Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngai vàng (hay ngai vua) triều Nguyễn hiện được đặt tại điện Thái Hòa là chiếc ngai duy nhất còn được bảo tồn nguyên vẹn của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Đây là hiện vật độc bản, được chế tác dưới thời vua Gia Long (1802-1819) và sử dụng xuyên suốt trong thời Nguyễn với tổng cộng 13 đời vua, kéo dài 143 năm.
Ngai vàng triều Nguyễn đặt ở vị trí trung tâm điện Thái Hòa. (Ảnh: Cục Di sản Việt Nam)
Ngai cao 101cm, rộng 72cm, dài 87cm; phần đế dài 118cm, rộng 90cm, cao 20cm. Tất cả đều được làm bằng gỗ gụ, sơn son thếp vàng. Là biểu tượng quyền lực của triều đại, ngai vua triều Nguyễn được trang trí các hình ảnh về rồng với cách thể hiện phong phú mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ.
Phía trên ngai vàng có bửu tán bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy. Phần lưng ngai là phần cao nhất, gồm một tấm bảng gỗ hẹp hình chữ nhật có bề rộng khoảng 18cm đặt theo chiều dọc, mỗi bên có hai song tựa cạnh vuông. Tay ngai được uốn cong, lượn theo lưng ghế sang hai bên thành hai đầu rồng. Mặt ngai (phần để ngồi) hình chữ nhật, kích thước 87x72cm.
Trong 143 năm tồn tại của nhà Nguyễn, ngai vàng tại điện Thái Hòa chưa bao giờ bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu. Ngai vàng từng được trùng tu một lần dưới thời vua Khải Định (1916-1925). Do khi lên làm vua, ông cho làm lại bửu tán phía trên ngai, chuyển từ chất liệu gấm lụa sang gỗ sơn son thếp vàng và chạm khắc tinh xảo. Để đồng bộ, nhà vua cũng cho trùng tu lại ngai vàng.
Theo cuốn "Kinh Thành Huế: Tìm hiểu quá trình xây dựng Kinh đô nhà Nguyễn" của tác giả Phan Thuận An, nhà vua ngồi trên ngai vàng đặt giữa điện Thái Hòa. Phía trong điện chỉ có các quan tứ trụ và những hoàng thân quốc thích mới được diện kiến nhà vua. Các quan khác đứng xếp hàng ngang theo thứ tự ghi trên các phẩm sơn bằng đá nhỏ đặt bên sân, theo nguyên tắc quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải.
Từ xưa người Huế không bao giờ dám lấy một viên ngói hay gạch ở hoàng cung về để sử dụng. Khi triều Nguyễn chấm dứt cho đến giai đoạn đất nước bị chia cắt, không ai dám phạm thượng tự ý ngồi lên ngai vàng hay xâm phạm bất cứ thứ gì.
Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh yêu cầu các địa phương giữ gìn di vật, bảo vật do các đời trước để lại, không được phá hủy. Sau những biến cố lịch sử, chiếc ngai vẫn không xê dịch khỏi điện Thái Hòa.
Năm 2015, ngai vàng được Thủ tướng ký quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia, đồng thời được đánh giá là hiện vật quý hiếm bậc nhất trong hệ thống di sản cung đình Việt Nam.
Thiên Bình