Năm giờ sáng, gia đình bà Nguyễn Thị Sài (81 tuổi; ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM) đã gọi nhau thức dậy, nổi lửa chuẩn bị 200 phần cơm chay 0 đồng.
"Có bao nhiêu, làm bấy nhiêu"
Đi vào hoạt động từ tháng 3-2010, bếp ăn phục vụ mỗi tháng 2 lần, vào ngày 1 và 15 âm lịch. Ban đầu, mỗi đợt bếp chỉ tặng gần 50 phần cơm chay nhưng số lượng người đến nhận ngày càng tăng nên gia đình tăng số phần cơm lên. Đến nay, mỗi kỳ, gia đình chuẩn bị gần 300 phần cơm chay.
Bà Nguyễn Thị Sài và cháu gái chuẩn bị món chay cho người khó khăn
Những ngày đầu thành lập, mọi chi phí để mua nguyên liệu đều do gia đình bà lo liệu. Tiếng lành đồn xa, sau đó gia đình bà đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhà hảo tâm. Nhiều người cùng chung tay đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần, hy vọng bếp ăn ngày càng phát triển hơn về số lượng và chất lượng, đem đến nhiều niềm vui hơn cho người khó khăn.
Chia sẻ lý do gắn bó với công việc thiện nguyện này, bà Sài bộc bạch rằng năm nay cũng lớn tuổi nên thấy mình còn làm gì giúp ích cho đời được thì làm. Những việc nặng nhọc bà giao cho con cháu, còn mình thì làm những việc nhẹ nhàng như cắt gọt rau, củ… "Có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu! Những phần cơm tuy không to tát gì nhưng cũng mang lại niềm vui với nhiều người, nhất là những người yếu thế, những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn" - bà Sài chia sẻ.
No bụng, ấm lòng
Khách đến nhận cơm là những người lao động khó khăn, người khuyết tật, người mua ve chai, bán vé số... Việc tặng cơm diễn ra chỉ hơn 30 phút và 200 phần cơm đã được trao hết.
Ông Nguyễn Văn Bảy (65 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) sinh sống bằng nghề bán vé số là "khách quen" của bếp chay. Tiền lời bán vé số mỗi ngày không bao nhiêu nên việc được nhận bữa cơm miễn phí với ông Bảy rất có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh khó khăn. "Do không phải mất tiền mua cơm hằng ngày nên tôi có thể tiết kiệm tiền lời bán vé số để lo những việc khác" - ông Bảy bày tỏ.
Còn bà Nguyễn Thị Mai (72 tuổi, quê Sóc Trăng) chia sẻ: "Tôi đã lớn tuổi, thêm nhiều bệnh nên không thể làm công việc kiếm ra tiền. Chi tiêu sinh hoạt hằng ngày nhờ con trai đi làm thuê. Cơm ở đây rất ngon, mọi người đều vui vẻ, nhiệt tình nên khi đến nhận, tôi cảm thấy ấm lòng".
Trương Tú Vy (22 tuổi, cháu gái bà Sài) đã tiếp nhận việc đứng bếp và quản lý bếp cơm khoảng 3 năm nay, với mong muốn ngày càng mở rộng bếp ăn để lan tỏa đến nhiều người khó khăn hơn. "Ngoài cơm chay, bếp cũng thay đổi món như bún, mì... để mọi người đỡ ngán. Thời gian tới, em hy vọng sẽ đủ chỗ ngồi để các cô chú không phải xếp hàng giữa trời nắng" - Tú Vy nói.
Bài và ảnh: KIM NGÂN