Trong dòng chảy âm nhạc Việt, Hoài Lâm và Phương Mỹ Chi là hai cái tên đặc biệt: trẻ tuổi, xuất thân từ truyền hình thực tế, nhưng lại chọn theo đuổi con đường tưởng như chỉ dành cho những nghệ sĩ nhiều trải nghiệm: dòng nhạc dân ca và Bolero. Dù ở hai thời điểm tỏa sáng khác nhau, cả hai đều tạo dựng được bản sắc riêng, khiến người nghe nhớ đến họ ngay từ những câu hát đầu tiên.
Mới đây, một đoạn clip so sánh hai phiên bản ca khúc Tiếng thạch sùng do Hoài Lâm và Phương Mỹ Chi thể hiện bất ngờ nhận được sự quan tâm lớn trên mạng xã hội. Đặt hai giọng hát lên bàn cân so sánh, dân tình đã khơi dậy cuộc tranh luận thú vị: "Ai đỉnh hơn ai?".
Với Phương Mỹ Chi - giọng ca từng gây sốt từ chương trình Giọng hát Việt nhí 2013, khán giả không còn xa lạ với cách hát mềm mại, nhẹ nhàng như lời ru. Trong phiên bản Tiếng thạch sùng, nữ ca sĩ sinh năm 2003 giữ vững phong độ với cách xử lý tròn trịa, phát âm rõ ràng, giàu nhạc cảm. Ở độ tuổi đôi mươi, Phương Mỹ Chi không chỉ khiến người ta ngưỡng mộ vì giọng hát bản năng, mà còn nhờ khả năng làm mới mình qua từng tác phẩm dân gian.
Ngược lại, Hoài Lâm là mẫu ca sĩ thiên về chiều sâu nội tâm. Gọng ca gốc Vĩnh Long không phô trương kỹ thuật mà chọn cách hát như đang kể một câu chuyện. Trong bản thu Tiếng thạch sùng, nam ca sĩ mang đến những câu luyến láy đậm chất tự sự, khiến người nghe có cảm giác như đang nghe tâm sự của chính nhân vật trong bài hát. Sự khác biệt ấy không khiến người ta phân định ai thắng ai thua, mà càng khiến cả hai được yêu mến hơn. Một bên là sự tinh khôi, điêu luyện của một giọng ca lớn lên cùng những làn điệu dân ca; một bên là sự từng trải, khắc khoải của một tài năng từng chạm đỉnh vinh quang rồi đối mặt không ít thăng trầm.
Điểm đặc biệt trong lần "đụng độ" này là cả hai không hề biểu diễn cùng thời điểm hay địa điểm. Chính mạng xã hội đã kéo họ lại gần nhau, tạo ra một sân khấu ảo - nơi người xem được so sánh, chiêm nghiệm và cảm thụ hai màu sắc âm nhạc khác biệt. Không ít bình luận cho biết họ đã nghe đi nghe lại cả hai phiên bản và… vẫn chưa chọn được người hát hay hơn. Sự yêu thích nghiêng về cảm xúc nhiều hơn là kỹ thuật. Điều đó cũng phần nào chứng minh rằng, trong dòng nhạc thiên về cảm xúc như Bolero, "đỉnh" không phải là những nốt cao chót vót hay cách luyến láy cầu kỳ, mà là khả năng làm cho người nghe rung động.
Sau đoạn clip, nhiều fan đã để lại bình luận mong muốn Hoài Lâm và Phương Mỹ Chi sẽ có một màn kết hợp chính thức. Sự cộng hưởng giữa hai chất giọng một sâu lắng, một tinh tế hứa hẹn sẽ tạo nên khoảnh khắc khó quên trên sân khấu. Trong bối cảnh Vpop ngày càng đa dạng hóa thể loại, những cuộc gặp gỡ giữa các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc truyền thống càng trở nên đáng giá.
Đôi khi, một bản nhạc cũ vang lên lại khiến người ta sống chậm lại, nhìn sâu vào cảm xúc của chính mình. Và chính những giọng ca như Hoài Lâm hay Phương Mỹ Chi bằng sự chọn lọc, tận tụy với dòng nhạc không thị trường đã giúp giữ lại những giá trị đẹp đẽ ấy trong đời sống âm nhạc hôm nay.