Dàn diễn viên đi xem phim bằng... xe cứu thương
Người khoe nếu không biết tiết chế, lựa chọn cách thể hiện phù hợp thì dễ tạo sự phản cảm, gây khó chịu đối với mọi người. Từng có người muốn thể hiện đẳng cấp sang chảnh nên nhiệt tình khoe nhà lầu, biệt thự, xe sang, khối tài sản kếch sù, thậm chí khoe những sở thích khác người, khoe thân thể kệch cỡm... Không ít người nổi tiếng, văn nghệ sĩ, diễn viên lại khoe sự hào nhoáng, độ nổi tiếng bằng những việc làm lạ đời giữa đám đông đường phố, gây ra sự phản cảm khó chấp nhận.
Xe cứu thương chở diễn viên đi ra mắt phim đang trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của cộng đồng mạng.
Một sự việc “đi vào lòng đất” vừa xảy ra ngày 26/3, đó là một dàn diễn viên dùng xe cứu thương đi ra mắt phim “Âm dương lộ”. Giữa lúc phố xá đông đúc, chiếc xe cứu thương bất thình lình lao đến với còi hú inh ỏi, đèn chớp nháy liên hồi. Cả đoạn đường trong khung giờ cao điểm được một phen náo loạn bởi sự xuất hiện của chiếc xe cứu thương này. Tại địa điểm là một trung tâm hội nghị trên đường Cao Thắng (quận 3, TP Hồ Chí Minh), các diễn viên lần lượt bước ra khỏi xe cứu thương trước những ánh nhìn lạ lẫm của người đi đường. Sau khi video sự việc được chia sẻ trên mạng xã hội, đông đảo ý kiến phản ứng vì đoàn phim sử dụng phương tiện giao thông sai mục đích.
Ngay tối cùng ngày, Phòng CSGT (Công an TP Hồ Chí Minh) đã lập biên bản xử phạt nam tài xế 42 tuổi số tiền 2,5 triệu đồng về hành vi lái xe ô tô cứu thương sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định. Ngoài ra, đơn vị còn thu hồi giấy phép thiết bị của xe cấp cứu tư nhân này.
2 ngày sau, diễn viên Đại Nghĩa, người ngồi trong xe cứu thương đã xin lỗi khán giả về sự việc. Anh cho biết bản thân xuất hiện trên xe vì chủ quan, cho rằng "mọi thứ đã được xin phép, thông qua". "Chiếc xe đến tận nơi mới bấm còi và đèn tín hiệu, nhưng dù chỉ một giây mà chưa được phép, vẫn là sai. Tôi đã chấp nhận bước lên chiếc xe đó, dù cho mình không biết đi chăng nữa, cũng là sai. Một lần nữa, tôi thành thật xin lỗi", Đại Nghĩa chia sẻ.
Người phụ nữ làm việc với CSGT sau khi “lái” vali điện trên đường phố.
Còn diễn viên Bạch Công Khanh cho rằng anh thiếu sót khi không xem xét kỹ vấn đề nên đã để lại hậu quả không mong muốn. Diễn viên Lan Thy nói, sự việc là bài học để cô biết cách ứng xử, hoàn thiện bản thân.
Nhiều người cho rằng, đây là trò PR (quảng cáo) phản cảm, một tiết mục giật gân, lố bịch. Dư luận đề nghị cơ quan có trách nhiệm nên xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân lẫn đơn vị sản xuất.
Chiều 26/3, tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành làm rõ nguồn gốc của xe cứu thương chở dàn diễn viên trên. Theo báo cáo từ Sở Y tế, xe cứu thương dùng chở các diễn viên không nằm trong danh sách xe cứu thương của các cơ sở hỗ trợ vận chuyển cấp cứu đã được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Xe này từng bị Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, xử phạt vào năm 2024 qua thông tin phát hiện quảng cáo trái phép trên mạng.
Những chiêu trò PR, quảng cáo lố, nội dung phản cảm của người nổi tiếng đã không còn xa lạ trong suốt nhiều năm nay và phần nào đánh mất đi niềm tin yêu của công chúng. Theo chuyên gia tâm lý Lê Kim Chung, Chủ nhiệm CLB Lá chắn TP Hồ Chí Minh, với người nổi tiếng hoặc nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội thì họ phải luôn đề cao giá trị của bản thân không chỉ trên “không gian ảo” mà còn ở mỗi hành động, việc làm ngoài đời. Họ đủ sức tạo dựng niềm tin, thuyết phục người khác bằng lối sống tao nhã, lịch thiệp và những đóng góp, cống hiến đích thực của mình trong đời sống. Vì họ thấm nhuần câu châm ngôn “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu” và thấm thía giá trị phẩm hạnh con người giống như viên đá quý, sẽ lấp lánh, đẹp đẽ hơn khi được lồng vào cái giá khiêm tốn. Ngược lại, đối với những người thích khoe khoang, khuếch trương, họ có đủ thứ chiêu trò độc đáo, lạ đời, chỉ để thu hút sự tò mò, được nhiều người biết đến.
Những pha flex “đi vào lòng đất”
Trào lưu flex không chỉ dừng lại trong thế giới của người nổi tiếng, bộ phận “cậu ấm, cô chiêu” thích sống ảo, khoe nhà lầu, xe sang mà còn được giới buôn bán tận dụng để quảng cáo sản phẩm, dùng chúng như thỏi nam châm hút dư luận và đám đông về phía mình. Một vụ việc không ai ngờ tới đã xảy ra vào ngày 2/3 ngay trung tâm quận 1 (TP Hồ Chí Minh), chính là màn khiêng quan tài diễu phố quảng cáo... bán quần áo online. Theo đó, 4 thanh niên mặc đồ đen, trùm kín đầu, mang khẩu trang khiêng quan tài có viết chữ trắng đi nhiều vòng trước khu vực chợ Bến Thành. Không chỉ đi bộ trong khuôn viên trước chợ, nhóm này còn khiêng quan tài di chuyển dưới lòng đường gây cản trở, mất an toàn giao thông.
Từ xe cứu thương, dàn nghệ sĩ bước lên thảm đỏ trước một rừng ống kính máy quay tung hô.
Qua xác minh, cơ quan chức năng cho biết, nhóm thanh niên làm việc này nhằm quảng cáo trang website cho một shop quần áo. Đối tượng tổ chức của vụ việc này là Hồ Ngọc Tuấn (25 tuổi, quê Long An, tạm trú huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Tại Cơ quan Công an, Tuấn khai năm 2024, Tuấn bắt đầu hoạt động kinh doanh, buôn bán quần áo trên mạng xã hội, thông qua kênh TikTok cá nhân. Cùng kinh doanh với Tuấn còn có một số người bạn. Sau đó, Tuấn lên ý tưởng quay clip có nội dung 4 người khiêng quan tài có thương hiệu sản phẩm, đi bộ tại trung tâm quận 1 để tạo sự kiện sốc khiến nhiều người chú ý, từ đó phục vụ việc bán hàng.
Hành vi của Tuấn và đồng phạm đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Sau khi đăng tải, mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn, bình luận và tương tác đặc biệt lớn, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội. Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 người trong vụ khiêng quan tài trước chợ Bến Thành để điều tra về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Khi người lớn không chịu lớn
Flex chính là cách nhanh nhất để thu hút sự đố kỵ và ganh ghét từ người khác. Flex cũng là thỏi nam châm hút mọi sự chú ý, quan tâm dành cho bản thân khi ra đường. Nhưng flex quá lố và vô tội vạ mà không lường trước đúng sai lại là “gạch đá” ném thẳng về phía mình. Một sự việc vẫn còn nóng trên bàn dư luận là trường hợp những tài xế “lái” vali điện phiêu du trên phố đông người, giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh.
Chiếc vali điện của người đàn ông băng băng giữa đường phố đông đúc khiến người đi đường bất ngờ.
Theo đó, ngày 23/3, tổ CSGT địa bàn quận 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh) tuần tra phát hiện bà T.T.N.T. (43 tuổi) đang lái vali điện chạy trên đường Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1) nên yêu cầu kiểm tra. Bà T. được mời về trụ sở Công an phường Bến Nghé làm việc. Lực lượng chức năng đã lập biên bản bà T. hành vi "sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy". Tại đây, bà T. thừa nhận hành vi vi phạm và cam kết không sử dụng vali để di chuyển trên đường.
Trước đó 2 ngày, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông ngồi trên chiếc vali 3 bánh, một tay cầm điện thoại, một tay "lái" vali chạy trên đường. Thời điểm đó trên đường có đông xe cộ qua lại, nhiều xe máy phải luồn lách để tránh va chạm với người đàn ông. Vụ việc được một người đi đường ghi hình và đăng tải lên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ lo lắng trước hành vi này.
Lực lượng CSGT địa bàn quận 1 phối hợp các đơn vị liên quan xác minh clip người đàn ông ngồi trên chiếc vali vừa chạy vừa gọi điện thoại trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1. Qua xác minh, người đàn ông này tên Z.T. (75 tuổi, quốc tịch Trung Quốc).
Theo Cơ quan Công an, chiếc vali mà người đàn ông dùng để di chuyển ngoài đường không phải là phương tiện giao thông, không được phép lưu thông trên đường. Đó là vali điện, có giá từ vài chục triệu đồng, thường được người sử dụng ngồi lên di chuyển ở khu vực lối đi, nhà chờ trong sân bay cho đỡ mỏi chân.
Liên quan đến vi phạm trên, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không sử dụng vali điện để di chuyển trên đường phố. Đây là hành vi vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy hiểm cho cả người sử dụng và những người tham gia giao thông khác do khó kiểm soát, dễ gây tai nạn.
Chia sẻ về những trường hợp ra đường với hành động lạ đời, khoe khoang nhằm gây sự chú ý của một số người, luật sư Đặng Trường Thanh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, các phương tiện giao thông đường bộ phải đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật an toàn như hệ thống phanh, đèn chiếu sáng, tín hiệu báo rẽ, gương chiếu hậu. Tuy nhiên, đa số vali điện không đáp ứng các yêu cầu này và không được công nhận là phương tiện hợp pháp tham gia giao thông. Do đó, theo điều khoản của Nghị định 168/2024, cá nhân sử dụng các thiết bị như vali điện trên phần đường xe chạy sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 250.000 đồng (lỗi sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy). Nếu gây tai nạn nghiêm trọng, người sử dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Nhìn về góc độ pháp lý, việc xử lý nghiêm các hành vi nêu trên góp phần răn đe, cảnh tỉnh những người thích sống theo trào lưu flex mà coi thường quy tắc và luật lệ khi ra đường. Sâu xa và đáng để bàn luận hơn chính là lối flex văn minh, flex tích cực để thúc đẩy cộng đồng hướng đến những điều tốt đẹp nhất. Châm ngôn ông bà ta có câu “đừng thấy cái bóng to trên tường mà tưởng mình vĩ đại” nhằm hàm ý khuyên răn ai đó đừng có lầm tưởng, ảo ảnh về khả năng của bản thân. Ranh giới giữa giá trị thật và giá trị ảo bị cường điệu quá mức và không được tiết chế có thể làm đảo lộn giá trị đạo đức và văn hóa xã hội.
Ngọc Thiện