Sáng 24-2, Hội nghị triển khai biện pháp tăng cường tuân thủ quy định An toàn thực phẩm của thị trường EU được Văn phòng SPS Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hội nghị triển khai biện pháp tăng cường tuân thủ quy định ATTP của thị trường EU
Tại Hội nghị, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết vừa qua có tình trạng một số doanh nghiệp (DN) hội viên bị đánh cắp mã số GlobalGAP xuất khẩu đi thị trường châu Âu, đối với mặt hàng chanh dây, thanh long.
Điều này ảnh hưởng tới uy tín của ngành hàng, thị trường EU có thể nâng tần suất kiểm tra. "Hiệp hội đã chuyển hồ sơ cho công an kinh tế điều tra, xử lý" – ông Nguyên cho biết.
Cùng với đó, đại diện Vinafruit thông tin các doanh nghiệp nên thận trọng, xử lý để tránh bị mạo danh.
Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, ngoài việc tăng số lượng cảnh báo trong năm 2024 (114), Việt Nam còn tăng đột biến số lượng cảnh báo về thực phẩm mới.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025, EU đưa ra tổng cộng 8 cảnh báo về nhóm thực phẩm mới, thì Việt Nam nhận đến 4, tương đương 50% tổng số cảnh báo của các quốc gia trên thế giới.
Nhìn lại từ năm 2023, vào thời điểm ấy EU chưa đưa ra cảnh báo nào về thực phẩm mới với Việt Nam. Trong năm 2024, số lượng cảnh báo là 1, và hiện tăng lên 4 dù mới qua 2 tháng năm 2025.
Điều đáng nói, không riêng Việt Nam, số cảnh bảo về thực phẩm mới đã tăng đáng kể trên toàn cầu. Nếu như cả năm 2024, EU đưa ra 37 cảnh báo cho nhóm thực phẩm này, thì 2 tháng đầu năm 2025 đã có 8 cảnh báo.
Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cho biết: "Từ chỗ chỉ chiếm 0,8% tổng số cảnh báo, nhóm thực phẩm mới hiện chiếm 1,3%. Tỷ lệ này còn có xu hướng tăng".
Phân loại theo mối nguy, ông Nam chỉ ra, dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu và thuốc thú y), dư lượng kháng sinh, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật… đang trở nên nổi cộm.
Lấy mốc năm 2024, số cảnh báo về dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu và thuốc thú y) chiếm 53,5%, dư lượng kháng sinh trên thủy sản chiếm 50%, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên sản phẩm có nguồn gốc thực vật chiếm 68,4%.
Xếp theo địa phương, Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, trong năm 2024, TP HCM là địa phương nhận nhiều cảnh báo nhất với 42 cảnh báo (36,8%), xếp tiếp theo là Hà Nội (10), Tiền Giang (9), Khánh Hòa (7)…
"Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, những địa phương nhận nhiều cảnh báo nhất từ EU lại là địa phương chưa gửi phản hồi về kế hoạch triển khai Đề án SPS, căn cứ Quyết định 534/QĐ-TTg"- ông Nam nhấn mạnh.
Thời gian tới, ông Nam đưa ra một số giải pháp như tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất (nông dân, HTX, doanh nghiệp) thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU.
Các cơ quan chuyên môn tham mưu Bộ có văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn, chứng nhận an toàn thực phẩm,… tới các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu.
Thùy Linh