Với người hâm mộ bóng đá, đây là một sự kiện đáng ăn mừng. Nhưng với giới toán học, chiến thắng này lại hé lộ một điều thú vị hơn nhiều: một mô hình toán học quen thuộc bất ngờ xuất hiện trong bảng thống kê các nhà vô địch Premier League.
Cụ thể, khi cộng số lần vô địch của 7 đội hàng đầu trong lịch sử Premier League, người ta nhận ra rằng các con số này tạo thành một phần của dãy Fibonacci – một chuỗi số nổi tiếng trong toán học.
Với người yêu bóng đá, đây có thể chỉ là sự trùng hợp. Nhưng với những ai quan tâm đến toán học, họ lập tức nhận ra dãy số: 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, chính là các số đầu tiên trong chuỗi Fibonacci, nơi mỗi số bằng tổng của hai số liền trước.
Dãy số cổ xưa
Dãy Fibonacci xuất hiện từ hàng thế kỷ trước. Nó từng được các học giả Ấn Độ thời trung cổ phát hiện trong lúc phân tích nhịp điệu thơ tiếng Phạn. Sau đó, nhà toán học người Italia Leonardo Bonacci, thường được biết đến với cái tên Fibonacci, đã mô tả lại dãy số này vào thế kỷ 13 khi ông nghiên cứu mô hình sinh sản của thỏ.
Leonardo Bonacci, được biết đến nhiều hơn với cái tên Fibonacci. (Nguồn: Alamy)
Theo mô hình của ông, một cặp thỏ sẽ cần một tháng để trưởng thành, sau đó mỗi tháng sẽ sinh thêm một cặp mới. Cứ như vậy, số lượng thỏ mỗi tháng sẽ lần lượt là: 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21...
Không chỉ dừng ở động vật, chuỗi Fibonacci còn liên quan mật thiết đến Tỷ lệ vàng (phi ≈ 1.618), một tỉ lệ được cho là hiện thân của vẻ đẹp tự nhiên và sự hài hòa. Khi chia các số liên tiếp trong chuỗi Fibonacci, ta sẽ dần tiến gần đến con số 1,618.
Ví dụ, 21 chia cho 13 xấp xỉ 1,615; 34 chia cho 21 xấp xỉ 1,619. Dãy số này vì thế đã thu hút sự quan tâm của giới toán học, nghệ thuật và cả khoa học tự nhiên suốt nhiều thế kỷ.
Không chỉ là một khái niệm trừu tượng, dãy Fibonacci còn xuất hiện một cách tự nhiên trong nhiều hiện tượng sống quanh ta: từ cách lá mọc trên cành cây, cấu trúc của bông hoa hướng dương, cho tới xoắn ốc trên vỏ ốc hay những họa tiết kỳ lạ của súp lơ.
Dãy số Fibonacci có thể được tìm thấy trong nhiều hiện tượng tự nhiên, bao gồm cả hoa hướng dương. (Nguồn: Getty Images)
Tiến sĩ Katie Spalding từ IFLScience giải thích: "Cây cần tối đa hóa lượng ánh sáng Mặt trời mà lá có thể hấp thụ. Nếu các lá mọc thẳng hàng, nhiều chiếc sẽ bị che khuất. Nhưng nếu chúng mọc lệch nhau theo một góc xoay không thể chia đều, tức là một tỉ lệ vô tỷ, thì mỗi lá đều có cơ hội tiếp xúc ánh sáng tối ưu. Và các góc xoay lý tưởng đó lại liên quan đến dãy Fibonacci".
Vậy tại sao dãy Fibonacci lại xuất hiện ở Premier League?
Liệu sự trùng hợp này có ẩn chứa một quy luật nào đó trong cách vận hành của giải đấu, chẳng hạn như sự phân bổ nguồn lực hay ưu thế tài chính tạo ra một chuỗi kết quả hợp lý?
Có thể, nhưng theo các nhà khoa học, điều này có vẻ chỉ là ngẫu nhiên, một dạng trùng hợp mà con người dễ bị hấp dẫn vì chúng ta luôn có xu hướng tìm kiếm các mẫu hình.
Nhà vật lý học Ethan Siegel từng viết: "Bạn có thể thấy các cấu trúc xoắn ốc trong tự nhiên, từ dòng nước đến cơn bão. Nhưng hiếm khi chúng thực sự tuân theo các tỉ lệ chính xác của dãy Fibonacci một cách lâu dài". Nghĩa là, ngay cả trong tự nhiên, việc dãy Fibonacci xuất hiện là một dấu hiệu thú vị, nhưng không nhất thiết là quy luật tuyệt đối.
Tương tự, nếu một đội bất kỳ nào khác giành chức vô địch mùa sau, chuỗi số này sẽ lập tức bị phá vỡ. Để tiếp tục dãy Fibonacci, ta sẽ cần một đội bóng vô địch lần đầu tiên, điều khó xảy ra trong kỷ nguyên mà các "ông lớn" như Manchester City và Manchester United thống trị.
Và vì thế, dù toán học có thể lý giải nhiều điều trong vũ trụ này, thì cũng có lúc, chúng ta phải chấp nhận rằng có những sự trùng hợp chỉ đơn giản là đẹp... và ngẫu nhiên.
Minh Anh