm chay tại chùa Tổ đình Nghĩa Phương.
Không giống như bà Hạnh, không ít người đến ăn cơm chay có cuộc sống không đến nỗi khó khăn nhưng họ muốn cảm nhận hương vị từ tâm, nghĩa cử cao đẹp, hướng thiện và cùng chung tay góp sức, tiếp tục “giữ lửa” cho bếp ăn đỏ mãi. Chị Nguyễn Thị Quý, thành phố Nha Trang cho biết, cơm chay ở đây nấu ngon, đậm vị chay, rất sạch sẽ. Mỗi lần ăn xong, chị Quý đều tùy tâm góp chút kinh phí vào thùng từ thiện, mong bếp duy trì những bữa ăn thiện nguyện, giúp được nhiều người dân hơn.
Từ ngày hoạt động đến nay, điều tự hào nhất của bếp ăn là mọi người đồng lòng, đồng sức cùng làm. Người có nhiều thì góp nhiều, người có ít thì góp ít. Bếp ăn nhận sự hỗ trợ tùy tâm của thực khách đến ăn chỉ từ 5.000- 10.000 đồng. Điều mà chị Võ Nhật Khánh Vân (trú ở phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang), thành viên của bếp ăn thích nhất ở đây là sự minh bạch tài chính. Trưởng Ban điều hành bếp ăn luôn thông báo cụ thể sau mỗi buổi nấu cơm, tình hình thiếu đủ ra sao, cách phục vụ người dân thế nào để rút kinh nghiệm, cũng như đóng góp thêm tiền để nấu bữa cơm lần tiếp theo được chu đáo hơn. Ngoài ra, được sự ủng hộ của chùa Tổ đình Nghĩa Phương về chi phí nước, điện và mặt bằng nấu ăn, kê bàn ghế phục vụ, bếp ăn luôn được đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh an toàn được đảm bảo từ góc bếp cho đến bàn ăn.
Cả tập thể vận hành bếp ăn đều tâm nguyện không được "lỗi hẹn" với người dân, luôn cố gắng mở cửa để đón đúng vào những ngày đã định. Trong giao đoạn COVID-19, bếp ăn không phục vụ tại chỗ, chỉ nấu rồi phát thành từng suất ăn để người dân mang đi. Chỉ đến khi dịch COVID-19 hoành hành đỉnh điểm, bếp phải bỏ lỡ hai lần theo lịch nấu vì phải đảm bảo các nguyên tắc trong phòng, chống dịch.
Người dân nhận suất cơm chay miễn phí từ bếp ăn từ thiện.
Trung bình, mỗi lần bếp "đỏ lửa", có từ 800 -1.000 suất cơm trưa miễn phí. Những ngày rằm lớn như tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy và tháng Mười, số suất ăn nhiều hơn. Để nấu được số lượng lớn cơm như vậy, bếp ăn tự huy động kinh phí đầu tư trang thiết bị hiện đại, nấu cơm tiện lợi hơn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cũng có những lúc người dân đến với bếp đông hơn số lượng đã định, các thành viên của bếp "chữa cháy" bằng cách nấu thêm mì xào, bún xào… để đảm bảo thực khách đến với bếp ăn đều ấm lòng.
Bà Phan Thị Sang chia sẻ: “Sẽ có rất nhiều người, vì công việc, vì mưu sinh mà không thể đến sớm. Khi họ đã đến nghĩa là họ rất quý mình, họ biết công việc của mình với những suất cơm thiện nguyện thì không lý gì mà mình không phục vụ thức ăn cho họ, dù cơm đã hết”.
Trong không khí Rằm đang tháng Tư về, là mùa Phật đản, những tấm lòng bên cửa Phật, những suất ăn ấm bụng người dân là những hình ảnh đẹp cần được lan truyền, giữ gìn và phát huy.
Ông Bùi Chất, Trưởng Ban điều hành bếp ăn khẳng định: “Xác định góp chút việc thiện ở nơi cửa Phật, bếp ăn từ thiện luôn luôn và phải là đúng chất từ thiện. Chúng tôi làm việc vì đời, không cần hồi đáp. Nhưng chúng tôi luôn nhận lại được nhiều hơn thế, đó là niềm vui, là sự hạnh phúc, là những nụ cười ấm áp của người dân sau một bữa trưa no bụng”.
Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/bep-an-tu-tam-noi-cua-phat-20250513072828734.htm