Bị lợi dụng tình thương qua quyên góp từ thiện, người ủng hộ cần làm gì?

Bị lợi dụng tình thương qua quyên góp từ thiện, người ủng hộ cần làm gì?
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Thạc sĩ - luật sư Đào Đức Hạnh, Giám đốc Công ty Luật Việt Đông Á, Đoàn Luật sư TPHCM,đã có cuộc bàn luận cùng phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa luật sư, gần đây sự việc 1 tiktoker nổi tiếng quyên góp được số tiền rất lớn, gần 17 tỉ đồng cho "mẹ bé Bắp" để người mẹ này chữa bệnh cho con gái với các tình tiết "khác biệt" khiến dư luận đặt ra nhiều thắc mắc về vấn đề pháp lý.
Vậy đối với trường hợp của người kêu gọi từ thiện dùm người khác, họ cần có trách nhiệm gì để đảm bảo số tiền đã được chuyển cho người cần được thụ hưởng, để có thể chứng minh sự trong sạch của bản thân? Trong trường hợp nào thì người kêu gọi giúp từ thiện có thể bị liên quan tới pháp luật?
Thạc sĩ - luật sư Đào Đức Hạnh. Ảnh: NVCC
Thạc sĩ - luật sư Đào Đức Hạnh: Người kêu gọi từ thiện giúp cần có trách nhiệm công khai minh bạch số tiền từ thiện và kiểm soát số tiền từ thiện mà người đó kêu gọi được sử dụng đúng mục đích. Khi hoàn thành trách nhiệm này thì đương nhiên sẽ chứng minh được sự trong sạch. Việc kêu gọi từ thiện được điều chỉnh bởi Điều 23 Nghị định 93/2021.
Trong trường hợp nếu người khác thấy người kêu gọi từ thiện có dấu hiệu gian lận, không minh bạch số tiền từ thiện thì có quyền yêu cầu người kêu gọi từ thiện công khai số tiền từ thiện. Nếu người kêu gọi từ thiện không công khai hoặc công khai không đầy đủ thì có quyền yêu cầu cơ quan CSĐT vào cuộc xem xét có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không. Nếu người kêu gọi từ thiện chiếm đoạt số tiền từ thiện thì có thể bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điêù174 Bộ Luật Hình sự.
Đối với sự việc kêu gọi ủng hộ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thì khoản 2 điều 23 của Nghị định 93/2021 quy định rất rõ: "Cá nhân phải tổng hợp đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và công khai trên các phương tiện truyền thông".
Phóng viên: Như vậy, người được nhận từ thiện có bị bắt buộc, ép buộc phải sao kê hay không? Nếu họ phải sao kê thì trong trường hợp dính tới yếu tố pháp lý nào?
Thạc sĩ - luật sư Đào Đức Hạnh: Người được nhận từ thiện không bị bắt buộc, ép buộc phải sao kê. Lúc này việc sao kê chỉ để cho người khác biết những cá nhân nào là người đóng góp. Và người nhận từ thiện muốn sao kê thì cũng cần phải hỏi ý kiến những người đã đóng góp từ thiện xem có muốn công khai danh tính của họ hay không. Do đó, việc sao kê không còn quan trọng bằng việc người nhận từ thiện sử dụng số tiền có đúng mục đích hay không, nếu sử dụng sai mục đích ban đầu đưa ra thì có khả năng sẽ vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ, hành vi mà sẽ bị truy tố theo tội danh cụ thể. Điều 5 của Nghị định 93 quy định rất rõ các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm báo cáo, cung cấp thông tin sai sự thật, chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích hoặc lợi dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi.
Trong trường hợp của "mẹ bé Bắp", với vai trò là người mẹ nhận từ thiện để lo cho con thì theo tôi, chị cần phải thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội (đã chung tay giúp đỡ con mình) như: Công bố số tiền được nhận, công bố số tiền còn lại sau khi đã thanh toán chi phí lo cho con… để người khác còn biết (cho thêm hoặc dừng lại).
Phóng viên: Hiện đã có đối tượng livestream trên mạng than khó, than khổ vì con đau bệnh để trục lợi tiền của người theo dõi, như vụ người phụ nữ tới livestream tại Khoa khám bệnh của một bệnh viện rồi sau đó rời đi. Theo luật sư, tình huống pháp lý dành cho các trường hợp tương tự như thế nào?
Thạc sĩ - luật sư Đào Đức Hạnh: Nếu ai đó phát hiện có đối tượng livestream kêu gọi từ thiện mà mình biết rất rõ là lừa đảo thì cần báo ngay cho cơ quan công an để tránh cho người khác bị lừa. Đối tượng này có thể bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể tù chung thân.
Phóng viên: Khi phát hiện ra bị lợi dụng tình thương qua các trường hợp quyên góp từ thiện, người ủng hộ từ thiện cần phải làm gì để bảo vệ sự nhân ái của cá nhân không bị rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo?
Thạc sĩ - luật sư Đào Đức Hạnh: Việc cần làm là nhanh chóng báo ngay cho cơ quan CSĐT công an gần nhất để làm trong sạch việc quyên góp từ thiện. Tình trạng trục lợi từ thiện khi mạng xã hội phát triển sẽ ngày càng tinh vi hơn do sức lan tỏa rộng hơn. Lợi dụng tình thương của người khác để trục lợi đã làm tổn hại tới niềm tin xã hội, làm chao đảo giá trị tử tế đùm bọc lẫn nhau giữa người với người. Hơn thế, còn làm ảnh hưởng tới những cá nhân yếu thế thật sự cần sự hỗ trợ của cộng đồng.
Chính vì vậy, nếu nghi ngờ và phát hiện cá nhân liên quan tới việc trục lợi từ thiện, cần báo thông tin tới cơ quan điều tra một cách sớm nhất, có thể giúp cho những người khác không bị kẻ xấu tiếp tục lợi dụng lòng tốt, sự thương cảm và lòng nhân ái.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn luật sư về cuộc bàn luận này!
Đinh Thu Hiền (thực hiện)
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/bi-loi-dung-tinh-thuong-qua-quyen-gop-tu-thien-nguoi-ung-ho-can-lam-gi-20250225092703931.htm