Được đặt biệt danh là “Capacabra”, xác ướp nhỏ bằng một con mèo này được tìm thấy trong quá trình tu sửa tòa nhà lịch sử Cook-Seevers Hall vào năm 2018. Hiện nó đã trở thành linh vật không chính thức của Chương trình Khảo cổ học Khuôn viên trường (CAP) – nhưng danh tính thật sự vẫn là một câu hỏi lớn.
Sinh vật kỳ lạ.
Sinh vật kỳ quái với "bàn tay người"
Theo Jerielle Cartales, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành nhân học pháp y, sinh vật này có đuôi dài mảnh như mèo, nhưng tay lại mang đặc điểm giống người với đầy đủ năm ngón và móng.
“Nó được bao phủ bởi lớp mô mỏng, khô như giấy da. Mũi và tai vẫn còn, nhưng đã khô quắt lại. Trông thực sự kỳ dị,” Cartales mô tả.
Dưới lớp bụi và thời gian, “Capacabra” hiện đang là chủ đề của cuộc điều tra khoa học kỳ lạ bậc nhất trong khuôn viên đại học.
Từ chupacabra đến raccoon?
Tên gọi “Capacabra” là cách chơi chữ giữa chương trình CAP và sinh vật huyền thoại chupacabra – loài quái vật hút máu trong truyền thuyết Mỹ Latinh. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy sinh vật này thuộc về cõi huyền bí.
Các giả thuyết ban đầu cho rằng đây có thể là mèo, chó, thậm chí là thú có túi (opossum) – nhưng sau khi phân tích bộ xương và chụp X-quang, Cartales nghiêng về một khả năng khác: gấu mèo (raccoon).
“Ban đầu chẳng ai nghĩ đến gấu mèo, nhưng giờ tôi tin đó là ứng viên sáng giá nhất. Hộp sọ và mõm khá trùng khớp,” cô nói.
Tuy nhiên, vì mẫu nghiên cứu thiếu răng – yếu tố then chốt để nhận diện loài – Cartales vẫn cần tìm mẫu răng của gấu mèo để xác minh.
Làm thế nào nó bị ướp xác?
Giả thuyết được ủng hộ nhiều nhất là sinh vật đã chui vào tòa nhà qua ống thông gió, mắc kẹt và bị ướp khô theo thời gian nhờ luồng không khí khô nóng – điều kiện hoàn hảo cho quá trình ướp xác tự nhiên.
“Không khí từ ống dẫn – đặc biệt vào mùa đông – có thể tạo ra môi trường khô và ấm. Còn mùa hè ở đây tuy ẩm, nhưng bên trong hệ thống ống vẫn khá khô và nóng,” Cartales giải thích.
Chưa thể kết luận 100%
Mặc dù nghiêng về giả thuyết gấu mèo, nhà nghiên cứu trẻ vẫn thận trọng:
“Là nhà khoa học, tôi không bao giờ khẳng định điều gì tuyệt đối. Hiện tôi tin khoảng 75% rằng đây là gấu mèo – nhưng cần thêm dữ liệu để chắc chắn.”
Cho đến khi có kết luận cuối cùng, “Capacabra” vẫn là sinh vật gây tò mò bậc nhất tại Đại học Bang Michigan – nửa linh vật, nửa bí ẩn chưa lời giải.
Như Ý (Daily Mail)