Bí ẩn về chiếc máy ảnh chụp tấm 'Em bé Napalm'

Bí ẩn về chiếc máy ảnh chụp tấm 'Em bé Napalm'
4 giờ trướcBài gốc
Nick Út thường được biết đến với chiếc máy ảnh Leica, nhưng điều tra của AP cho thấy nhiều khả năng bức "Em bé Napalm" được chụp bằng máy Pentax. Ảnh: AP.
Bức ảnh "Em bé Napalm" (tên mô tả chính thức: The Terror of War) gần đây đã trở thành tâm điểm tranh cãi gay gắt xoay quanh vấn đề bản quyền tác giả.
Những tranh luận này bùng lên sau khi bộ phim tài liệu "The Stringer", được công chiếu vào tháng 1 tại Liên hoan phim Sundance, cho rằng một tài xế kiêm nhiếp ảnh gia tự do người Việt tên Nguyễn Thành Nghệ, làm việc cho đài NBC và cộng tác bán ảnh cho hãng thông tấn Associated Press (AP) vào thời điểm đó, mới là tác giả thực sự của bức ảnh.
Đến hôm 16/5, tổ chức Giải Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) tuyên bố dừng ghi nhận tác quyền của Nick Út với bức ảnh.
Trước đó, vào đầu tháng 5, hãng thông tấn AP đã công bố kết quả điều tra nội bộ. Tuy nhiên, cuộc điều tra này, dù xem xét nhiều khía cạnh, vẫn chưa đưa ra được bằng chứng rõ ràng, đặc biệt là về về chiếc máy ảnh cụ thể được dùng để chụp tấm trên.
Bức "Em bé Napalm" được chụp bằng máy gì?
Hai phóng viên ảnh kỳ cựu Horst Faas và Nick Út trước đây đều xác nhận bức ảnh được chụp bằng máy ảnh Leica. Đây là dòng máy quen thuộc với đội ngũ phóng viên AP hoạt động tại Việt Nam, trong đó có ông Út. Chiếc máy Leica M2, được cho là đã ghi lại khoảnh khắc lịch sử này, từng được trưng bày tại Bảo tàng Newseum ở Washington D.C. vào năm 2008.
AP cho biết đã mượn chiếc máy ảnh Leica M2 nói trên, kiểm tra kỹ lưỡng và chụp thử 3 cuộn phim nhằm xác định các đặc điểm riêng biệt của nó. Song song với đó, AP cũng tiến hành chụp thử hàng chục cuộn phim khác bằng các máy Leica cùng thời, các máy Nikon (vốn là loại máy mà ông Út thường mang theo) và cả máy Pentax (loại máy mà ông Nghệ nói đã dùng để chụp bức ảnh).
AP đã xem xét tỉ mỉ các góc và viền của phim âm bản nhằm phát hiện bất kỳ dấu hiệu đặc trưng nào có thể liên quan đến các thương hiệu máy ảnh khác nhau. Những khác biệt nhỏ về tỷ lệ giữa ảnh chụp từ một số thương hiệu máy ảnh cũng được AP đo đạc cẩn thận.
Ông Nguyễn Thành Nghệ với chiếc máy ảnh Pentax, được cho là được ông sử dụng ngày hôm đó. Ảnh: Sundance Institute.
Đáng lưu ý, dù máy ảnh có khả năng để lại những dấu vết đặc trưng trên phim âm bản – và AP đã đối chiếu nhiều phim âm bản trong quá trình điều tra – hiện tượng này không xảy ra một cách nhất quán trong các điều kiện và hoàn cảnh.
Do đó, việc kiểm tra của AP không thể giống như một cuộc giám định chuyên nghiệp. Hãng cũng không thể tìm và xem hết toàn bộ những cuộn phim mà ông Nick Út đã chụp khi còn làm phóng viên ở Việt Nam. Số lượng phim quá nhiều nên việc này gần như không thể thực hiện.
Ngoài ra, chiếc Leica ở bảo tàng Newseum đã cũ và bị bỏ không từ lâu, đồng thời không có giấy tờ nào ghi lại việc bảo dưỡng nó. Vì thế, AP cho rằng bức ảnh có lẽ không được chụp bằng chiếc máy ảnh này, ít nhất là với tình trạng hiện tại.
Khi được thông báo về điều này, ông Út nói rằng chiếc máy ảnh ở bảo tàng là cùng mẫu với chiếc ông đã sử dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng một vài chiếc máy ảnh đã bị mất cắp trước khi chiến tranh kết thúc.
Theo báo cáo của AP, sau khi xem xét kỹ phần đường ray của phim, có vẻ như bức ảnh không được chụp bằng máy Leica. Cũng có thể bức ảnh đã được chụp bằng máy ảnh Pentax. Mặc dù vậy, một số máy ảnh Nikon đời đó cũng có những điểm tương tự máy Pentax.
Danh sách các máy ảnh được ông Nick Út hiến tặng cho bảo tàng Newseum. Ảnh: AP.
Trả lời AP, ông Út giải thích rằng mình không để ý máy ảnh nào chụp bức ảnh đó. Ông kể lại rằng vào ngày hôm đó, Faas đã nói với ông đó là máy Leica, chúc mừng ông và bảo rằng cuộn phim đó là của máy Leica.
Ông nói thêm rằng sau khi phim được rửa, ông đã không cầm lại những tấm phim âm bản đó nữa. Ông cũng tin tưởng Faas, một người rất thích máy Leica và đã đảm bảo rằng các phóng viên AP ở Việt Nam dùng loại máy này rộng rãi, dù Nikon mới là máy ảnh tiêu chuẩn cho phóng viên AP.
Trong các cuộc phỏng vấn trước đây, Út nói rằng ông đã mang theo hai máy Leica và hai máy Nikon vào ngày hôm đó. Khi được AP hỏi, ông nói rằng mình cũng đã sử dụng máy ảnh Pentax. AP đã tìm thấy những phim âm bản trong kho lưu trữ của mình do Út chụp ở Việt Nam có các đặc điểm của máy ảnh Pentax.
Ngoài ra, trong số các máy ảnh mà Út tặng cho Newseum có một chiếc Pentax, mặc dù nó cũng không có vẻ đã được sử dụng để chụp bức ảnh.
Nỗ lực tái dựng
Nỗ lực tái dựng lại những sự kiện diễn ra trên con đường năm xưa, dựa trên những đoạn phim tư liệu hiện có, chắc chắn sẽ không thể hoàn hảo và tiềm ẩn nhiều sai số.
AP đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình này. Thứ nhất, các đoạn phim và bức ảnh đều không có đánh dấu thời gian, khiến mọi ước tính về thời điểm và trình tự sự kiện chỉ mang tính tương đối.
Thứ hai, bản thân các đoạn phim tư liệu rất hạn chế, xuất hiện những khoảng trống không xác định giữa các cảnh quay do các đội quay phim truyền hình phải tiết kiệm phim và chỉ ghi hình khi thực sự cần thiết.
Chiếc Leica M2 được trưng bày tại bảo tàng Newseum (2009). Ảnh: Mr.TinMD/Flickr.
Thêm vào đó, việc thiếu vắng các địa danh dễ nhận ra hoặc vật thể có kích thước cụ thể trong khung hình khiến việc xác định tỷ lệ và khoảng cách trở nên khó khăn.
Cuối cùng, AP cũng không thể xác định được bức ảnh nổi tiếng được chụp bằng ống kính 35 mm hay 50 mm, làm tăng thêm sự mơ hồ do thiếu các điểm tham chiếu trực quan.
Điều này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và công chúng, bởi việc xác định loại máy ảnh và các dữ liệu liên quan có thể giúp làm sáng tỏ hơn về tác giả của bức ảnh mang tính biểu tượng này.
Mặc dù AP vẫn giữ quan điểm công nhận Nick Út là tác giả dựa trên những thông tin và nhân chứng hiện có, sự thiếu chắc chắn về chiếc máy ảnh đã trở thành một trong những yếu tố khiến World Press Photo quyết định tạm ngừng ghi nhận ông là tác giả bức ảnh.
Việt Anh
Nguồn Znews : https://znews.vn/vi-sao-may-anh-chup-tam-em-be-napalm-cua-nick-ut-gay-tranh-cai-post1554211.html