Bí kíp bảo dưỡng xe máy sau chuyến 'phượt' ngày lễ

Bí kíp bảo dưỡng xe máy sau chuyến 'phượt' ngày lễ
17 giờ trướcBài gốc
ảnh: Lâm Bích Đào.
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài gần một tuần là cơ hội lý tưởng cho những chuyến đi dài ngày để nghỉ ngơi hoặc thăm gia đình. Sau khi kết thúc chuyến hành trình, đừng quên kiểm tra lại xe máy để tránh các rủi ro khi trở lại công việc.
Dưới đây là những bộ phân cần được kiểm tra mà người sử dụng phương tiện nên lưu ý.
Kiểm tra dầu nhớt giữ xe bền bỉ
Dầu động cơ (nhớt máy) thường giúp bôi trơn các bộ phận, đảm bảo hệ truyền động của xe vận hành trơn tru. Sau các chuyến đi đường dài, người dùng cần kiểm tra mức dầu và tính chất dầu để xe hoạt động ổn định.
Chủ xe có thể dùng kìm để tháo que thăm dầu, kiểm tra liệu dầu có bị thiếu hay không và lưu ý màu sắc, độ đặc của dầu nhớt. Trong trường hợp thiếu dầu, người dùng có thể bổ sung. Nếu dầu nhớt quá bẩn và đặc (thường sẽ có màu đen), đây là lúc xe cần được thay dầu mới.
Nếu xe di chuyển trên 1.000 km, bạn có thể lựa chọn thay mới dầu nhớt luôn để xe vận hành "như mới" khi trở về thành phố.
Dầu nhớt cần được bổ sung hoặc thay mới. Ảnh: Hoàng Trọng.
Với những xe tay ga, sau các chuyến đi đường dài, chủ xe nên kiểm tra bổ sung dầu hộp số (nhớt láp). Thông thường, nhớt láp cần được bổ sung hoặc thay mới sau khoảng 6.000-7.000 km.
Đảm bảo lốp xe luôn ổn định
Sau những chuyến "phượt" đường dài, lốp xe là bộ phận tiếp xúc với mặt đường và sẽ chịu nhiều tác động.
Nếu lốp bị non, "chiến mã" sẽ trở nên nặng nề khi di chuyển, thiếu ổn định và tăng rủi ro tai nạn. Kiểm tra và bơm đủ áp suất là cần thiết. Nếu lốp bị thủng do đinh hay vật nhọn nhỏ có thể vá.
Lốp xe cần được kiểm tra kỹ, tránh tình trạm mòn, thủng. Ảnh: Đan Thanh.
Trong trường hợp phát hiện mòn bất thường, nứt hoặc thủng lớn, người dùng nên mang xe đến cơ sở bảo dưỡng sửa chữa xe để thay mới. Lốp xe cần được kiểm tra sau khoảng 4.000-5.000 km.
Ưu tiên kiểm tra hệ thống phanh
Hệ thống phanh là bộ phận quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người lái khi di chuyển. Vì vậy sau các chuyến hành trình, người dùng cần kiểm tra và làm sạch hệ thống phanh.
Các chi tiết má phanh, dĩa phanh, cùm phanh có thể bị mòn dần theo thời gian, gây ảnh hưởng đến khả năng giảm tốc của xe.
Dầu phanh sau chuyến đi dài có thể nhiễm tạp chất, gây hiện tượng phanh cứng hoặc giật, cùng cần được kiểm tra nếu có hiện tượng lạ.
Nhông xích, dây cu-roa cần được theo dõi
Ở các mẫu xe số, nhông xích tải là linh kiện quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của xe. Xích cần được kiểm tra dung dịch bôi trơn và độ chùng thường xuyên (100 km/lần). Sau chuyến đi đường dài, chủ xe nên kiểm tra, bôi trơn và căng lại xích. Nếu phát hiện xích đã dão và đĩa tải bị mòn, người dùng cần thay toàn bộ nhông xích tải.
Đối với xe tay ga, dây cu-roa sẽ có tuổi thọ ngắn hơn xích tải trên xe số. Tuy nhiên, dây cu-roa lại không cần bảo dưỡng thường xuyên mà chỉ cần kiểm tra trước các chuyến đi đường dài hoặc thay mới khi cần.
Nhông xích, dây cu-roa cần được đảm bảo hông bị chùng, đứt. Ảnh: Yamaha.
Đây cũng là bộ phận dễ bị hư hỏng khi gặp nhiệt độ cao hoặc va đập mạnh. Sau chuyến "phượt", nếu cảm thấy xe có tiếng ồn bất thường, khó đề máy, rung giật khi khởi động, đây là lúc dây cu-roa cần được kiểm tra hoặc thay mới.
Ngoài những bộ phận quan trọng phía trên, chủ xe nên mang "chiến mã" đến cơ sở bảo dưỡng, rửa xe sau các chuyến đi đường dài, kiểm tra bugi để tránh ảnh hưởng khả năng vận hành và đảm bảo hệ thống điện, bình ắc quy luôn sẵn sàng cho các chuyến hành trình tiếp theo.
Đan Thanh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/bi-kip-bao-duong-xe-may-sau-chuyen-phuot-ngay-le-post1550354.html