Hạc trắng "về trời" giữa mùa lễ hội
Năm 1995, khi lễ hội đền Cuông hay còn gọi là đền thờ An Dương Vương, tọa lạc trên núi Mộ Dạ, nằm ngay cạnh quốc lộ 1A đoạn qua xã Diễn An (huyện Diễn Châu), bước vào ngày khai mạc, giữa hàng ngàn người dân đang háo hức xem màn diễu hành cưỡi ngựa, một con chim hạc trắng to lớn bất ngờ từ đâu bay tới, đáp xuống ngay bên một người tàn tật đang ngồi trên xe lăn trong sân đền. Không chút sợ hãi, chú hạc như hòa vào không khí hội xuân, nô đùa với đám đông, lặng lẽ bước vào lòng người bằng vẻ hiền lành và thanh thoát.
Chim hạc đang được trưng bày tại đền An Dương Vương
Sau hôm ấy, hạc trắng chọn một góc linh thiêng trong đền làm nơi cư ngụ. Ban quản lý đền không đành lòng đuổi đi nên quyết định giữ lại, ngày ngày cho ăn, chăm sóc. Nhưng rồi, ba tháng sau, hạc yếu dần và qua đời.
Xác chim hạc được đưa ra Hà Nội nhồi bông, bảo quản cẩn thận, chuyển về lại đền Cuông, đặt trang trọng trong tủ kính tại hạ điện. Trở thành một biểu tượng linh thiêng không thể lý giải.
Ông Cao Văn Trân (79 tuổi), một trong những thủ nhang nhiều năm tại đền vẫn nhớ như in câu chuyện vừa xảy ra. "Chim hạc sải cánh dài tới 1,5 mét, nặng 12 kg. Nó không phải chim thường đâu. Có người tin rằng, đó là công chúa Mỵ Châu hóa thân, trở về trong ngày lễ hội để cùng nhân dân tưởng nhớ cha mình", ông Cao Văn Trân kể.
Ông Cao Văn Trân bên cạnh tủ kính đặt trang trọng giữa tòa hạ điện chứa tiêu bản chim hạc.
Chuyện lạ chưa dừng lại ở đó. Năm sau, đúng dịp lễ hội đền Cuông, người dân phát hiện một con cá voi lớn dạt vào bờ biển Cửa Hiền, nơi lưng đền tựa ra khơi. Cá được làm lễ an táng long trọng, xây lăng chôn cất gần biển. Những năm sau đó, thi thoảng, lại có cặp cá voi bơi vào, có con mắc cạn, người dân cùng chính quyền phải huy động lực lượng giải cứu.
"Nhiều người bảo, cá voi là hiện thân của vua An Dương Vương, dạt vào để nhắn gửi nỗi u hoài, bi thương về một thời kỳ vong quốc, về cú tuẫn tiết cùng con gái ở nơi này", ông Trân kể.
Nơi An Dương Vương dừng bước
Theo sử sách và truyền thuyết, năm 208 TCN, Triệu Đà đánh Âu Lạc, dùng con trai là Trọng Thủy làm nội gián, lấy công chúa Mỵ Châu. Khi nỏ thần rơi vào tay giặc, An Dương Vương thất thế, chạy đến vùng Cửa Hiền, nay là xã Diễn Trung. Trước mặt là biển lớn, sau lưng là quân địch, ông đã tuẫn tiết cùng con gái, khép lại một chương sử bi tráng.
Đền Cuông nằm lưng chừng núi Mộ Dạ.
Để tưởng nhớ Vua An Dương Vương sau khi ông tuẫn tiết, người dân vùng Cửa Hiền lập miếu thờ tại nơi ông dừng chân cuối cùng. Theo lời kể của các bậc cao niên, ban đầu đền được gọi là đền Công, bởi ngày xưa núi Mộ Dạ là rừng rậm rạp, nơi chim công từng tụ hội về sinh sống. Thế núi Mộ Dạ nhìn từ xa lại giống hệt hình một con công khổng lồ đang múa, với phần đầu chim chính là vị trí đặt ngôi đền ngày nay. Không chỉ là điểm di tích linh thiêng, đền còn là một danh thắng bởi sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên. Đền tựa lưng vào sườn núi Mộ Dạ phủ kín rừng thông, trước mặt là biển rộng mênh mông tạo nên một phong thủy hiếm có, vừa nên thơ, vừa linh thiêng.
Hằng năm, nhân dân Diễn Châu tổ chức lễ hội để tưởng nhớ An Dương Vương. Trên ngọn núi này, nhân dân địa phương cũng lập miếu thờ công chúa Mỵ Châu và thần Kim Quy.
Đền thờ Thục Phán An Dương Vương từ lâu đã trở thành nơi thờ tự linh thiêng, thu hút rất đông người đến viếng, cầu an, nhất là dịp tết Nguyên đán. Đặc biệt, câu chuyện chim hạc bay về và cá voi dạt vào bờ biển đúng vào ngày lễ hội đền thờ An Dương Vương là sự trùng hợp đầy bí ẩn khiến cho ngôi đền này càng thêm huyền bí.
Và rồi, mỗi lần về đền Cuông, dừng bước trước tủ kính nơi lưu giữ xác chim hạc trắng từng bay về trong ngày hội năm nào, không ít người khẽ thở dài, tự hỏi: Đó chỉ là trùng hợp, hay là điềm linh thiêng giữa chốn nhân gian? Dù là Mỵ Châu trở lại, hay một cánh chim trời vô tình ghé đậu, thì hình bóng ấy cũng đã góp phần viết nên lớp huyền tích làm ngôi đền thêm phần kỳ bí qua bao thế hệ.
Đền Cuông, hay đền thờ Thục Phán An Dương Vương, được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1975. Đến năm 2021, nơi đây chính thức được xếp hạng là một trong những điểm du lịch văn hóa tiêu biểu của tỉnh Nghệ An.
Đền Cuông còn là một danh thắng bởi sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên. Đền nằm ở lưng núi Mộ Dạ, trên núi là rừng thông bạt ngàn, sau núi là biển.
Hằng năm, từ ngày 12 đến 16 tháng Hai âm lịch, lễ hội đền Cuông diễn ra trong không khí trang nghiêm mà rộn ràng. Người dân khắp nơi trở về hành lễ, dâng cúng những mâm cỗ đượm hương vị biển cả như lời tri ân gửi đến vị vua xưa, đồng thời cầu mong một năm mới sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa.
Hoàng Trinh