Bị đau lưng trên bên phải là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Bị đau lưng trên bên phải là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
3 giờ trướcBài gốc
Cơn đau lưng trên bên phải được mô tả là cảm giác đau âm ỉ kéo dài hoặc đau nhói sau lưng bên phải phía trên đột ngột, cơn đau có thể đến rồi đi với các mức độ từ nhẹ tới nghiêm trọng. Bị đau lưng ảnh hưởng tới sinh hoạt và di chuyển hàng ngày nên cần được chẩn đoán sớm và điều trị đúng.
Lưng trên được xác định nằm trong khoảng cột sống dưới cổ và trên thắt lưng (phần dưới của xương sườn/phần cột sống ngực), gồm 12 đốt sống lưng từ T1 đến T12. Phần cột sống lưng có phạm vi di chuyển hạn chế hơn so với vùng đốt sống cổ và cột sống thắt lưng nên ít đau và chịu tổn thương hơn.
1. Bị đau lưng trên bên phải là bệnh gì?
Nguyên nhân gây đau lưng bên phải phía trên gần vai thường do các vấn đề về cột sống gây ra, bao gồm các đốt sống; đĩa đệm cột sống; vấn đề ở cơ, dây chằng, gân hoặc do dây thần kinh. Đôi khi đau lưng ở vị trí này có thể do các tình trạng nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới mất mạng như ung thư phổi, nhiễm khuẩn cột sống, thuyên tắc phổi hoặc viêm túi mật.
- Sử dụng quá mức, căng cơ hoặc chấn thương
Căng cơ là tình trạng bị xoắn hoặc rách ở cơ hoặc gân xảy ra do làm việc quá sức hay do các động tác lặp đi lặp lại chẳng hạn như cúi người làm việc trước máy tính hoặc chơi thể thao có thể dẫn đến chấn thương ở cơ.
Việc thực hiện động tác xoay đột ngột hay nâng vật nặng cũng có thể gây ra tình trạng này. Chấn thương do ngã hay hoặc các tác động vật lý từ bên ngoài có thể tạo ra cơn vết thương hoặc đau đớn từ nhẹ đến nặng ở lưng, bao gồm cả đau lưng trên bên phải.
Bị đau lưng trên bên phải là bệnh gì? Ảnh: ST
Các triệu chứng khác có thể gặp bao gồm: Giảm phạm vi chuyển động của cánh tay và vai; cơn đau tăng lên khi di chuyển vai, cánh tay hoặc lưng.
- Dây thần kinh tủy sống bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm do nâng vật nặng, chấn thương cổ,... có thể khiến đĩa đệm ở lưng bị vỡ, tăng nguy cơ chèn ép lên các dây thần kinh cột sống. Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm bao gồm: Đau cánh tay hoặc đau nhói sau lưng bên phải phía trên khi ho hoặc hắt hơi, cảm giác châm chích, tê liệt, yếu cơ ở cánh tay hoặc vai.
- Gãy xương đốt sống (vertebral fracture)
Gãy xương đốt sống là hình thái phổ biến nhất của gãy xương do loãng xương. Chấn thương gãy xương cột sống có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên cột sống, nhưng thường gặp nhất là ở đoạn lưng - thắt lưng (đoạn lưng dưới) và đoạn cổ - thắt lưng (đoạn gần cổ và lưng).
Ngoài đau lưng, các triệu chứng bạn có sẽ được xác định bởi mức độ nghiêm trọng của chấn thương như co thắt cơ, yếu cơ, cảm giác tê ran châm chích ở vùng bị tổn thương, khó khăn trong di chuyển tay.
- Viêm xương khớp
Viêm xương khớp có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp của cơ thể. Hầu hết các đốt sống của cột sống đều kết nối với các khớp mặt, khiến khu vực này của cơ thể dễ bị viêm xương khớp ảnh hưởng. Trong đó viêm xương khớp có thể gây ra các cơn đau lưng trên bên phải hoặc đau ở bất cứ khu vực dọc cột sống nào.
Các triệu chứng viêm xương khớp khác bao gồm: Đau lan tỏa sang cổ, cánh tay, hoặc vai; yếu lực; tê cứng; chuột rút cơ; cứng khớp.
- Loãng xương
Loãng xương (xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương liên tục mỏng dần. Điều này có liên quan tới mật độ xương giảm dần theo thời gian khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và bị gãy dù chỉ là một chấn thương nhẹ. Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào. Những người mắc bệnh này thường không biết họ có bệnh cho đến khi bị gãy xẹp một đốt sống cột sống.
Dấu hiệu loãng xương bao gồm: Đau lưng đột ngột, cơn đau tăng lên khi đứng hoặc đi bộ; giảm chiều cao, tụt lợi (nướu răng), lực nắm tay yếu, móng tay giòn hơn.
Loãng xương (xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương liên tục mỏng dần (Ảnh: ST)
- Hội chứng đau cơ
Đây là một hội chứng thuộc rối loạn đau mạn tính. Khi tình trạng này xảy ra, tác động lên các điểm nhạy cảm của cơ khiến cơ bị đau và có thể xuất hiện trong các đĩa đệm của cột sống. Hội chứng đau cơ thường gây ra bởi các hoạt động chuyển động lặp đi lặp lại. Nó có thể gây ra cảm giác đau sâu bên trong cơ hoặc đau lan tỏa khiến bạn cảm thấy khó chịu ở các vùng khác của cơ thể.
- Căng thẳng
Căng thẳng, lo lắng, áp lực có thể gây đau nhiều vùng cơ thể, bao gồm cả bị đau lưng bên phải phía trên. Điều này được giải thích là do cơ thể phản ứng lại với căng thẳng bằng phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy khiến cơ bắp trở nên căng cứng hơn.
Ngoài đau nhức cơ thể thì các triệu chứng có thể gặp khác bao gồm: Nhịp tim nhanh, đau đầu, thở nhanh hoặc thở gấp, đau dạ dày do căng thẳng, bồn chồn.
- Các nguyên nhân gây đau lưng trên bên phải ít phổ biến
+ Các tình trạng về phổi: Do phổi nằm gần phần lưng trên, các tình trạng như viêm phổi hoặc nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây đau ở lưng trên bên phải. Ung thư phổi cũng có thể gây đau ở khu vực này, đặc biệt là nếu tế bào ung thư đã di căn đến cột sống hoặc ngực. Bạn cũng có thể cảm thấy đau nếu khối u trong phổi phát triển tới vùng lưng của bạn. Thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi) cũng có thể gây đau lưng bên phải phía trên gần vai.
+Bệnh về túi mật: Mặc dù túi mật không nằm gần phần lưng trên, nhưng các tình trạng ảnh hưởng đến nó, như sỏi mật, có thể khiến lưng trên bên phải bị đau. Đây được gọi là đau chuyển hóa. Viêm túi mật, là một tình trạng tiềm ẩn nghiêm trọng có thể cũng gây đau ở vùng lưng trên này. Khi không được điều trị, viêm túi mật có thể khiến túi mật bị vỡ rất nguy hiểm.
Mặc dù túi mật không nằm gần phần lưng trên, nhưng các tình trạng ảnh hưởng đến nó, như sỏi mật, có thể khiến lưng trên bên phải bị đau (Ảnh: ST)
+ Nhiễm khuẩn cột sống: Có thể do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Nguy cơ mắc bệnh có thể tăng lên ở những người có hệ miễn dịch yếu hoặc là tác dụng phụ của một thủ thuật phẫu thuật. Nhiễm khuẩn cột sống có thể ảnh hưởng đến đĩa đệm, xương hoặc tủy sống. Các loại nhiễm trùng này có thể đi kèm với các triệu chứng khác như tê cứng, ớn lạnh, sốt hoặc ngứa ran ở vùng cột sống bị tổn thương.
Một số tình trạng đau lưng trên bên phải kèm theo dấu hiệu đặc trưng cần thận trọng
- Đau sau lưng bên phải dưới bả vai
Chấn thương căng cơ, bong gân và co thắt cơ có thể ảnh hưởng đến cơ trám (là các cơ hình thoi có nguyên ủy từ mỏm gai đốt sống C7 đến T5 và bám tận tại bờ trong xương vai). Cơn đau này thường cảm nhận được ở giữa phần lưng trên, nhưng có thể lan ra một hoặc cả hai bên lưng.
Đau dưới hoặc gần xương vai có thể khiến việc xoay vai trở nên khó khăn hoặc giảm phạm vi di chuyển cánh tay. Nguyên nhân của các cơn đau này có thể là kết quả của việc sử dụng cơ quá mức hoặc ngủ sai tư thế,...
Nếu cơn đau ở hoặc dưới xương vai không giảm đi sau vài ngày điều trị tại nhà, hãy xem xét tới các tình trạng ở phổi hoặc túi mật nghiêm trọng hơn.
- Đau lưng trên bên phải khi thở
Đau lưng đôi khi có thể trở nên nặng và khó chịu hơn khi hít thở sâu. Điều này là do các đốt sống của cột sống liên kết với lồng ngực. Thông thường, đây không phải là một vấn đề đáng lo ngại. Nhưng đôi khi loại đau này có thể là dấu hiệu của tắc mạch phổi (cục máu đông trong phổi) cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Thuyên tắc phổi lâu ngày có thể ảnh hưởng tới quá trình tuần hoàn máu của cơ thể, dẫn tới suy tim theo thời gian, nghiêm trọng hơn là ngừng tim.
2. Cách giảm đau lưng trên bên phải tại nhà
Mức độ đau lưng thường giảm sau khi điều trị tại nhà trong vài ngày. Người bệnh có thể cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị để có được hiệu quả tốt nhất. Bao gồm:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Các loại thuốc giảm đau như NSAIDS hoặc acetaminophen (Tylenol) có thể giúp giảm đau và viêm nhiễm.
- Chườm nhiệt và chườm lạnh: Liệu pháp chườm nhiệt và chườm lạnh có thể giúp giảm cơn co thắt lưng và giảm sự cứng cơ khớp ở vùng lưng đau.
- Vận động: Vận động nhẹ nhàng, như việc căng giãn hoặc lăn vai, có thể giúp giảm đau và cứng cơ.
- Massage: Massage xung quanh phần cổ gáy và vai lưng có thể giúp giảm căng thẳng ở các bó cơ.
Massage xung quanh phần cổ gáy và vai lưng có thể giúp giảm căng thẳng ở các bó cơ (Ảnh: ST)
- Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đầy đủ có thể giúp ích với đau lưng cấp tính. Tuy nhiên bạn không nên nghỉ ngơi quá nhiều, hãy thử nghỉ ngơi vài giờ mỗi lần, chỉ trong một đến hai ngày.
3. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Cơn đau lưng trên bên phải thường giảm dần với các biện pháp điều trị tại nhà, trong vài ngày. Nếu cơn đau không bắt đầu thuyên giảm trong vòng một tuần thì người bệnh cần thăm khám sớm.
Bạn cũng nên tìm kiếm điều trị y tế cho những cơn đau lưng do chấn thương hoặc đau kèm theo các triệu chứng khác như triệu chứng mới về đường ruột hoặc bàng quang, yếu cơ, ngứa ran, tê bì, hoặc sốt.
Nguồn: Healthline
Châu Anh
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/bi-dau-lung-tren-ben-phai-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-20241024113919869.htm