Chiếc Nhẫn ngư phủ được đeo trên ngón tay của Giáo hoàng Francis trong thánh lễ nhậm chức của ông tại Vatican vào ngày 19/3/2013. Ảnh: Reuters.
Được đặt tên theo Thánh Phêrô – người từng là ngư dân và theo truyền thống Công giáo là vị Giáo hoàng đầu tiên – chiếc nhẫn đã được Đức Giáo hoàng Francis đeo trong các nghi lễ suốt 12 năm trị vì. Vô số tín hữu đã cúi hôn chiếc nhẫn này, thậm chí nó từng gây tranh cãi vì vấn đề vệ sinh.
Giờ đây, theo truyền thống, chiếc nhẫn có khắc dấu ấn của vị Giáo hoàng quá cố sẽ bị phá hủy – hoặc ít nhất là bị làm hư hại – bên trong nội thành Vatican, sau khi ngài qua đời ở tuổi 88 trong hôm đầu tuần này.
Đây là một nghi lễ mang ý nghĩa thiết thực. Nhẫn Ngư Phủ và một mặt dây chuyền gọi là bulla từng được dùng như con dấu chính thức cho các văn kiện gọi là tối thư của Giáo hoàng. Mỗi vị Giáo hoàng mới đều được cấp mới những vật phẩm này, và để ngăn việc làm giả các văn kiện sau khi qua đời, cả hai đều bị đập vỡ bằng búa. Từ năm 1521 đến 2013, nghi thức này luôn được thực hiện.
Trong sách hướng dẫn lễ đăng quang năm 2013, nhẫn Ngư Phủ của Giáo hoàng Francis được mô tả là bằng bạc mạ vàng, thay vì vàng nguyên chất như truyền thống – một lựa chọn thể hiện sự khiêm nhường.
Nhẫn ngư phủ của Giáo hoàng Francis được mô tả trong sách hướng dẫn của Vatican cho thánh lễ nhậm chức năm 2013. Đức Giáo hoàng quá cố đã tránh xa truyền thống khi chọn một chiếc nhẫn bạc mạ vàng, thay vì một chiếc nhẫn làm từ vàng nguyên khối. Ảnh: AFP.
“Có thể ví điều này như việc thu hồi mật khẩu một tài khoản mạng xã hội”, Christopher Lamb, phóng viên Vatican của CNN, cho biết. “Nó nhằm ngăn chặn kẻ mạo danh sử dụng con dấu giả cho văn bản”.
Theo thông lệ, Hồng y Chưởng ấn của Giáo hội Rôma – người được giao nhiệm vụ điều hành giai đoạn chuyển giao – sẽ phá hủy nhẫn và bulla trước sự chứng kiến của Hồng y đoàn sau khi công bố sự ra đi của Giáo hoàng.
Mặc dù nhẫn và bulla đã mất chức năng như một con dấu từ giữa thế kỷ 19 (được thay thế bằng con dấu đóng), nghi thức vẫn được duy trì. Khi Giáo hoàng Benedict XVI trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên thoái vị trong 600 năm, một truyền thống mới đã hình thành: khắc một dấu thập sâu lên mặt nhẫn thay vì phá hủy hoàn toàn.
Giáo hoàng Benedict XVI đeo chiếc Nhẫn ngư phủ trong một cuộc họp của các nhà lãnh đạo tôn giáo ở London năm 2010, chưa đầy 3 năm trước khi ông trở thành Giáo hoàng đầu tiên từ chức. Ảnh: AFP.
“Tôi nghĩ họ cảm thấy không cần thiết phải phá nhẫn nữa”, ông Lamb nói và cho rằng khả năng mạo danh Giáo hoàng hiện nay là rất thấp.
Hồng y Kevin Joseph Farrell – người Ireland, được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm làm Chưởng ấn năm 2023 – dự kiến sẽ tiếp tục truyền thống này trước khi Mật nghị hồng y nhóm họp chọn vị Giáo hoàng kế nhiệm.
Nên hôn hay không nên hôn?
Chiếc nhẫn bạc nhỏ hơn, ít hoa văn hơn được Đức Giáo hoàng Francis đeo khi bắt tay một tù nhân tại Trại giam Curran-Fromhold ở Philadelphia, ngày 27/9/2015. Ảnh: Reuters.
Dù mang giá trị nghi lễ và tượng trưng cho quyền lực Giáo hoàng, nhẫn Ngư Phủ được sử dụng rất linh hoạt tùy từng triều đại.
Giáo hoàng Francis không đeo nó hàng ngày như một số người tiền nhiệm (như Giáo hoàng Benedict XVI), cũng không thay thế nó bằng mẫu khác như Giáo hoàng John Paul II từng làm. Ngài chỉ đeo nhẫn này trong các nghi thức trang trọng, còn thường ngày dùng một chiếc nhẫn bạc đơn giản thời còn là Hồng y.
Có đồn đoán rằng Giáo hoàng Francis không thoải mái với việc người khác hôn nhẫn: đầu năm 2019, ngài từng rút tay lại nhiều lần khi tín hữu cố hôn, dù Vatican sau đó giải thích rằng đó là để hạn chế vi khuẩn lây lan.
Theo ông Lamb, Giáo hoàng Francis luôn tiếp cận người khác một cách gần gũi – bắt tay hoặc ôm an ủi – thay vì đòi hỏi nghi thức quỳ gối hôn nhẫn.
Chiếc nhẫn "tái chế"
Thợ kim hoàn Roberto Franchi cùng anh trai Claudio được giao nhiệm vụ chế tác chiếc Nhẫn ngư phủ cho Giáo hoàng Benedict XVI đeo sau khi ông được bầu vào năm 2005. Ảnh: AFP.
Nhẫn Ngư Phủ qua các thời kỳ thường được chế tác thủ công, thể hiện hình ảnh Thánh Phêrô cùng chìa khóa của Tòa Thánh. Tuy nhiên, kiểu dáng và chất liệu rất đa dạng, phản ánh gu thẩm mỹ hoặc triết lý của từng vị Giáo hoàng.
Với tinh thần giản dị, Giáo hoàng Francis không đặt làm mới mà dùng lại nhẫn của thư ký Giáo hoàng Paul VI – Đức Tổng Giám mục Pasquale Macchi (qua đời năm 2006). Chiếc nhẫn được làm bằng bạc mạ vàng, chứ không phải vàng nguyên chất.
Số phận chiếc nhẫn sau Mật nghị Hồng y vẫn còn là ẩn số – giống như nhiều điều xoay quanh tiến trình chọn Giáo hoàng mới.
Theo CNN
Huyền Chi