Đó là một đêm mùa đông giá lạnh ở Setagaya, Tokyo, khi cô bé Niina 8 tuổi, em trai Rei cùng bố mẹ là anh Mikio và chị Yasuko đang ở nhà chuẩn bị đón năm mới. Nhưng gia đình Miyazawa sẽ không bao giờ kịp đón thời khắc giao thừa năm ấy. Cả 4 người đã bị sát hại dã man vào ngày 30/12/2000, trong một vụ án gây chấn động Nhật Bản và mở ra một chương đen tối trong lịch sử tội phạm của quốc gia này.
Cảnh sát biết rất nhiều về hung thủ ngoại trừ danh tính và động cơ gây án. Hắn để lại ADN ở khắp nơi. Hắn để lại quần áo tại hiện trường. Hắn để lại cả hung khí. Hắn dùng máy tính của nạn nhân. Hắn ăn ít nhất bốn cây kem trong tủ đông của họ. Và hắn ở lại trong nhà nhiều giờ sau khi sát hại 4 người.
Tính đến cuối năm 2024, gần 280.000 điều tra viên đã tham gia vụ án, tiếp nhận hơn 15.000 đầu mối từ người dân. Nhưng sau hơn hai thập kỷ, cảnh sát dường như vẫn không tiến gần hơn đến việc bắt giữ hung thủ.
Gia đình Miyazawa.
“Tại sao phải sát hại cả trẻ con?”
Niina là một cô bé thông minh và năng động. 8 tuổi, em đã học vượt trước chương trình lớp 2. Bà nội Setsuko nhớ lại rằng em rất yêu bà và thích múa ballet. “Niina thích thể hiện những điệu múa với tôi. Con bé thật sự là một đứa trẻ sáng sủa và đáng yêu”, bà kể lại với ABC News.
Cậu em 6 tuổi của Niina, bé Rei, bị khuyết tật trí tuệ, và cha mẹ em luôn yêu thương, bao bọc em. Mikio làm việc trong lĩnh vực marketing, còn Yasuko là giáo viên. Cảnh sát tin rằng vào ngày xảy ra vụ án, cả nhà đã đi mua sắm và buổi tối hôm đó họ quây quần ăn tối, xem tivi cùng nhau.
Nhưng điều xảy ra sau đó vẫn là điều khiến các điều tra viên đau đầu cho đến ngày nay. Gia đình sống ngay cạnh nhà bà ngoại Haruko. Sáng hôm sau, bà không thể liên lạc được như thường lệ qua điện thoại: đường dây đã bị cắt. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy có chuyện không ổn. Bà sang gõ cửa. Không ai trả lời.
Khi mở cửa, bà thấy con rể Mikio nằm gục ở chân cầu thang gần cửa ra vào, cơ thể bê bết máu với nhiều vết đâm.
Bà Haruko đi lên tầng và phát hiện con gái và cháu ngoại bị đâm nhiều lần bằng dao. Bà chạm vào họ, cố tìm dấu hiệu của sự sống, nhưng vô vọng. Cảnh sát tin rằng hung thủ tiếp tục đâm Niina và Yasuko ngay cả sau khi họ đã chết. Trong phòng của Rei ở ngay gần đó, bà Haruko tìm thấy đứa cháu trai 6 tuổi vẫn nằm trên giường. Cậu bé bị siết cổ chết. Cảnh sát cho rằng Rei là nạn nhân đầu tiên, có lẽ để cậu bé không phải chứng kiến thảm cảnh mà cha mẹ và chị gái sẽ phải chịu sau đó. Bà Haruko gọi cảnh sát, trên người còn dính máu của con cháu.
Khi Setsuko hay tin, bà sốc đến mức không thể nhận thức được chuyện gì xảy ra. Trong nhà, bà lập một bàn thờ nhỏ cho cả gia đình và vẫn cầu nguyện mỗi ngày. Tất cả đồ chơi của các cháu vẫn được bà trưng bày cẩn thận trong tủ kính.
“Tôi luôn tự hỏi, nếu các cháu còn sống, chúng sẽ lớn lên thế nào. Điều khiến tôi tiếc nhất là không được nhìn thấy các cháu trưởng thành”, bà nói. Bà không nhớ gì về tang lễ. Người ta nói bà bị chấn động quá nặng, không đi nổi, phải có người bế vào. “Tại sao phải giết cả trẻ con? Nếu có thù oán gì, thì chỉ giết người lớn thôi chứ”, bà nói.
Câu hỏi ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí ông Takeshi Tsuchida, nay đã 72 tuổi.
Vị cựu cảnh sát trưởng vẫn không thể buông bỏ. Ông làm cảnh sát 41 năm, từng là trưởng đồn Seijyo, nơi chịu trách nhiệm điều tra vụ thảm sát. Những biểu cảm trên thi thể các nạn nhân vẫn in hằn trong trí nhớ ông. “Khi so sánh nạn nhân chết vì bệnh hay nguyên nhân tự nhiên với những người bị sát hại đột ngột, gương mặt của họ khác hẳn”, ông nói. “Họ có vẻ mặt dữ tợn, đầy tiếc nuối và kinh hoàng. Tôi tin rằng tất cả các nạn nhân đều cảm thấy như vậy, chỉ toàn là đau đớn và hối tiếc”.
Dù đã nghỉ hưu 11 năm, ông vẫn tiếp tục theo đuổi vụ án gia đình Miyazawa như một nhiệm vụ cá nhân. “Khi nghĩ đến nỗi đau của những người thân mất đi cả gia đình, tôi không thể nào để vụ án này trôi vào dĩ vãng dù đã không còn làm cảnh sát”, ông nói. “Tôi không còn được phép điều tra hay bắt giữ ai, nhưng tôi có rất nhiều kiến thức về vụ này. Vì thế tôi tự in tờ rơi để kêu gọi cung cấp thông tin”.
Ông thường xuyên quay lại hiện trường để ghi nhớ các chi tiết trong đầu.
Nhưng có những điều ông không thể và sẽ không bao giờ quên được. “Khi nghĩ đến mức độ tàn bạo của hung thủ, tôi chỉ có thể tự hỏi: Làm sao một người tỉnh táo có thể gây ra tội ác kinh khủng như thế?” “Hắn đâm từ ngực lên mặt, như thể cố tình tra tấn họ. Vô cùng man rợ. Và cách hắn kết liễu họ ở phút cuối… quá kinh hoàng đến mức chúng tôi không thể cho thân nhân nhìn thấy các vết thương. Chưa từng có vụ nào ở Nhật Bản mà nạn nhân bị giết dã man như vậy”.
Cảnh sát có nhiều manh mối về danh tính hung thủ và những gì đã xảy ra đêm hôm đó. Một số người tin rằng hắn trèo lên cây, tháo lưới chắn và chui vào qua cửa sổ phòng tắm tầng hai. Nhưng điểm đột nhập chính xác vẫn chưa xác định được. Ngôi nhà giáp công viên Soshigaya, tạo điều kiện cho hung thủ có nhiều lối vào khả thi. Họ đã có dấu vân tay và ADN của kẻ giết người, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ kết quả trùng khớp nào trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát Tokyo. Họ biết chiếc áo nỉ mà hắn bỏ lại chỉ được sản xuất và bán ra đúng 130 chiếc, nhưng cảnh sát mới chỉ lần ra được 12 người sở hữu. Họ có mẫu máu của hắn, cho thấy kẻ giết người là nam giới và có thể là người lai, nhiều khả năng mang dòng máu Hàn Quốc hoặc Trung Quốc.
Dựa vào dấu chân, họ biết đôi giày của hắn có thể được sản xuất tại Hàn Quốc, với kích cỡ chưa từng được bán tại Nhật Bản. Họ cho rằng hắn có thân hình gầy, vì túi đeo hông bỏ lại cho thấy vòng eo của hắn nằm trong khoảng 70 đến 75 cm. Thậm chí họ còn biết hắn đã ăn đậu cô-ve và hạt vừng vào ngày hôm trước, vì hắn để lại phân trong nhà vệ sinh.
“Đã 19 năm trôi qua, với từng ấy manh mối, dấu vân tay và ADN của hung thủ, tại sao chúng ta vẫn không tìm ra hắn?”, Takeshi Tsuchida trăn trở. Với vị cựu cảnh sát trưởng này, vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời. “Tại sao hắn lại vào một căn phòng vẫn còn sáng đèn? Chúng tôi nhìn từng hành động và tự hỏi, tại sao? Vì tiền ư? Hắn có mối thù với ai trong gia đình Miyazawa chăng? Hay là vì một lý do nào khác”?
Ngôi nhà của các nạn nhân nằm kế một công viên.
Truy tìm kẻ thủ ác
Vì không thể xác định được động cơ, cảnh sát không thể thu hẹp phạm vi nghi phạm. Một hướng điều tra đã từng xem xét việc Mikio có thể đã tranh cãi với những người trượt ván ở công viên gần đó trước vụ sát hại. Quần áo và độ tuổi ước đoán của hung thủ có thể ám chỉ rằng đó là một thanh niên trượt ván bức xúc vì bị than phiền tiếng ồn, nên đã ra tay.
Nhưng cũng có những giả thuyết khác nghe còn khó tin hơn. Nhà báo điều tra Fumiya Ichihashi đã dành nhiều năm nghiên cứu vụ án và viết một cuốn sách kết luận hung thủ là một cựu binh Hàn Quốc, sau này trở thành sát thủ đánh thuê. Ông cho rằng một trong những động cơ của hung thủ là nhằm cướp khoản tiền bồi thường mà gia đình được nhận do việc mở rộng công viên gần đó.
“Vì hung thủ để lại dao, quần áo, túi, dấu vân tay, dấu lòng bàn tay và dấu chân một cách rất thản nhiên, tôi không thể không nghĩ rằng hắn rất tự tin rằng sẽ không bị bắt”, ông Ichihashi nói. “Cách hiểu của tôi là hung thủ không phải người Nhật, không sống ở Nhật, và đã nhanh chóng bỏ trốn ra nước ngoài”. Ông cho rằng cảnh sát đã thất bại ngay từ đầu cuộc điều tra. “Khi vụ việc xảy ra, đội điều tra đặc biệt của cảnh sát Tokyo đang bị phân tán cho các vụ án khác, và họ buộc phải điều đội dự bị vào cuộc”, ông nói. “Hơn nữa, hôm đó là đêm giao thừa, nhiều thám tử đang nghỉ ở nhà, nên phải mất thời gian mới điều động được lực lượng. Không thể phủ nhận khả năng đó đã dẫn đến việc vụ án bị bế tắc”.
Bà Haruko, người đã phát hiện ra các nạn nhân, ban đầu nói với cảnh sát rằng bà mở cửa bằng chìa khóa dự phòng, nhưng sau này lại không chắc nữa.
Việc này khiến cảnh sát càng khó xác định được hung thủ đã vào và rời khỏi hiện trường bằng cách nào. Ông Ichihashi cho rằng, vì cảnh sát không thể xác nhận được những chi tiết cơ bản, nên dù có giỏi đến đâu cũng khó có thể bắt được hung thủ. “Trừ khi có phép màu xảy ra, ví dụ như hung thủ tự ra đầu thú hoặc hắn gây thêm một vụ án khiến vân tay trùng khớp, nếu không thì tôi tin rằng chẳng có cơ hội nào để hắn bị bắt”, ông nói. “Cảnh sát Nhật không giỏi điều tra phối hợp quốc tế vì thiếu kinh nghiệm và rào cản ngôn ngữ”.
Takeshi Tsuchida không đồng tình với quan điểm của tác giả. “Hoàn toàn vô lý”, ông Tsuchida nói. “Nếu cuốn sách đó là sự thật, hung thủ đã bị bắt rồi. Nếu là tiểu thuyết hư cấu thì không sao, nhưng gọi nó là phi hư cấu thì tôi rất nghi ngờ”.
Bà nội Setsuko.
Thế hệ kế tiếp tiếp tục điều tra vụ án
Giờ đây, vụ án đã được giao cho một điều tra viên trẻ hơn Takeshi Tsuchida hàng chục tuổi. Manabu Ide, thuộc lực lượng điều tra đặc biệt của cảnh sát Tokyo, vẫn tin rằng vụ án cuối cùng sẽ được phá. “Đó là nhiệm vụ của chúng tôi: bắt được kẻ đã sát hại 4 người vô tội, trong đó có hai đứa trẻ, và buộc hắn phải đền tội”, ông nói.
Ông Ide nói rằng các điều tra viên mong muốn giúp các nạn nhân được yên nghỉ. “Đây là một vụ án tàn ác, hiếm thấy trong lịch sử tội phạm của Nhật Bản, và chúng tôi tin rằng việc phá án sẽ giúp ngăn ngừa những vụ tương tự trong tương lai”, ông nói. Những người điều tra ban đầu đã nghỉ hưu, và gia đình nạn nhân lo sợ thời gian không còn nhiều. Cảnh sát hiện đang muốn phá dỡ ngôi nhà đã được giữ nguyên suốt 19 năm vì lý do an toàn, do kết cấu đã xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ. Điều tra viên Ide khẳng định họ đã lưu giữ toàn bộ bằng chứng có thể thu thập trong nhà, nên việc phá bỏ sẽ không ảnh hưởng đến cuộc điều tra.
Ông vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với Setsuko, mẹ của Mikio. Trong một lần đến thăm nhà bà Setsuko gần đây, ông mang theo một bữa ăn do chính tay mình chuẩn bị cho bà. Ông chào bà, rồi lập tức quỳ xuống trước bàn thờ gia đình, thắp hương và cầu nguyện. Với Setsuko, bà tuyệt vọng mong chờ một lời giải đáp khi mình còn sống. “Khi chồng tôi mất, vụ án vẫn chưa được làm sáng tỏ, điều đó khiến chúng tôi day dứt nhất”, bà nói. “Giờ ông ấy đã ra đi, tôi cảm thấy mình phải tự cố gắng hết sức”. Những bức ảnh của gia đình Miyazawa được treo trong phòng bà, và bà vẫn chờ đến ngày có thể nói với họ rằng kẻ thủ ác đã bị bắt.
Cuối tháng 12/2024, cảnh sát Nhật một lần nữa kêu gọi công chúng cung cấp bất kỳ thông tin nào có thể giúp phá án, theo Japan Today. Cảnh sát đã phát tờ rơi kêu gọi cung cấp thông tin tại ga tàu Seijogakuenmae, như họ vẫn làm hằng năm, với hy vọng rằng ai đó sẽ lên tiếng cung cấp manh mối mới. Họ cũng trưng bày một ma-nơ-canh mặc quần áo giống với trang phục mà hung thủ được cho là đã mặc.
Tính đến nay, khoảng 280.000 sĩ quan đã tham gia vụ án, cảnh sát cũng đã tiếp nhận hơn 16.000 đầu mối từ công chúng, nhưng hung thủ vẫn chưa bị bắt. Cảnh sát loan báo phần thưởng 20 triệu yen (hơn 3 tỷ đồng) cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ kẻ giết người. Người phát ngôn cảnh sát cho biết cơ quan điều tra sẽ không bao giờ từ bỏ cho đến khi phá được vụ án.
Nguyễn Xuân Thủy