Bị cáo nhận tội vì mong được hưởng tình tiết giảm nhẹ

Bị cáo nhận tội vì mong được hưởng tình tiết giảm nhẹ
7 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh phiên tòa.
Trả lời câu hỏi về mục đích chế biến sâu đất hiếm của Hội đồng xét xử, bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam đã dẫn nhiều điều luật, nghị định, thông tư thể hiện hiểu biết rất rõ về đất hiếm, nguyên liệu phục vụ cho các ngành điện tử, hàng không và xe điện.
Theo bị cáo, “Đảng và Nhà nước khuyến khích sản xuất đất hiếm và bị cáo đang làm đề tài cấp Nhà nước. Từ năm 1976 đến nay, Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản".
Theo cáo buộc của Viện kiểm sát, do các cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép sai đã tạo cơ hội cho Công ty Thái Dương khai thác lậu, bán được hơn 736 tỷ đồng đất hiếm và quặng sắt.
Số tài nguyên này sau đó được ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương bán chui cho 2 doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam. Đôi bên thống nhất việc xuất hóa đơn VAT thấp hơn đơn giá thực tế, chỉ xuất hóa đơn một phần khoáng sản, để tài sản ngoài sổ sách kế toán.
Năm 2019-2023, công ty Tuấn mua của Thái Dương hơn 3.500 tấn quặng đất hiếm - tổng 142 tỷ đồng, đơn giá 40.622 đồng/kg. Tuy nhiên, hóa đơn chỉ thể hiện 765 tấn (1/5 lượng thực tế), trị giá ghi trên hóa đơn là 10,7 tỷ đồng, đơn giá 14.000 đồng/kg (1/3 giá thực). Doanh thu và lợi nhuận tăng cao trong khi nguồn nguyên liệu mua của Thái Dương không có hóa đơn, Tuấn chỉ đạo nhân viên mua hóa đơn khống.
Thừa nhận đã mua 3.500 tấn đất hiếm "nhưng là để phục vụ 3 đề tài cấp Nhà nước mà công ty đang thực hiện", bị cáo Tuấn cho rằng, việc mua bán hàng hóa không xuất đầy đủ hóa đơn đúng là vi phạm quy định về kế toán, song mong tòa xem xét mục đích mua "để phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo theo đề tài cấp Nhà nước, không hề hưởng lợi".
Bị cáo Lưu Anh Tuấn tại tòa.
Đối với tội danh “Buôn lậu”, Chủ tịch Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam cho rằng, do quy định mập mờ khiến bị cáo này hiểu sai.
Theo cáo buộc của Viện kiểm sát, sau khi mua hơn 3.500 tấn quặng đất hiếm của Thái Dương, với lượng Tổng ôxit đất hiếm (TREO) chỉ 18-20%, khi chế biến, Tuấn chỉ đạo thêm Muối Carbonate nhập từ Trung Quốc để nâng hàm lượng TREO lên 95% và xuất khẩu gần 474 nghìn kg cho các công ty nước ngoài, tổng trị giá 379 tỷ đồng.
Để xuất khẩu thuận lợi, Tuấn đã chỉ đạo nhân viên dùng hồ sơ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xuất khẩu để hợp thức cho việc xuất khẩu.
Theo trình bày của Chủ tịch Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam, các tờ khai hải quan điện tử phải khai báo chính xác, và đây là bằng chứng thể hiện bị cáo không vi phạm gì theo tờ khai.
Hơn nữa, theo bị cáo, đây là loại hàng khuyến khích xuất khẩu và Luật Hải quan đều nói đó là hàng miễn thuế xuất khẩu. Do Thông tư của Bộ Công thương không rõ ràng, không logic khi phân mục đánh mã hàng hóa để quy thuế xuất khẩu.
“Có chỗ nói chỉ được xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu trong nước với hàm lượng 99% nhưng Thông tư 23 lại cho xuất khẩu chất có hàm lượng đất hiếm 56%. Thế là 56% được phép xuất khẩu, còn đến 99% lại không được xuất khẩu, rồi trên 99% lại được xuất khẩu sao?”, bị cáo nói.
Về quan điểm nhận tội để thêm cơ hội được hưởng khoan hồng, hưởng tình tiết giảm nhẹ vì đã thành khẩn, chủ tọa phiên tòa nhắc nhở bị cáo, việc nhận tội phải dựa trên sự tự nguyện và nhận thức về hành vi sai phạm, không phải là một thỏa thuận để được giảm nhẹ hình phạt.
HƯƠNG NGUYÊN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/bi-cao-nhan-toi-vi-mong-duoc-huong-tinh-tiet-giam-nhe-post879428.html