Bí ẩn việc Nga triển khai Su-34 tới căn cứ không quân Engels-2

Bí ẩn việc Nga triển khai Su-34 tới căn cứ không quân Engels-2
14 giờ trướcBài gốc
Máy bay chiến đấu Su-34 của Nga cất cánh làm nhiệm vụ. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là một cơ sở vốn được thiết kế để lưu trữ các máy bay ném bom chiến lược của Nga.
Sự điều chuyển này được phát hiện lần đầu vào sáng 21/1, tại căn cứ Engels-2, cách khu vực xung đột khoảng 700 km. Ngoài các chiếc Su-34, căn cứ này còn chứa 5 máy bay cường kích Su-25, 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, 2 chiếc Tu-160 White Swans, 2 chiếc Tu-22M3 Backfires, một trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26 và một máy bay vận tải Il-76.
Thông tin này được nhà phân tích OSINT MT_Anderson công bố trên nền tảng X, kèm theo hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao ghi lại sự hiện diện bất thường này. Sự kết hợp giữa các máy bay chiến thuật và chiến lược tại một căn cứ chuyên dụng như Engels-2 là điều chưa từng có, khiến giới phân tích quân sự đặt ra nhiều câu hỏi.
Các nhà phân tích quân sự Ukraine hiện đang tìm hiểu nguyên nhân của sự bất thường này. Một giả thuyết hàng đầu cho rằng Nga đang cố bảo vệ các tài sản quan trọng. Bằng cách chuyển Su-34 đến một địa điểm xa vùng xung đột, Nga có thể muốn giữ những chiếc máy bay này an toàn trước các đợt tấn công tên lửa tầm xa lục quân ATACMS hiệu quả ngày càng cao của Ukraine.
Su-34 là máy bay chiến đấu đa năng, đóng vai trò then chốt trong các chiến dịch của Nga ở Ukraine, với khả năng tấn công cả trên không và mặt đất. Việc di chuyển các máy bay này có thể nhằm bảo toàn lực lượng cho các chiến dịch tương lai.
Một giả thuyết khác cho rằng Engels-2, với cơ sở hạ tầng mạnh mẽ được thiết kế để bảo trì máy bay ném bom chiến lược, có thể đang được tận dụng làm nơi bảo trì Su-34. Tuy nhiên, việc chỉ di chuyển 9 chiếc đặt ra câu hỏi: Liệu đây có phải một phần trong kế hoạch bảo trì dài hạn, hay còn mục đích nào khác?
Hình chụp vệ tinh căn cứ Engels-2. Ảnh: X
Sự xuất hiện của các chiếc Su-25 tại Engels-2 càng làm tăng thêm bí ẩn. Đây là loại máy bay cường kích thường được triển khai gần tiền tuyến để hỗ trợ hỏa lực mặt đất. Việc chúng xuất hiện tại căn cứ chiến lược này có thể là một chiến thuật đánh lạc hướng hoặc thậm chí là một phần trong chiến dịch nghi binh của Nga nhằm gây rối loạn các quan sát viên về vị trí và sức mạnh thực sự của lực lượng không quân Nga.
Ngoài ra, có giả thuyết cho rằng việc kết hợp các máy bay chiến thuật và chiến lược tại một căn cứ có thể nhằm che giấu năng lực thực sự của không quân Nga, gây khó khăn trong việc phân tích sự sẵn sàng tác chiến và nhịp độ hoạt động của họ.
Mặc dù nằm cách xa tiền tuyến, căn cứ Engels-2 vẫn là mục tiêu quan trọng trong cuộc xung đột, đã từng hứng chịu một số đợt tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Ukraine. Đây là nơi xuất phát của nhiều đợt xuất kích từ máy bay ném bom Tu-95 và Tu-160 nhằm vào các mục tiêu của Ukraine.
Việc triển khai Su-34 tại Engels-2 có thể mang nhiều ý nghĩa chiến lược, từ bảo vệ lực lượng, bảo trì kỹ thuật cho đến nghi binh. Tuy nhiên, động thái này vẫn còn nhiều tầng ý nghĩa chưa được giải mã.
Su-34, với biệt danh do tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt là “Fullback”, được thiết kế như một trong những máy bay tấn công hàng đầu của Nga. Được trang bị radar tiên tiến, hệ thống đối phó điện tử Khibiny và khả năng mang vũ khí đa dạng, Su-34 có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ từ ném bom chiến lược, hỗ trợ cận chiến đến trinh sát.
Máy bay này nổi bật với khả năng cơ động cao, tầm bay xa tới 4.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu và lên tới 14.000 km khi được tiếp nhiên liệu trên không. Với 12 giá treo vũ khí, Su-34 có thể mang tới 14.000 kg vũ khí, bao gồm cả tên lửa không đối không, không đối đất và bom dẫn đường.
Kể từ khi được triển khai trong các chiến dịch ở Syria và Ukraine, Su-34 đã chứng minh hiệu quả với những đợt tấn công chính xác và khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Dòng Su-34M mới được nâng cấp gần đây tiếp tục cải thiện các tính năng, phản ánh quyết tâm của Nga trong việc duy trì vị thế chiến lược của dòng máy bay này.
Việc triển khai Su-34 đến Engels-2 không chỉ là một động thái quân sự đơn thuần, mà còn mang nhiều hàm ý chiến lược, thể hiện sự linh hoạt và phức tạp trong cách Nga sử dụng lực lượng không quân. Trong khi giới phân tích vẫn tiếp tục giải mã, mỗi động thái từ Nga đều được xem là một phần trong ván cờ quân sự đầy toan tính.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo bulgarianmilitary)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/quan-su/bi-an-viec-nga-trien-khai-su34-toi-can-cu-khong-quan-engels2-20250126224244494.htm