Bí mật phía sau podcast tiếng Việt khiến cộng đồng mạng ngỡ ngàng

Bí mật phía sau podcast tiếng Việt khiến cộng đồng mạng ngỡ ngàng
5 giờ trướcBài gốc
Theo đoạn podcast được nhà báo Lê Quốc Minh đăng tải trên Facebook cá nhân, hai giọng đọc nam – nữ phối hợp nhịp nhàng, ăn ý cùng những tiếng “ậm ừ” vô cùng chân thật khiến không ít người nghĩ đang nghe hai MC con người trao đổi. “Nghe mà tưởng người thật” là nhận xét phổ biến nhất từ nhiều người nghe.
Điều này cho thấy, dù đoạn podcast chỉ mang tính thử nghiệm, nó đã thể hiện những tiến bộ vượt bậc của AI – ở đây là công cụ NotebookLM do Google phát triển – trong sản xuất podcast tiếng Việt.
Ông Minh tiết lộ chỉ cần đăng thông cáo báo chí về sự kiện ngày 23/4 do báo Nhân Dân tổ chức, AI tự hoàn thiện mọi thứ.
Bài chia sẻ podcast của ông Lê Quốc Minh trên Facebook cá nhân. Ảnh chụp màn hình.
NotebookLM ra mắt năm 2023 đã khá quen mặt với cộng đồng AI Việt Nam. Trên các hội nhóm Facebook như Bình dân học AI hay Tự học AI, những bài chia sẻ về cách khai thác công cụ này thường thu hút hàng nghìn lượt tương tác nhờ các tính năng đa dạng, phong phú và dễ sử dụng.
Được quảng bá là “cuốn sổ tay AI” giúp tiếp cận thông tin có chọn lọc, NotebookLM cho phép người dùng tải tài liệu (PDF, Docs, Slides, website), sau đó tổng hợp, tóm tắt và liên kết nội dung nhờ mô hình ngôn ngữ Gemini 2.0.
Tính năng Audio Overview, vừa hỗ trợ tiếng Việt từ cuối tháng 4, biến tài liệu thành podcast đối thoại sống động với hai giọng đọc nam – nữ, trao đổi tự nhiên. Đây là một điểm cộng lớn của NotebookLM so với các công cụ AI tạo podcast khác chưa có tiếng Việt hoặc phải trả phí.
Ông Bùi Công Duyến, Giám đốc Sản phẩm ONECMS (Công ty NEKO), cho biết chỉ mất 5 phút để tạo podcast về Nghị quyết 68 nhờ NotebookLM. Dù còn vài sai sót nhỏ, ông Duyến nhận định: “AI như NotebookLM sẽ thay đổi cách tổ chức sản xuất tác phẩm báo chí”.
Podcast ngày càng trở thành một kênh truyền tải thông tin phổ biến tại Việt Nam và là một xu hướng tất yếu trong báo chí hiện đại, giúp nâng cao vị thế của tờ báo trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi ngành, mọi lĩnh vực. Khả năng tạo podcast tiếng Việt bằng AI mở ra cơ hội sáng tạo nội dung độc đáo cho người làm báo trong nước.
Trước tiến bộ của AI, con người không thể ngồi yên
Podcast có nhiều hình thức như độc thoại, đối thoại, bàn tròn, với quy trình sản xuất thường gồm ba giai đoạn: tiền kỳ (xác định chủ đề, lên kịch bản, chuẩn bị câu hỏi, thiết bị), thu âm/quay phim, và hậu kỳ (cắt ghép, xử lý âm thanh, thêm nhạc nền).
Theo các chuyên gia, NotebookLM và AI nói chung giúp tiết kiệm thời gian, chi phí ở các khâu như làm kịch bản, chuyển văn bản thành giọng nói, phân tích dữ liệu hay tìm xu hướng.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử - Báo Nhân Dân, chia sẻ, tại Việt Nam, đa phần các cơ quan báo chí thường sử dụng hình thức độc thoại do việc sản xuất các hình thức còn lại phức tạp hơn, cả về chuẩn bị nội dung lẫn giải pháp kỹ thuật. Nhưng với NotebookLM, việc này trở nên dễ hơn rất nhiều vì AI đảm nhiệm kỹ thuật lẫn thể hiện. Chưa kể, cuộc trò chuyện được thể hiện khá tự nhiên, với các MC ảo nhấn nhá, lấy hơi tự nhiên như người thật.
Do đó, công cụ của Google hữu ích đối với các cơ quan báo chí thiếu nhân lực hoặc kỹ thuật. Khi vận dụng, cần lưu ý tài liệu đầu vào phải chuẩn xác vì AI tạo nội dung dựa hoàn toàn vào đó.
Theo Hà Thủy, người có kinh nghiệm nhiều năm làm podcast cho một tòa soạn báo, AI phù hợp với podcast đơn giản như tin tức, hướng dẫn, tóm tắt sách, giúp rút ngắn thời gian sản xuất từ 1-2 tiếng xuống vài phút. Với các podcast phức tạp như bàn tròn, chia sẻ cá nhân hay tâm sự, cần kết hợp con người và AI, cùng khâu hậu kiểm kỹ lưỡng để tránh sai sót.
Dù công nghệ AI đã có nhiều tiến bộ, Hà Thủy tin rằng nó khó thay thế con người: “Tính cá nhân và sự kết nối trong podcast là yếu tố tạo nên sự khác biệt. AI không thể tái hiện trải nghiệm độc đáo đó, dù phát triển đến đâu”.
Chỉ nên xem AI như một trợ lý đắc lực cũng là quan điểm của ông Nguyễn Hoàng Nhật. Song ông nhấn mạnh không vì thế mà các nhà báo không có sự chuẩn bị hay hành động nào. “Sẽ là ‘lạc quan tếu’ nếu nói rằng vai trò của nhà báo không bị ảnh hưởng bởi AI”, ông Nhật trao đổi với PV VietNamNet. Vì thế, con người cần tự nâng cao năng lực, không những về sáng tạo nội dung mà còn phải nắm bắt các công cụ hiện đại, nếu không rất dễ bị bỏ lại phía sau.
Ông cho biết, Báo Nhân Dân mới sử dụng AI vào một số khâu nhằm tối ưu hóa các công đoạn sản xuất, rút ngắn thời gian cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, báo sẽ đưa vào các công cụ AI nhằm hỗ trợ độc giả tóm tắt nội dung tin tức, tìm kiếm tin tức thông minh, tra cứu thông tin, hỗ trợ tòa soạn trong việc thu thập thông tin, kiểm chứng, soát chính tả, văn phong, đề xuất sử dụng ảnh hoặc tiêu đề.
“Tuy nhiên, việc sáng tạo nội dung mới nằm ở mức độ thử nghiệm bởi sự nghiêm cẩn trong việc thống nhất từ nội dung, hình thức thể hiện cho tới văn phong của các sản phẩm báo chí trên báo Nhân Dân”, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử chia sẻ.
Du Lam
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/bi-mat-phia-sau-podcast-tieng-viet-khien-cong-dong-ngo-ngang-2399806.html