Tại lễ tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, một trong những ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc, Crystal đã đặt mục tiêu từ sớm: Làm việc trong một tập đoàn công nghệ hoặc tài chính hàng đầu.
Trong suốt những năm đại học, Crystal (tên đã được thay đổi) nỗ lực hết sức để gia tăng cơ hội việc làm. Cô tham gia các cuộc thi tình huống do công ty tư vấn hàng đầu của Mỹ Bain & Company tổ chức, thực tập tại 4 công ty công nghệ lớn, trong đó có ByteDance (chủ sở hữu TikTok) và RedNote - phiên bản “Instagram Trung Quốc”. Khi tốt nghiệp năm 2023, Crystal thuộc top 10% sinh viên xuất sắc nhất khóa.
Tuy nhiên, bảng thành tích ấn tượng ấy cũng chỉ giúp cô đạt được một lựa chọn thực tế duy nhất sau tốt nghiệp: Tiếp tục học thạc sĩ ngành kinh tế và quản lý, đồng nghĩa với việc phải hoãn lại giấc mơ đi làm thêm hai năm nữa.
“Giờ tốt nghiệp đại học không đảm bảo gì cả. Khi chúng tôi ra trường, triển vọng kinh tế vô cùng ảm đạm. Khóa sinh viên tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh năm 2014 có thể có việc tốt, sống sung túc. Nhưng chúng tôi thì khác hẳn”, Crystal chia sẻ.
Tấm bằng đại học mất giá
Câu chuyện của Crystal phản ánh khó khăn mà sinh viên tốt nghiệp tại các trường top ở Trung Quốc đang phải đối mặt: Một thị trường lao động suy yếu, ít cơ hội, nhiều cạnh tranh.
Theo giáo sư Nancy Qian, chuyên gia kinh tế tại Đại học Northwestern (Mỹ), không chỉ là chuyện không tìm được việc lương cao, mà thực tế là sinh viên giỏi đang phải chật vật để giành lấy những công việc có mức lương trung bình, đến mức không đủ sống nếu tự lo kinh tế.
Sinh viên trong lễ tốt nghiệp năm 2025 tại Đại học Bắc Kinh hôm 2/7. Ảnh: Fanpage Peking University
Theo The Washington Post, kể từ khi đại dịch Covid-19 làm chao đảo nền kinh tế Trung Quốc, dù sự phục hồi đã có nhưng vẫn còn rất chậm chạp và thiếu ổn định. Nhiều công ty cắt giảm nhân sự, cơ hội việc làm khan hiếm hơn bao giờ hết. Trong khi đó, mỗi năm có thêm hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học.
Các công ty tư nhân trả lương cao nay gần như chỉ tuyển những ứng viên có bằng thạc sĩ. Xu hướng này khiến hàng loạt sinh viên ưu tú của các trường đại học hàng đầu đổ xô học lên cao học.
Theo thống kê, khoảng 80% sinh viên Đại học Bắc Kinh lựa chọn học tiếp sau đại học. Nhưng khác với trước đây, học thạc sĩ giờ không còn là để kiếm mức lương cao hơn, mà đơn giản chỉ là để có được một công việc.
Bằng cấp chỉ là "vé vào cửa"
Ngay cả tấm bằng thạc sĩ cũng không đảm bảo có việc tốt. Một báo cáo năm 2023 của nền tảng tuyển dụng Zhaopin cho biết: “Nhiều người nhầm tưởng rằng có bằng thạc sĩ là cầm chắc 'chiếc chìa khóa vàng' để vào đời. Thực tế, đó chỉ là chiếc vé vào cửa. Có việc tốt hay không vẫn phụ thuộc vào năng lực thật sự".
Xu hướng học cao học trong nước cũng gia tăng. Tại Đại học Thanh Hoa - trường đại học được đánh giá tốt nhất Trung Quốc, tỷ lệ sinh viên chọn học tiếp cao học trong nước tăng từ 54% (năm 2013) lên 66% (năm 2022). Tại Đại học Bắc Kinh, tỷ lệ này tăng từ 48% (năm 2019) lên 66% (năm 2024).
Dong Jiachen, cựu học viên thạc sĩ ngành xã hội học tại Bắc Kinh, cho biết: “Khi nhà tuyển dụng ngày càng yêu cầu cao, chúng ta buộc phải học tiếp. Học thạc sĩ gần như là điều bắt buộc”.
Tuy nhiên, theo Dong, tấm bằng chỉ là khởi đầu. Để có thể xin việc, sinh viên phải trải qua nhiều kỳ thực tập, thi lấy chứng chỉ, luyện các bài kiểm tra đầu vào, phỏng vấn, và nhiều bước khác. Dong từng tham gia tới 6 kỳ thực tập trước khi vào làm chính thức tại Meituan -nền tảng giao đồ ăn lớn của Trung Quốc.
Khủng hoảng lan rộng, đánh vào tầng lớp "an toàn nhất"
Giáo sư Qian nhận định, Trung Quốc từng trải qua nhiều giai đoạn thất nghiệp trong lịch sử hiện đại, nhưng điều đáng lo lần này là khủng hoảng ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm được coi là “an toàn” nhất: Những người học cao, giỏi giang.
“Nhiều sinh viên cảm thấy mất phương hướng. Họ tự hỏi: Học hành vất vả như vậy để làm gì? Tại sao cố gắng nhiều mà kết quả lại thế này? Hay là bỏ cuộc thôi…”.
Lily Liu, cựu CEO một nền tảng tuyển dụng trực tuyến với 100.000 người dùng, cho biết, sinh viên ngày nay đặt ra nhiều tiêu chí cho công việc: Môi trường làm việc, giá trị công ty, mức lương, vị trí địa lý, khoảng cách với gia đình… Nếu những điều đó không đáp ứng được, nhiều người chọn học tiếp thay vì đi làm.
Theo ông Qi Mingyao, Giám đốc điều hành công ty viễn thông Ruihua tại Bắc Kinh, hiện tượng "lạm phát bằng cấp" đang rất rõ ràng. “Hồi tôi vào đại học năm 1992, sinh viên tốt nghiệp 100% có việc làm tốt. Còn bây giờ, sinh viên cao học chỉ bằng cử nhân ngày xưa. Sinh viên cử nhân giờ chẳng khác gì học nghề”, ông nói.
Ruihua từng có 60 nhân viên, nhưng sau đại dịch đã cắt giảm còn 20 người và suốt nhiều năm qua chưa tuyển thêm. Nếu có tuyển lại, ông Qi nói sẽ chỉ chọn ứng viên có bằng thạc sĩ vì họ có kỹ năng chuyên môn tốt hơn.
Tác động xã hội sâu rộng
Tình trạng lao động khó khăn còn kéo theo những hệ lụy về nhân khẩu học. GS Qian cảnh báo: “Thế hệ trẻ không dám kết hôn, sinh con vì thấy mình không đủ điều kiện tài chính. Khi thất nghiệp ở mức cao, các cơ chế tự nhiên để con người gặp gỡ, kết đôi, xây dựng gia đình… đều bị đứt gãy”.
Tháng 8/2023, chính phủ Trung Quốc ngừng công bố số liệu thanh niên thất nghiệp sau khi tỷ lệ này ở nhóm 16-24 tuổi chạm mốc 21,3% vào tháng 6 năm đó. Đến tháng 1/2024, dữ liệu được công bố lại, nhưng không bao gồm sinh viên trong thống kê.
Trong cập nhật mới, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng tách nhóm tuổi 25-29 ra khỏi nhóm 25-59 để phản ánh thực tế ngày càng nhiều người trẻ kéo dài thời gian học tập.
Tính đến tháng 5/2025, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16-24 tuổi vẫn ở mức cao: 14,9%.
"Đến lượt thế hệ mình chịu khổ"
Sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ vào mùa xuân vừa rồi, Crystal đã trúng tuyển vào một công ty công nghệ hàng đầu ở Bắc Kinh. Dù vậy, cô vẫn có nhiều trăn trở.
“Nếu so với người Mỹ hay châu Âu, tôi thấy mình thiệt thòi - họ nghỉ 30 ngày mà vẫn có thu nhập cao. Nhưng nếu nhìn lại thế hệ bố mẹ mình, tôi thấy bản thân đâu có khổ. Bố mẹ làm việc cật lực mà đâu được ăn ngon, mặc đẹp. Vậy nên, có lẽ đến lượt thế hệ chúng tôi phải gánh vác những gian nan của thời đại mình”.
Hoàng Linh