Thực chất, Athos là toàn bộ phần nhô ra ở cực bắc của bán đảo, dài 45km, rộng 5-10km và có đỉnh cao 2.033m. Khu vực này nối với đất liền bằng một eo đất hẹp.
Ảnh: Expedia
Người dân địa phương gọi nơi này là Agion Oros hay “núi Thánh”. Ngày nay, trên núi Athos vẫn có hơn 2.000 tu sĩ đến từ Hy Lạp và các quốc gia lân cận, tập trung tu tập khổ hạnh và gần như cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Theo các tài liệu lịch sử, những vị tu sĩ đầu tiên đặt chân đến núi Athos vào khoảng thế kỷ thứ 2. Ban đầu, họ là những ẩn sĩ đơn độc rồi dần hình thành các nhóm nhỏ từ những năm 800.
Ảnh: Greeka
Tới khoảng đầu thế kỷ 11, hoàng đế của đế chế Đông La Mã (Byzantine) thời bấy giờ là Constantinos IX Monomachos đã trao quyền tự trị cho vùng Athos, khiến nơi đây được coi như một "vương quốc tu viện".
Ngày nay, trên núi Athos vẫn xuất hiện lá cờ vàng có hình đại bàng 2 đầu cầm kiếm và thánh giá của Palaiologos, triều đại cuối cùng của đế chế Đông La Mã.
Ảnh: National Geographic
Các tu sĩ ở đây cũng duy trì cách tính thời gian của đế chế Đông La Mã. Họ sử dụng lịch Julian thay vì lịch Gregorian như đa phần các quốc gia trên thế giới hiện nay. Lịch Julian chậm hơn 13 ngày so với lịch Gregorian.
Do đó khi ghé thăm núi Athos, du khách sẽ được "trở về quá khứ" theo đúng nghĩa đen.
Theo Tiến sĩ Graham Speake, tác giả cuốn Mount Athos: Renewal in Paradise (tạm dịch là "Núi Athos: Sự tái sinh nơi thiên đường"), một bản hiến chương từ thế kỷ 10 nêu rõ "phụ nữ, sinh vật giống cái,... và cả đàn ông không có râu bị cấm tới nơi này".
Thậm chí, những đối tượng trên còn phải cách xa núi Athos trong phạm vi 500m để đảm bảo môi trường thanh tịnh nhất cho các nam tu sĩ tu tập.
Ảnh: Expedia
Đạo luật này được cho là bắt nguồn từ một tích liên quan đến Đức mẹ Maria và bà cũng là đại diện duy nhất của phái nữ trên ngọn núi linh thiêng này.
Lệnh cấm này vẫn còn được duy trì nghiêm ngặt cho đến tận ngày nay. Thậm chí, luật pháp Hy Lạp còn quy định rõ bất kỳ người phụ nữ nào đặt chân tới núi Athos sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 12 năm.
Tiếng mõ gỗ dẻ vào lúc 3h30 sáng hằng ngày báo hiệu cho các tu sĩ biết đã đến giờ cầu nguyện, được coi là âm thanh huyên náo nhất trên núi Athos. Họ không dùng đèn điện mà thắp sáng bằng những ngọn nến và cầu nguyện đều đặn mỗi ngày.
Ảnh: Greece Is
Thức ăn chủ yếu của các tu sĩ là rau, cá và rượu vang. Đây đều là những thứ được nuôi trồng và sản xuất trong trang trại của tu viện.
Ảnh: Orthodox Christianity
Dù ở thế kỷ 21, song trên núi Athos không hề có sự hiện diện của bất kỳ thiết bị điện tử hiện đại nào. Một số tu sĩ lựa chọn sống biệt lập ở những khu vực riêng biệt chênh vênh trên những vách đá để tránh sự phiền nhiễu.
Các công trình kiến trúc trên núi được gìn giữ gần như nguyên vẹn trong suốt chiều dài lịch sử. Vào năm 1988, UNESCO đã công nhận Athos là Di sản thế giới.
Ảnh: Frozen Ambrosia
Ngày nay, núi Athos chỉ cho phép khoảng hơn 100 du khách là người Hy Lạp hoặc người theo Chính thống giáo tới viếng thăm mỗi ngày. Du khách phải di chuyển và vượt qua các trạm kiểm soát biên giới bằng cách ngồi thuyền, chứ không được vào bằng đường núi.
Ngoài việc phải có giấy phép đăng ký từ trước, những du khách nam được chọn ghé thăm nơi này cũng phải có vẻ ngoài hiền lành, phúc hậu mới được phép đặt chân lên núi. Họ còn phải trải qua những vòng kiểm tra nghiêm ngặt, thậm chí phải cởi bỏ quần áo để tránh trường hợp cải trang trà trộn vào ngọn núi thiêng.
Nếu được chấp thuận, du khách sẽ ăn ở miễn phí trong các tu viện. Mọi người cần giữ thái độ tôn kính trong suốt thời gian tham quan cũng như chuẩn bị sẵn trang phục phù hợp, lịch sự như quần dài, áo sơ mi, tránh đồ thể thao hay ngắn cộc.