Chung tay làm việc thiện
Trong những ngày lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer vừa qua, chúng tôi có dịp đến tham quan chùa Khedol (ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh). Bên cạnh những hoạt động lễ hội, trong khuôn viên chùa Khedol, bếp ăn từ thiện Từ Tâm tất bật hoạt động để phục vụ người dân địa phương. Ngoài sân, nhóm 5-7 phụ nữ sơ chế rau củ, quả. Trong bếp, những người đàn ông nấu cơm. Bên những chiếc chảo to, các đầu bếp thoăn thoắt xào nấu thức ăn. Các bà, các cô nhanh chóng lấy thức ăn đã chế biến chuẩn bị thành từng phần để trao tặng cho người dân địa phương. Dưới cội cổ thụ có để vài bộ bàn ghế, nhiều người dân đến nhận cơm bày ra bàn ăn uống. Một số khác nhận cơm đem về nhà. Thỉnh thoảng có một vài chiếc xe gắn máy đến nhận cả trăm phần cơm chở đi trao tặng cho bệnh nhân ở các bệnh viện trong tỉnh.
Các thành viên trong Bếp chuẩn bị thức ăn tặng cho người dân địa phương
Sáng 15.12, tại bếp ăn từ thiện Từ Tâm, tiếng những người làm bếp cười nói vui vẻ, tiếng tấm tắc khen ngon của những người dân ngồi quanh các bàn ăn dưới bóng cây xanh tạo nên không gian ấm cúng. Anh Đặng Hồng Thanh, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân- bếp phó bếp ăn từ thiện Từ Tâm cho biết, bếp được bà Nguyễn Thị Thu Cúc khởi xướng từ tháng 4.2022. Ban đầu chỉ có 7-8 thành viên tự bỏ tiền túi ra nấu nướng khoảng 200-300 phần cơm chay phục vụ cho người dân địa phương. Sau đó, bếp vận động thêm một số mạnh thường quân ở các địa phương. Thấy việc làm có ý nghĩa, ngày càng có nhiều người hỗ trợ dầu ăn, rau, củ, quả, hạt nêm, trái cây. Đến nay, bếp có hơn 60 thành viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Mỗi đợt nấu nướng, có từ 20-25 người luân phiên nhau chế biến thức ăn.
Mỗi tháng, bếp hoạt động bốn ngày- 14, 15, 30 và mùng Một (âm lịch). Mỗi ngày, bếp nấu 600 phần thức ăn chay phục vụ miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn như người già neo đơn, người khuyết tật, bán vé số dạo và tất cả người dân trong và ngoài địa phương có nhu cầu.
Cơm hộp và thức ăn để trên bàn, sẵn sàng phục vụ người có nhu cầu
Anh Đặng Hồng Thanh cho biết thêm, bếp hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh mỗi tháng 4 ngày, với số lượng mỗi ngày 100 phần thức ăn; hỗ trợ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh mỗi tháng bốn ngày, mỗi ngày 150 phần thức ăn; hỗ trợ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh mỗi tháng 3 ngày, tùy theo số lượng bệnh nhân- có khi lên đến 150 phần. Tổng cộng, mỗi tháng có khoảng 3 ngàn phần thức ăn đến tay người dân địa phương và bệnh nhân ở các bệnh viện nêu trên. Ngoài những phần cơm, tùy theo sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, bếp sẽ tổ chức họp nhóm và nấu thêm món chay khác như bún, bánh canh để phục vụ cho người dân. Đặc biệt, bếp ăn Từ Tâm không nhận tiền mặt mà chỉ nhận gạo, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả. Phần lớn rau, củ, quả do người dân ở các xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu) tặng. Gạo, dầu ăn, nước tương, hạt nêm do phật tử đi viếng chùa Khedol hỗ trợ.
Lan tỏa tinh thần thiện nguyện
Để tham gia trong nhóm nấu ăn từ thiện này, không cần phải có điều kiện kinh tế khá giả, tay nghề nấu ăn giỏi, mà chỉ cần tấm lòng thiện nguyện. Bà Huỳnh Thị Út, 65 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Tân, một trong những thành viên của bếp kể, vợ chồng bà đã ly hôn. Nhiều năm nay, bà với người cháu ngoại thuê nhà ở trọ. Hai bà cháu đi làm thuê trong vườn mãng cầu của người khác, thu nhập mỗi ngày được 130 ngàn đồng. Dẫu cuộc sống còn chật vật, nhưng hơn một năm nay, mỗi tháng, bà Út đều xin nghỉ việc ở vườn mãng cầu 4 ngày để đến bếp Từ Tâm làm công quả.
Thành viên bếp Từ Tâm tặng cơm cho bà Lê Thị Cúc
“Từ sáng sớm, tôi đã đến đây quét dọn nhà bếp, cùng với những người khác lặt rau, gọt củ quả, rửa chén. Tuy rằng những ngày nghỉ đi làm thuê như thế này bị mất thu nhập, nhưng được góp phần công sức vào bữa ăn cho đồng bào dân tộc ở địa phương và bệnh nhân ở bệnh viện, tôi cảm thấy vui vẻ, thoải mái”- bà Út tâm sự. Cuộc sống hiện tại của bà Út dù còn thiếu trước hụt sau, nhưng người phụ nữ này khẳng định trong những năm tới vẫn tiếp tục cống hiến công sức của mình cho hoạt động của bếp.
Bà Lê Thị Cúc, 72 tuổi, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, bị tai biến, phải ngồi xe lăn. Hằng ngày, bà kiếm sống bằng cách đi bán vé số dạo trong xóm. “Mỗi ngày tôi bán được 100 tờ vé số, có ngày bán được 50-70 tờ. Tiền kiếm được dùng để mua thức ăn, mua thuốc trị bệnh. Mỗi tháng 4 lần, tôi đến đây nhận cơm từ thiện về ăn và xin thêm một phần khác đem về cho người anh trong xóm cùng hoàn cảnh bị tai biến. Tôi chân thành biết ơn bếp từ thiện đã hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn như tôi”- bà Cúc bộc bạch.
Bà Thị Dong, 70 tuổi, dân tộc Khmer, ngụ cùng địa phương, đến ăn cơm tại chỗ và nhận thêm hai suất cơm khác đem về cho người thân. Tuy nói tiếng Việt không rành nhưng khi được phỏng vấn, bà Dong vui vẻ trả lời: “Bữa nay ăn cơm thấy ngon. Cám ơn bếp từ thiện nhiều lắm”.
Bên cạnh việc phục vụ những bữa ăn miễn phí cho người dân địa phương, bếp ăn Từ Tâm còn hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Anh Thanh thông tin thêm: “Đối với những người dân cần số tiền khoảng 1-2 triệu đồng để đi bệnh viện khám, chúng tôi vận động các thành viên trong nhóm đóng góp hỗ trợ, tùy khả năng. Ngoài những hoạt động nêu trên, bếp còn nhận nấu ăn trợ táng cho những tang gia có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt tôn giáo, dân tộc trong hay ngoài khu dân cư của ấp Thạnh Đông. Hễ tang gia có yêu cầu là bếp sẽ bố trí khoảng 5-6 người đến nấu thức ăn chay cùng trái cây, phục vụ đầy đủ các bữa ăn cho gia chủ”.
Theo lời bếp phó, hằng tháng, bếp Từ Tâm còn trích một khoản tiền tiết kiệm mua 6 phần quà tặng cho 6 trường hợp đặc biệt khó khăn, mỗi phần gồm 10kg gạo, các nhu yếu phẩm, đường, hạt nêm, nước tương, mì gói, tạm đủ cho một người tiêu dùng trong tháng. Mùa khô vừa qua, một số tỉnh miền Tây bị hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt, bếp đã vận động 6 ngàn lốc nước lọc đem tận nơi trao tặng người dân ở hai tỉnh Bến Tre và Long An. Mặc dù hiện nay có nhiều mạnh thường quân ủng hộ cho bếp ăn, nhưng nguồn thực phẩm không ổn định, có những lúc thiếu nguyên liệu. Những lúc ấy, thành viên của nhóm sẽ bỏ tiền túi mua nguyên liệu để duy trì hoạt động của bếp.
Anh Thanh mong muốn hoạt động từ thiện này lan tỏa ngày càng rộng, được nhiều người biết đến để tiếp tục chung tay giúp đỡ cho những mảnh đời còn khó khăn.
Đại Dương