Ngày 17/2/2025, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã ban hành quyết định 158/SGDHCM về việc chuyển cổ phiếu KPF của CTCP Đầu tư tài sản Koji (HoSE: KPF) từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch.
Theo HoSE, trước đó cổ phiếu KPF hiện đang trong diện hạn chế giao dịch theo Quyết định số 565/QĐ-SGDHCM ngày 04/10/2024 do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên năm 2024 quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định.
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết: “1. Chúng khoán bị đình chi giao dịch khi xảy ra một trong các trường hợp sau: a) Tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm có kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên có soát xét quá 06 tháng so với thời hạn quy định”.
HoSE cho biết đến thời điểm hiện tại đã quá 06 tháng so với thời hạn quy định, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài sản Koji chưa nộp BCTC soát xét bán niên năm 2024. Do đó, cổ phiếu KPF đã rơi vào trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch. SGDCK TP.HCM sẽ thực hiện chuyển cổ phiếu KPF từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch theo quy định.
Không chỉ bị đình chỉ giao dịch trên sàn chứng khoán, CTCP Đầu tư tài sản Koji còn phải đang đối mặt với khoản lỗ kỷ lục gần 277 tỷ đồng trong năm 2024 sau bảy quý liên tiếp không có doanh thu.
Ảnh minh họa
Với khoản lỗ kỷ lục này, KPF đã lỗ lũy kế gần 135 tỷ đồng tính đến cuối năm 2024. Đáng chú ý, tổng lợi nhuận ròng của KPF từ năm 2012-2023 (12 năm) cũng chỉ đạt gần 267 tỷ đồng, tức chưa bằng khoản lỗ của riêng năm 2024. Cùng kỳ năm trước, KPF vẫn có lãi gần 2 tỷ đồng.
Như vậy, thành quả hơn 12 năm tích lũy của KPF đã bị xóa sạch.Không những lỗ khủng, tài sản của công ty cũng thu hẹp đáng kể, đẩy công ty vào tình thế khó khăn trong việc phục hồi.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp sụt giảm mạnh 34% so với đầu năm, còn hơn 532 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do KPF tăng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên gần 324 tỷ đồng, gấp 9,5 lần đầu năm.
Danh sách các khoản phải thu có sự xuất hiện của hai cá nhân nợ lớn với KPF, gồm ông Nguyễn Khánh Toàn (nợ hơn 71 tỷ đồng) và bà Nguyễn Thị Thủy (gần 24 tỷ đồng), cùng một số tổ chức như Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm, Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu và Công ty CP Dịch vụ và Công nghiệp Bình Dương.
Tài sản của KPF chủ yếu là các khoản đầu tư tài chính, bao gồm trái phiếu và góp vốn vào các công ty khác với tổng giá trị hơn 495 tỷ đồng, chiếm 93% tổng tài sản. Nợ phải trả tăng 21%, lên 16,5 tỷ đồng, chủ yếu là thuế và nghĩa vụ với Nhà nước.
Khó khăn tài chính kéo dài khiến cổ phiếu KPF lao dốc, giảm hơn 64% so với đầu năm 2024, chỉ còn 1.690 đồng/cp tính đến 14h phiên giao dịch 18/2. Vốn hóa thị trường của công ty hiện chỉ còn hơn 102,87 tỷ đồng.
Minh Vy