Nữ sinh 15 tuổi, học lớp 9, được chuyển từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) sang Viện Sức khỏe Tâm thần, sau khi điều trị ổn định tình trạng ngộ độc.
Theo lời kể của bệnh nhân và gia đình, bệnh nhân học lực trung bình, chỉ chơi với vài bạn nữ thân thiết nhưng ít khi chia sẻ chuyện gia đình.
Bác sĩ trò chuyện với nữ sinh 15 tuổi tại phòng điều trị
Bệnh nhân sống với ông bà từ năm 6 tuổi sau khi bố mẹ ly dị. Bố hay buồn bã, thường mắng chửi con vô cớ, cấm các con liên lạc với mẹ. Mẹ đã tái hôn, hiếm khi về thăm, chỉ thỉnh thoảng gửi quà nhưng đều bị bố bắt vứt đi.
Khoảng 3 tháng gần đây, em xảy ra mâu thuẫn với bạn trong lớp, bị cô lập, xa lánh và nói xấu. Dù đã báo cô giáo chủ nhiệm, sự việc không được giải quyết. Khi nói với bố bị cho là "chuyện trẻ con", nên không xử lý.
Nữ sinh thường buồn bã, ít nói, hay ngồi một mình. Cùng lúc, em chịu áp lực học hành và thi cử, dần rơi vào trạng thái buồn bã, thu mình, mất hứng thú với các hoạt động giải trí, dễ cáu gắt vô cớ, nghe giảng không hiểu bài. Tình trạng mất ngủ kéo dài, khó tập trung, học lực giảm sút càng khiến tâm lý em thêm tiêu cực.
Đỉnh điểm, em bắt đầu tự làm đau bản thân bằng dao để giải tỏa căng thẳng. Trước ngày nhập viện, em đã uống thuốc diệt chuột với ý định tự tử. May mắn, gia đình phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu.
Một trường hợp khác là nữ sinh 19 tuổi, sinh viên năm nhất đại học. Trước đó, nữ sinh có học lực khá, sống hiền lành, ít bạn thân. Sau khi bố ốm nặng, em rơi vào trạng thái lo âu kéo dài, chán ăn, mất ngủ, giảm cân, mất hứng thú học tập và sinh hoạt.
Nữ sinh lên kế hoạch tự tử bằng cách treo cổ, đã chuẩn bị dụng cụ nhưng được bạn cùng phòng phát hiện và báo gia đình đưa đi điều trị.
Tại hội thảo về trầm cảm ở thanh thiếu niên chiều 14-4, bác sĩ Ngô Tuấn Khiêm (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết cả hai bệnh nhân đều được chẩn đoán mắc trầm cảm nặng không loạn thần, có ý tưởng và hành vi tự sát.
Theo bác sĩ Khiêm, điều đáng lo là các biểu hiện của bệnh đã xuất hiện từ rất lâu nhưng gia đình không nhận ra, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Bác sĩ Bùi Văn Lợi. Phó Trưởng phòng Rối loạn cảm xúc và Rối loạn ăn uống, Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết trầm cảm là rối loạn phổ biến ở trẻ em và vị thành niên, với nguy cơ kéo dài đến tuổi trưởng thành cao gấp 4 lần. Đây là một trong bốn nguyên nhân gây tử vong ở độ tuổi 10-14 và nằm trong ba nguyên nhân hàng đầu ở nhóm 15-24 tuổi.
Bác sĩ cảnh báo trầm cảm là một trong số nguyên nhân gây tử vong
Trầm cảm ở tuổi vị thành niên có biểu hiện khác người lớn. Thay vì buồn rầu, trẻ có thể cáu kỉnh, dễ kích động nên dễ bị bỏ sót khi khám bệnh.
Thống kê của ngành y tế cho thấy khoảng hơn 20% trẻ em Việt Nam mắc các triệu chứng rối loạn tâm thần. Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ 5% - 8% trẻ vị thành niên bị trầm cảm được đưa vào điều trị.
Ngoài yếu tố tâm lý - xã hội, bác sĩ Lợi cho biết yếu tố di truyền cũng đóng vai trò lớn. Trẻ có cha hoặc mẹ mắc trầm cảm, nguy cơ cao gấp đôi so với bạn cùng lứa.
Dấu hiệu nhận biết gồm buồn bã, hay khóc; cảm giác vô vọng; cáu gắt, dễ nổi nóng; mất hứng thú với sở thích; cảm giác vô giá trị, tội lỗi; nhạy cảm với lời từ chối; suy nghĩ về cái chết...
Nếu các dấu hiệu này kéo dài trên 2 tuần, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được can thiệp kịp thời.
N.Dung