Bí ẩn cổ kiếm ngàn năm không gỉ, sắc bén vô cùng của Câu Tiễn

Bí ẩn cổ kiếm ngàn năm không gỉ, sắc bén vô cùng của Câu Tiễn
15 giờ trướcBài gốc
Thanh cổ kiếm hơn 2.000 năm tuổi vẫn sắc bén tới nỗi khi một nhà khảo cổ dùng tay thử kiếm, ông đã bị đứt tay, chảy máu ngay lập tức, theo Ancient Origins.
Ngoài chất lượng hiếm thấy, nghệ thuật đúc kiếm hết sức tinh xảo cũng được giới khảo cổ lưu ý, dù nó được chế tạo cách đây đã rất lâu.
Theo tài liệu hiện có, năm 1965, các nhà khảo cổ tham gia công tác khai quật tại tỉnh Hồ Bắc, cách Tế Nam, kinh thành xưa cũ của nước Sở thời Xuân Thu - Chiến Quốc, đã phát hiện 50 ngôi mộ cổ.
Trong quá trình khai quật mộ, các nhà nghiên cứu tìm thấy thanh cổ kiếm được cho là của Câu Tiễn, bên cạnh khoảng hơn 2.000 cổ vật khác.
Thanh cổ kiếm được cho là của Câu Tiễn, hiện trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia tỉnh Hồ Bắc (Ảnh: Wiki Commons)
Theo trưởng nhóm khảo cổ tham gia khai quật, thanh kiếm được tìm thấy trong một ngôi mộ, được đặt trong một chiếc hộp gỗ bên cạnh một hài cốt. Nhóm khảo cổ hết sức ngỡ ngàng khi đưa thanh cổ kiếm ra khỏi hộp gỗ. Khi kiếm được rút ra khỏi bao, lưỡi kiếm hầu như không gỉ sét chút nào, dù bị chôn trong điều kiện ẩm ướt hơn 2.000 năm.
Một thử nghiệm được các nhà khảo cổ thực hiện cho thấy thanh kiếm có thể dễ dàng chém đứt 20 tờ giấy, cho thấy sự sắc bén đáng kinh ngạc của nó.
Thanh cổ kiếm của Câu Tiễn được coi là một trong những mẫu kiếm sớm nhất ở Trung Quốc. Kiếm thường được mô tả trong các câu truyện dân gian, truyền thuyết của Trung Quốc, là một trong bốn loại vũ khí chính, cùng với bổng (gậy), thương và đao.
Cổ kiếm của câu tiễn được chế tác từ chất liệu đồng, với hàm lượng đồng đỏ cao, đồng nghĩa với việc kiếm dễ uống dẻo và khó bị vỡ.
Lưỡi kiếm được làm từ thiếc, cứng hơn và duy trì được độ sắc bén qua thời gian. Cổ kiếm cùng có một hàm lượng nhỏ sắt, chì và sulfur, ngoài ra nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sulfur và sulfide cuprum cao là nguyên nhân kiếm hầu như không bị gỉ.
Thanh cổ kiếm dài khoảng 55,7cm, bao gồm phần chuôi 8,4cm và có lưỡi kiếm rộng khoảng 4,6cm. Kiếm nặng 875 gram, phần chuôi kiếm được bọc lụa và núm kiếm được tạo thành bởi 11 vòng tròn đồng tâm.
Trên đuôi kiếm có hai hàng chữ Điểu Trùng Triện (chữ cổ của Trung Quốc), các nhà nghiên cứu có thể đọc được 6 chữ "Việt Vương tự tác dụng kiếm" (kiếm của vua nước Việt tự chế tác để dùng). Hai chữ còn lại không thể đọc được, nhưng nhiều khả năng là tên hoặc niên hiệu của nhà vua.
Dựa vào đó, các nhà khảo cổ cho rằng thanh kiếm này thuộc sở hữu của Câu Tiễn, tức là nó đã có niên đại khoảng 2.500 năm.
Giới khảo cổ Trung Quốc cho rằng thợ đúc kiếm ở khu vực đất Ngô và đất Việt ở miền Nam Trung Quốc trong thời Xuân Thu đã có thể đưa các hợp chất chống gỉ vào trong các thanh kiếm, khiến chúng có thể trường tồn cùng thời gian mà vẫn vô cùng sắc bén.
Năm 1994, thanh cổ kiếm được trưng bày trong một triển lãm tại Singapore. Khi triển lãm kết thúc, một nhân viên bảo tàng trong lúc nhấc kiếm khỏi vị trí trưng bày đã vô tình đánh rơi, gây ra vết nứt khoảng 7mm trên bề mặt. Thanh kiếm từ đó hầu như không rời khỏi Trung Quốc, và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc.
Theo Sở hữu trí tuệ
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bi-an-co-kiem-ngan-nam-khong-gi-sac-ben-vo-cung-cua-cau-tien/20250112093546569