Những nhãn dán in mã QR xuất hiện tại các nghĩa trang ở Munich trong những tháng gần đây. Ảnh: Tizian Gerbing/Picture-alliance.
Bắt đầu từ tháng 12/2024, nhãn dán in mã QR bắt đầu xuất hiện trên một ngôi mộ tại nghĩa trang ở thành phố Munich, Đức. Chỉ trong vài tuần tiếp theo, khoảng 1.000 ngôi mộ trong thành phố bị đánh dấu như hàng hóa trong siêu thị.
“Thật kỳ lạ. Chúng tôi tự hỏi loại nhãn dán này có ý nghĩa gì”, Bernd Hoerauf - người giám sát quản lý các nghĩa trang của thành phố - cho biết. Nghĩa trang Waldfriedhof, Sendlinger Friedhof và Friedhof Solln là 3 nơi xuất hiện “hiện tượng” lạ này.
Mỗi nhãn dán hình chữ nhật màu trắng, có kích thước khoảng 2-3 cm, in hình mã QR màu đen, tên họ cùng chữ cái và số. Theo ông Hoerauf, các nghĩa trang ở Munich cho phép in mã QR lên bia mộ để tưởng niệm. Trong hơn một thập niên qua, nhiều người thân đã lựa chọn cách này, tải ảnh và các kỷ niệm lên “đài tưởng niệm trực tuyến”. Mọi người có thể quét mã QR để xem.
Song mã QR thường được khắc vào bia mộ hoặc một tấm kim loại trang trọng bên cạnh mộ, thay vì dán lên. Khi nhân viên nghĩa trang quét những mã bí ẩn này, họ nhận được thông tin về tên người đã khuất và vị trí ngôi mộ, không thêm thông tin nào khác. Mã QR cũng được dán ngẫu nhiên, không có điểm chung nào.
Vụ việc này khiến nhiều người ngạc nhiên. Vào năm 2004, một nghĩa trang Do Thái ở Bochum, thành phố ở miền tây nước Đức, cũng chứng kiến cảnh tượng tương tự. Những nhãn dán này dùng để tưởng nhớ Rudolf Hess, lãnh đạo cấp cao của Đức Quốc xã từng là phó tướng của Hitler. Theo Đại hội Do Thái Thế giới, những nhãn dán liên quan đến cuộc biểu tình cực hữu ở thị trấn Wunsiedel, đông nam nước Đức.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, các ngôi mộ không liên quan đến tôn giáo, dân tộc hoặc bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác của người đã khuất, ông Hoerauf cho biết.
Các nhân viên bối rối truy tìm nguồn gốc của những nhãn dán này. Nghĩa trang đã phải bỏ ra một số tiền khá cao để gỡ bỏ những tấm QR, từ khoảng 104-523 USD. Tổng chi phí có thể lên tới 523.000 USD, ông Hoerauf nói.
Do đó, thành phố đã nhờ cảnh sát can thiệp để điều tra hình sự về thiệt hại tài sản. Vào ngày 20/2, cảnh sát xác định một doanh nghiệp đã ký hợp đồng dọn dẹp và bảo dưỡng một số ngôi mộ là “thủ phạm”. Cảnh sát không nêu tên công ty hoặc chia sẻ thông tin chi tiết về cách thức lần ra nguyên nhân, song các phương tiện truyền thông Đức đã xác định một cái tên.
Tờ báo Süddeutsche Zeitung dẫn lời Alfred Zanker - giám đốc cấp cao tại công ty này - nói việc dán mã QR lên bia mộ là để nhân viên theo dõi những ngôi mộ họ đã bảo dưỡng.
"Chúng tôi là công ty lớn. Mọi thứ phải diễn ra theo đúng quy trình”, ông nói.
Cảnh sát từ chối bình luận thêm, với lý do đang tiếp tục điều tra.
Trí Ân