Bi kịch tuổi già tại Nhật Bản: Những người phụ nữ muốn ở tù

Bi kịch tuổi già tại Nhật Bản: Những người phụ nữ muốn ở tù
4 giờ trướcBài gốc
Các phòng giam bên trong Nhà tù nữ Tochigi, nơi cứ 5 tù nhân thì có một người cao tuổi. Ảnh: CNN
“Dân số” ở Nhà tù nữ Tochigi phản ánh xã hội già hóa bên ngoài và vấn nạn người già cô đơn đang lan rộng, mà các giám thị cho biết là rất nghiêm trọng đối với một số tù nhân lớn tuổi đến mức họ muốn ở lại tù.
“Thậm chí có những người nói rằng họ sẽ trả 20.000 hoặc 30.000 yen (130-190 USD) một tháng nếu họ có thể để sống ở đây mãi mãi”, Takayoshi Shiranaga, một sĩ quan tại Nhà tù nữ Tochigi nằm ở phía bắc Tokyo, cho biết.
Câu chuyện phía sau song sắt
Bên trong những bức tường màu hồng nhạt của nhà tù và những hành lang thanh bình lạ thường, trong chuyến thăm nhà tù vào tháng 9 năm ngoái, phóng viên CNN đã gặp Akiyo, một tù nhân 81 tuổi với mái tóc ngắn màu xám và đôi bàn tay lấm tấm những đốm đồi mồi. Bà cụ đang thụ án vì tội ăn cắp vặt.
“Có rất nhiều người tốt trong nhà tù này”, bà Akiyo chia sẻ, “Có lẽ cuộc sống như thế này là ổn định nhất đối với tôi”.
Những phạm nhân nữ ở Tochigi sống sau song sắt và phải làm việc trong các nhà máy của nhà tù, với công việc phù hợp. Họ được ăn uống đầy đủ, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc người già miễn phí, cùng với sự đồng hành mà họ thiếu ở bên ngoài.
Một tù nhân là Yoko, 51 tuổi, đã bị giam giữ vì tội ma túy 5 lần trong 25 năm qua. Mỗi lần bà trở lại nhà tù, dân số ở đây dường như già đi – bà Yoko cho biết. “Một số người cố tình làm điều xấu và bị bắt để họ có thể vào tù lần nữa, nếu họ hết tiền".
Bà Akiyo hiểu quá rõ gánh nặng của sự cô lập và nghèo đói. Đây là lần thứ hai bà vào tù, sau lần trước bị bỏ tù ở độ tuổi 60 vì tội ăn cắp thức ăn.
“Nếu tôi ổn định về tài chính và có một cuộc sống thoải mái, tôi chắc chắn sẽ không làm như vậy”, bà cho biết.
Khi thực hiện vụ trộm thứ hai, Akiyo đang sống bằng một khoản lương hưu “rất nhỏ” chỉ được trả hai tháng một lần. Chỉ còn chưa đầy 40 đô la và còn hai tuần nữa là đến kỳ thanh toán tiếp theo, "tôi đã đưa ra quyết định tồi tệ và ăn trộm vặt, nghĩ rằng đó chỉ là vấn đề nhỏ", bà kể.
Với sự hỗ trợ ít ỏi của gia đình, Akiyo không còn quan tâm đến tương lai hoặc những gì sẽ xảy ra với bà nữa. "Tôi cảm thấy như mình không còn quan tâm đến những gì đã xảy ra nữa", bà nói. "Tôi nghĩ mình sống chẳng có ý nghĩa gì”.
Các phạm nhân nữ làm việc trong nhà tù Tochigi. Ảnh: CNN
Gánh nặng của nghèo và cô độc
Trộm cắp là tội phạm phổ biến nhất mà các tù nhân lớn tuổi phạm phải, đặc biệt là ở phụ nữ. Theo số liệu của chính phủ, vào năm 2022, hơn 80% tù nhân nữ lớn tuổi trên toàn quốc Nhật Bản bị giam giữ vì tội trộm cắp.
Một số người làm vậy để sinh tồn, bởi theo OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), 20% người trên 65 tuổi ở Nhật Bản sống trong cảnh nghèo, so với mức trung bình là 14,2% của 38 quốc gia thành viên của tổ chức này. Những người khác làm vậy vì họ không có điều kiện tốt để sống.
“Có những người đến đây vì trời lạnh hoặc vì họ đói”, giám thị Shiranaga cho biết.
Những người bị bệnh “có thể được điều trị y tế miễn phí khi ở trong tù, nhưng khi họ ra tù, họ phải tự trả tiền, vì vậy một số người muốn ở lại đây lâu nhất có thể”.
Trên khắp Nhật Bản, số lượng tù nhân từ 65 tuổi trở lên đã tăng gần gấp bốn lần từ năm 2003 đến năm 2022, và điều này đã thay đổi bản chất của việc giam giữ.
“Bây giờ chúng tôi còn phải thay bỉm cho họ, giúp họ tắm rửa và ăn uống”, giám thị Shiranaga nói. “Cảm giác nơi đây giống như một viện dưỡng lão hơn là một nhà tù đầy tội phạm bị kết án".
Khoảng trống trong xã hội Nhật Bản
Một phần vấn đề đối với những người từng là tù nhân là thiếu sự hỗ trợ khi họ tái hòa nhập với xã hội. Một nữ giám thị tên Megumi cho biết: "Ngay cả sau khi họ được thả và trở lại cuộc sống bình thường, họ vẫn không có ai chăm sóc. Cũng có những người bị gia đình bỏ rơi sau nhiều lần phạm tội, họ không có nơi nào để về".
Các nhà chức trách đã thừa nhận vấn đề này, Bộ Phúc lợi cho biết vào năm 2021 rằng những tù nhân lớn tuổi được hỗ trợ sau khi ra tù ít có khả năng tái phạm hơn những người không được hỗ trợ. Bộ này cho biết kể từ đó đã tăng cường các nỗ lực can thiệp sớm và các trung tâm hỗ trợ cộng đồng để hỗ trợ tốt hơn cho những người già yếu.
Những bức tường và hàng rào của Nhà tù cho nữ phạm nhân Tochigi, nằm ở phía bắc Tokyo. Ảnh: CNN
Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng đã triển khai các chương trình dành cho tù nhân nữ, cung cấp hướng dẫn về cuộc sống tự lập, phục hồi sau nghiện ma túy và cách điều hướng các mối quan hệ gia đình.
Chính phủ hiện đang xem xét các đề xuất để cung cấp các chế độ trợ cấp nhà ở cho nhiều người cao tuổi hơn, với 10 thành phố trên khắp Nhật Bản đã thử nghiệm các sáng kiến hỗ trợ người cao tuổi không có người thân.
Nhưng không rõ liệu điều đó có đủ hay không, ở một quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới và tỷ lệ sinh thấp nhất.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/bi-kich-tuoi-gia-tai-nhat-ban-nhung-nguoi-phu-nu-muon-o-tu-20250120174654342.htm