Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Rafael Grossi. Ảnh: Getty.
Hơn 400 kg uranium làm giàu hiện vẫn chưa được xác định vị trí tại Iran sau khi nước này bị Israel và Mỹ tiến hành không kích vào các cơ sở hạt nhân trọng yếu, theo xác nhận của ông Rafael Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Trong cuộc phỏng vấn phát sóng trên đài CBS hôm đầu tuần này, ông Grossi thừa nhận: “Chúng tôi không biết số vật liệu hạt nhân này hiện ở đâu, hoặc một phần của nó có thể đã bị phá hủy trong đợt tấn công kéo dài 12 ngày đó”.
Theo ông, kho uranium được Iran làm giàu ở mức 60% độ tinh khiết – tức chỉ còn một bước nữa là đạt mức 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân – đã “bị mất dấu” kể từ sau các cuộc không kích của Israel và Mỹ. Một phần có thể bị phá hủy, một phần có thể đã được di chuyển đến nơi khác, Grossi cho biết.
Khối lượng uranium này ước tính khoảng 400 kg, theo đánh giá của IAEA là đủ để tạo ra hơn 9 đầu đạn hạt nhân nếu được tiếp tục làm giàu đến mức 90%.
Israel đã phát động cuộc tấn công vào ngày 13/6 với cáo buộc Iran đang tiến sát việc chế tạo vũ khí hạt nhân – điều mà cả IAEA và tình báo Mỹ đều bác bỏ trước đó. Ngày 22/6, Mỹ gia nhập chiến dịch bằng việc không kích các cơ sở hạt nhân trọng yếu của Iran tại Fordow, Natanz và Isfahan. Iran phủ nhận các cáo buộc và lập tức đáp trả quân sự.
Tuần trước, một thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian đã được hai bên thông qua và cho đến nay vẫn được duy trì.
Dù cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran chịu tổn thất đáng kể sau loạt tấn công, ông Grossi nhận định Tehran có thể khôi phục hoạt động làm giàu uranium trong vài tháng tới, bởi “kiến thức thì không thể bị hủy bỏ”.
Ông cũng tiết lộ rằng giới chức Iran đã thông báo cho IAEA vào ngày 13/6 rằng họ đang áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với tài sản hạt nhân. Một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters rằng phần lớn số uranium tại cơ sở Fordow có vẻ như đã được di dời vài ngày trước khi bị tấn công, dựa trên ảnh vệ tinh cho thấy sự hiện diện của nhiều xe tải tại hiện trường.
Cựu thanh tra IAEA Olli Heinonen cảnh báo việc xác minh vị trí của lượng uranium nọ có thể mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi công tác điều tra pháp y và lấy mẫu môi trường. Ông cho biết một số vật liệu có thể “không thể tiếp cận được, bị phân tán trong đống đổ nát hoặc mất mát trong lúc không kích”.
Hiện tại, Iran đã đình chỉ hợp tác với IAEA và từ chối lời đề nghị của ông Grossi được thanh tra các cơ sở bị phá hủy, bao gồm Fordow. Quốc hội Iran cũng vừa bỏ phiếu yêu cầu chấm dứt việc tuân thủ các hoạt động giám sát định kỳ theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), với lý do IAEA đã “không thể ngăn chặn hành vi quân sự phi pháp”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ khả năng Iran đã kịp di dời uranium trước các cuộc không kích, cho rằng việc này “rất nguy hiểm và cực kỳ khó thực hiện”. Ông khẳng định Iran không di chuyển gì vì “chỉ cố gắng cứu thân mình khỏi cuộc tấn công”.
Huyền Chi