Bí ẩn bên trong hang động có dấu tích người tiền sử

Bí ẩn bên trong hang động có dấu tích người tiền sử
3 giờ trướcBài gốc
Hang Con Moong (tiếng Mường nghĩa là con thú) nằm ở thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Hang Con Moong nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, có độ dài khoảng 40 m, thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10 m, hang nổi bật hẳn lên với những thế mạnh của một di chỉ khảo cổ học độc đáo và nhiều điều bí ẩn.
Bên trong Hang Con Moong - một di chỉ đặc biệt về khảo cổ học của Việt Nam
Theo các tài liệu khảo cổ học, hang Con Moong được phát hiện vào năm 1974 và được khai quật hầu như toàn bộ trong năm 1976. Trải qua nhiều đợt khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện, tầng văn hóa trong hang rất dày (khoảng từ 3 đến 3,2 m), chứa đựng vết tích văn hóa của nhiều thời đại, từ đá cũ, qua đá mới.
Kết quả phân tích bằng phương pháp carbon (C14) trên 10 mẫu của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định niên đại của lớp sớm nhất là cách đây khoảng 15.000 năm, lớp giữa là khoảng 10.000 năm, lớp trên là khoảng 7.000 năm.
Giá trị nổi bật nhất của Hang Con Moong là lần đầu tiên phát hiện ra địa tầng có dấu vết của quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt. Sự phát triển này là một thành tựu văn hóa vĩ đại của nhân loại.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa trên, năm 2007, Hang Con Moong được công nhận là Di tích khảo cổ Quốc gia và năm 2016 được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trao bằng công nhận là Di tích khảo cổ Quốc gia đặc biệt.
Hang Con Moong là di tích thứ 4 của Thanh Hóa được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt sau Quần thể di tích lịch sử Lam Kinh, di tích Đền Bà Triệu và Thành Nhà Hồ (hiện là Di sản văn hóa Thế giới).
Hang Con Moong (tiếng Mường gọi là hang Con Thú) thuộc xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, trong vùng bảo vệ của Vườn Quốc gia Cúc Phương, nằm trong núi đá vôi thuộc hệ tầng Đồng Giao, khoảng 240 triệu năm
Hang được phát hiện vào năm 1974 và khai quật lần đầu tiên năm 1976. Đây là một hang thông hai đầu, dài khoảng 40 m, trần hang cao khoảng 9 m
Qua các cuộc khảo sát, điền dã, các nhà khoa học trong và ngoài nước đều thống nhất nhận định niên đại sớm nhất của hang Con Moong cách ngày nay khoảng 15.000 năm
Đây là một trong số di chỉ có địa tầng dày và được bảo tồn tốt ở Việt Nam và Đông Nam Á, với độ sâu được các nhà khoa học xác định 9,5 m
Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện 10 lớp cấu trúc khác nhau
Tại các lớp từ 1 đến 6, đã tìm thấy công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể. Các lớp 7 đến 10 có công cụ đá quartz, di vật tập trung nhất là lớp 10 (độ sâu từ -8,5 m đến -9,5 m)
Đặc biệt, tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các mộ táng theo kiểu “nằm co bó gối” - một trong những kiểu táng sớm nhất của con người
Theo nhận định của các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước, tại Hang Con Moong ghi nhận 4 giai đoạn phát triển văn hóa từ tiền Sơn Vi, Sơn Vi, Hòa Bình - Bắc Sơn đến Đa Bút
Các lớp trầm tích bên trong Hang Con Moong
Ngoài giá trị về nghiên cứu khoa học, văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn, Hang Con Moong còn là điểm khám phá hấp dẫn đối với khách du lịch
Hàng năm có rất đông khách du lịch tới đây khám phá
Hang Con Moong hiện đang được đệ trình để UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới. Nếu di chỉ khảo cổ này và các di chỉ cư trú khác tại Vườn Quốc gia Cúc Phương được UNESCO vinh danh, đây sẽ là Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.
Tuấn Minh
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/bi-an-ben-trong-hang-dong-co-dau-tich-nguoi-tien-su-196241101093017614.htm