Ít ai biết rằng Biệt động Sài Gòn được quay suốt 4 năm và ban đầu chỉ được lên kế hoạch 2 tập. NSƯT Thanh Loan nói: "Tôi không ngờ bộ phim đó có thời gian quay lâu quá".
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - vợ cố nhà biên kịch Lê Phương của phim Biệt động Sài Gòn kể lại trong chương trình CINE 7 phát sóng tối 26/4: "Khi tập 1 chiếu, khán giả đến xem rất đông và xếp hàng để mua vé. Tập 2 đang đi đến phần cuối, Cục Điện ảnh đề nghị làm tập 3. Đang làm tập 3 thì tập 2 lại bùng nổ hơn trước, Cục Điện ảnh lại đề nghị làm tập 4".
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và NSƯT Thanh Loan.
Đoàn phim phải làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn. NSƯT Thanh Loan chia sẻ: "Thời đó còn nhiều bối cảnh ngổn ngang của trại lính ngày xưa, nhiều tòa nhà bị đổ nát. Có hai dãy nhà cấp 4 thì cả đoàn phim ở đấy".
Để vào vai ni cô Huyền Trang chân thực nhất, NSƯT Thanh Loan phải trải qua quá trình chuẩn bị vô cùng công phu. Bà kể: "Tôi được vào trong chùa ở 1 tuần học cách tụng kinh, gõ mõ, niệm Phật. Chúng tôi phải đi thực tế - từ dáng đi khất thực khoan thai của người tu hành đến bước chân tĩnh, từng bước một".
Xuất thân là người lính cũng giúp NSƯT Thanh Loan thuận lợi khi thực hiện các cảnh hành động. Bà từng ra thao trường bắn súng AK, cầm súng lục bắn rồi nên cũng quen với vũ khí.
Để đảm bảo tính chân thực của phim, NSƯT Thanh Loan cho biết các diễn viên phải gặp nguyên mẫu nhân vật của mình. "Anh Quang Thái đóng vai Tư Chung thì gặp nguyên mẫu là Đại tá Tư Chu. Năm Hòa là vai của anh Bùi Cường đóng, bí danh K9", bà nói.
Những bí mật hậu trường
Nhiều cảnh quay trong Biệt động Sài Gòn chỉ có thể thực hiện 1 lần, đòi hỏi diễn viên phải tập trung cao độ. NSƯT Thanh Loan kể về cảnh bị tra tấn: "Cảnh này buộc phải diễn chỉ một lần thôi. Lúc đầu tra tấn thì co chân co tay. Nhưng phần cuối họ đổ nước vào để Huyền Trang tỉnh lại nên bắt buộc chỉ diễn một đúp, không thể diễn lại lần thứ hai''.
NSƯT Thanh Loan chia sẻ về cảnh quay tâm đắc nhất: "Trong tập 2 - Tĩnh lặng, khi Huyền Trang phải đến một chùa để gặp cấp trên nhưng không biết gặp ai, hóa ra là Tư Chung - người yêu cũ mà mình luôn nhớ. Ngọn nến cứ chảy xuống như người khóc. Cảnh đó tôi thích nhất và xúc động một cách chân thành".
NSƯT Thanh Loan trong phim "Biệt động Sài Gòn".
Còn cảnh quay khó nhất được bà kể lại: "Tôi phải nhảy xuống cái đầm đầy hoa súng để đẩy thuyền của Tư Chu bị thương. Tôi phải đẩy con thuyền rất to, máy quay ở trên cao, thấy tôi đẩy thuyền rồi hút dần đi vào rừng dừa. Đoạn đó quay rất đẹp".
NSƯT Thanh Loan nói về cảnh quay khó nhất:
Một chi tiết hậu trường thú vị được nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã tiết lộ về cảnh quay mưa trong phim. "Thời đó Sài Gòn xe cứu hỏa ít chạy và ít sử dụng. Khi cần vòi phun nước trên diện rộng phải sử dụng nước từ xe nhưng nước trong xe cứu hỏa bị rỉ và vàng đục. Cần có diễn viên đi vào để bỏ tiền vào bát khất thực của ni cô Huyền Trang nhưng không ai chịu vì kinh quá khi nhìn thấy nước vàng đổ ra", bà kể.
Cuối cùng, nhà biên kịch đành phải đóng vai người khách bỏ tiền: "Đó là vai duy nhất của ông ấy (nhà biên kịch Lê Phương - PV) trong phim này và rất hài hước là ông phải chịu nước bẩn đấy".
Chia sẻ thú vị của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:
Để tạo nên tính chân thực, đoàn phim được sử dụng các địa điểm lịch sử thật. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ: "Vào khoảng những năm 1985-1987, bối cảnh cũ vẫn còn rất nhiều. Đại sứ quán Mỹ chưa được sửa chữa, vẫn còn nguyên xi. Cảnh hoang sơ của Củ Chi vẫn gần như còn nguyên do mới giải phóng được 10 năm".
Đặc biệt, Bộ Quốc phòng cho đoàn phim được sử dụng máy bay trực thăng và xe tăng của Mỹ để lại. Điều này góp phần tạo nên sự chân thực hiếm có cho bộ phim lịch sử này.
Một hiện tượng đặc biệt là sau khi phim công chiếu, nhiều bậc phụ huynh đặt tên con gái là Huyền Trang. NSƯT Thanh Loan kể: "Có nhiều người nói: Ôi xem phim xong thương Huyền Trang quá, mê Huyền Trang quá. Ai cũng muốn đặt tên con là Huyền Trang. Vai Huyền Trang khổ và chịu đựng thiệt thòi, tôi yêu cũng chẳng được yêu, lại còn hy sinh".
Sau 50 năm giải phóng, 40 năm phim ra mắt, Biệt động Sài Gòn vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ. NSƯT Thanh Loan không ngờ rằng vai ni cô Huyền Trang trở thành biểu tượng bất diệt trong lòng người Việt. Đây là nhân vật đã vượt khỏi màn ảnh để trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ về lòng yêu nước, sự hy sinh thầm lặng và tinh thần kiên cường.