Ngày 21-5, Bảo hiểm xã hội TP.HCM tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tháng 5-2025 với chủ đề “Những điểm mới, thay đổi chính sách BHXH, BHTN của Luật Bảo hiểm xã hội 2024”.
Tại hội nghị, cơ quan BHXH đã phổ biến nhiều quy định mới của Luật BHXH 2024 và trực tiếp giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp xoay quanh công tác thu, đóng và chế độ BHXH cho người lao động.
Những điểm mới nổi bật trong Luật BHXH 2024
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có nhiều nội dung mới nhằm mở rộng độ bao phủ và gia tăng quyền lợi cho người tham gia.
Một trong những điểm đáng chú ý là việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian; người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương… đều được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH.
Luật cũng bổ sung một chương riêng về đăng ký, quản lý thu và đóng BHXH nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong hệ thống BHXH. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính được thực hiện thông qua chuyển đổi số, giao dịch điện tử và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử.
Về chế độ BHXH, điểm nổi bật là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, trợ cấp hàng tháng để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, nhằm đảm bảo tốt hơn an sinh cho người dân.
Đặc biệt, một trong những điều kiện hưởng lương hưu được điều chỉnh giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm tham gia BHXH. Người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng thêm các quyền lợi về thai sản và trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, các quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của người tham gia BHXH cũng được bổ sung rõ ràng hơn trong Luật mới.
Ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: BHXH TP.HCM
Giúp doanh nghiệp giải đáp thắc mắc về BHXH
Tại phần đối thoại, đại diện các doanh nghiệp đã nêu nhiều thắc mắc liên quan đến việc thực hiện chế độ chính sách, thủ tục BHXH, BHYT cho người lao động.
Một đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi: "Lao động là người nước ngoài không cư trú, nơi tham gia BHXH là BHXH TP.HCM. Vậy người này có thể nộp hồ sơ hưởng chế độ tại cơ quan BHXH quận/huyện hay không?"
Đại diện BHXH TP.HCM cho biết, theo quy định hiện hành, người lao động có thể nộp hồ sơ tại bất kỳ cơ quan BHXH nào thuận tiện, không bắt buộc phải theo địa bàn cư trú.
Một trường hợp khác liên quan đến BHYT: “Người lao động gần 70 tuổi, đang sử dụng thẻ BHYT dành cho người có công, khi vào làm việc tại công ty thì có phải đổi thẻ BHYT khác không?”
BHXH TP.HCM trả lời: Người lao động có quyền lựa chọn thẻ BHYT có quyền lợi cao hơn. Do đó, người này có thể tiếp tục sử dụng thẻ BHYT hiện tại để hưởng quyền lợi khám chữa bệnh tối ưu.
Đại diện BHXH TP.HCM giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp của doanh nghiệp. Ảnh: BHXH TP.HCM
Đại diện 1 doanh nghiệp khác đặt câu hỏi: “Nếu người lao động đến tuổi nghỉ hưu, muốn hưởng hết 12 tháng trợ cấp thất nghiệp rồi mới làm hồ sơ hưu thì có bị ảnh hưởng gì không?”
Cơ quan BHXH cho biết, theo quy định, một người không được hưởng đồng thời hai chế độ. Tuy nhiên, việc hưởng xong trợ cấp thất nghiệp rồi mới làm hồ sơ hưu trí là hoàn toàn hợp lệ, miễn là người lao động tuân thủ đúng trình tự thủ tục, không ảnh hưởng đến quyền hưởng chế độ hưu.
Một nội dung gây chú ý khác là vấn đề chốt sổ BHXH khi nghỉ việc. Một doanh nghiệp hỏi: “Trường hợp công ty không ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động chuyển sang công ty mới thì có tiếp tục đóng BHXH được không?”
Đại diện BHXH TP.HCM cho biết: Theo quy định, doanh nghiệp phải có trách nhiệm báo giảm và chốt sổ BHXH khi người lao động nghỉ việc. Nếu không có quyết định chấm dứt và chưa chốt sổ, người lao động sẽ không thể tham gia BHXH tại nơi làm việc mới.
NGUYỄN CHÍNH