M1 Abrams đại diện cho đỉnh cao của ngành chế tạo xe tăng Mỹ. Với giáp chắc chắn, hệ thống điện tử tiên tiến và khả năng cơ động cao, Abrams từ lâu đã được coi là một trong những xe tăng tốt nhất thế giới với lý do chính đáng. Tuy nhiên, khi xuất hiện tại Ukraine, hiệu suất của Abrams lại tỏ ra kém ấn tượng. Ảnh: Creative
Điều này đặt ra câu hỏi: liệu M1 Abrams có phải là một chiếc xe tăng được đánh giá quá cao, hay nó đã bị sử dụng sai cách? Ảnh: Getty Images
Vào tháng 1.2023, Mỹ đồng ý gửi 31 xe tăng M1A1 Abrams tới chiến trường Ukraine. Nhiều người tin rằng những chiếc xe tăng Mỹ sẽ dễ dàng quét sạch mọi thứ cản đường, nhưng thực tế lại gây ra một cú sốc lớn. Lô Abrams đầu tiên đến Ukraine vào khoảng tháng 9/2023, trong thời gian đó, các kíp lái xe tăng Ukraine đã trải qua khóa huấn luyện chuyên sâu nhưng cấp tốc tại các nước phương Tây. Ảnh: Getty Images
Abrams lần đầu tham chiến vào năm 2024 trong trận phòng thủ Avdiivka. Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện trên chiến tuyến, quân Nga đã thành công trong việc hạ gục chiếc Abrams đầu tiên, một chiến công được lan truyền rộng rãi trên các kênh tuyên truyền của Nga. Không lâu sau đó, số lượng Abrams bị phá hủy nhanh chóng gia tăng, dẫn đến quyết định tạm thời rút loại xe tăng này khỏi chiến trường của Ukraine. Ảnh: RT
Tình hình càng tồi tệ hơn khi Nga bắt giữ được một chiếc Abrams còn nguyên vẹn và đưa về Moscow để nghiên cứu. Đây là lần đầu tiên một đối thủ của Mỹ có cơ hội tiếp cận và phân tích trực tiếp loại xe tăng này. Ảnh: Telegram
Tính đến tháng 12/2024, ước tính có tới 20 trong số 31 chiếc Abrams do Mỹ viện trợ đã bị vô hiệu hóa dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều gì đã xảy ra? Vì sao Abrams, một trong những xe tăng mạnh nhất của phương Tây, lại rơi vào tình cảnh này? Ảnh: Getty Images
Có nhiều yếu tố góp phần vào hiệu suất kém của Abrams ở Ukraine. Trước hết, Abrams là một mục tiêu lớn trên chiến trường. Với trọng lượng khổng lồ lên tới 63 tấn, chiếc xe tăng này có một sự hiện diện đáng sợ, nhưng cũng cực kỳ dễ nhận diện. Ảnh: Lực lượng vệ binh quốc gia IDAHO
Các kíp lái Ukraine phàn nàn rằng Abrams trở thành mục tiêu dễ dàng cho các toán điều khiển drone của Nga, những người có thể nhanh chóng phát hiện và xác định vị trí của nó. Họ cũng chỉ ra rằng những chiếc Abrams mà họ nhận được gặp nhiều vấn đề kỹ thuật, đặc biệt là với động cơ và hệ thống điện tử. Ảnh: Creative Commons
Một yếu tố khác làm giảm hiệu quả của Abrams là cách nó được triển khai. Do thiếu hụt nhân lực và trang thiết bị, những chiếc Abrams của Ukraine thường tham chiến mà không có sự hỗ trợ từ bộ binh hoặc xe chiến đấu bộ binh (IFV). Trong những điều kiện bất lợi này, Abrams dễ dàng trở thành con mồi cho các đội chống tăng của Nga. Ảnh: Telegram
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, quân đội Nga không hề chủ quan. Họ đã có gần hai năm để rút ra bài học từ chính những kinh nghiệm của mình trong chiến tranh xe tăng trước khi những chiếc Abrams đầu tiên xuất hiện trên chiến tuyến. Ảnh chụp màn hình
Nga cũng nhanh chóng áp dụng chiến thuật sử dụng máy bay không người lái (drone) cảm nhận góc nhìn thứ nhất (FPV) kiểu kamikaze, gắn chất nổ để tấn công mục tiêu. Đến nay, drone FPV vẫn là một vấn đề lớn đối với cả Nga và Ukraine. Ảnh: Vệ binh Quốc gia Mỹ
Ngoài ra, vũ khí chống tăng của Nga cũng tiên tiến hơn so với suy nghĩ của nhiều người. Báo cáo cho thấy một số xe tăng Abrams đã bị tiêu diệt bởi các tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM), đặc biệt là tên lửa dẫn đường bằng laser Kornet, vốn đã gây ra nhiều tổn thất cho dòng xe tăng M1 Abrams. Ảnh: Military.com
Phước Hải (Theo 19fortyfive)