Bí mật sức mạnh Iran sau 40 năm: Từ chiến tranh Iraq đến xung đột với Israel

Bí mật sức mạnh Iran sau 40 năm: Từ chiến tranh Iraq đến xung đột với Israel
6 giờ trướcBài gốc
Tên lửa được phóng trong giai đoạn hai của loạt cuộc tập trận Eqtedar ở Tây Nam Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo Wall Street Journal, chiến dịch không kích kéo dài 12 ngày của Israel vào Iran gần đây đã khiến Tehran rung chuyển, làm suy yếu hệ thống phòng không. Tuy nhiên, thay vì sụp đổ, Iran vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân và không lùi bước trước áp lực từ bên ngoài. Thái độ kiên quyết này không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả trực tiếp từ những bài học xương máu rút ra từ cuộc chiến tranh Iran-Iraq tàn khốc cách đây bốn thập kỷ.
Di sản khốc liệt
Cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988) được coi là một trong những xung đột đẫm máu nhất thế kỷ 20, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người ở cả hai phía. Bắt đầu một năm sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, khi Tổng thống Iraq lúc bấy giờ Saddam Hussein quyết định đưa quân vào Iran với tham vọng chiếm đóng các vùng lãnh thổ giàu dầu mỏ, cuộc chiến đã đẩy Tehran vào thế đối đầu với một đối thủ lớn. Như chuyên gia về Iran Vali Nasr từ Đại học Johns Hopkins nhận định: "Cuộc chiến đó thực sự gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ cách họ (Iran) nhìn nhận mình đang bị bao vây, luôn bị đe dọa".
Sau khi giành thế chủ động trở lại, Iran bắt đầu phản công vào tháng 6/1982. Trong thời kỳ đen tối nhất của cuộc chiến, đặc biệt là sau chiến dịch tấn công thất bại nhằm chiếm thành phố Basra (Iraq) năm 1982 khiến hàng chục nghìn binh sĩ Iran thương vong, Tehran nhận ra điểm yếu quân sự trầm trọng của mình. Nước này nhanh chóng cạn kiệt phụ tùng thay thế cho máy bay chiến đấu F-14 do Mỹ sản xuất. Sự phụ thuộc vào các cường quốc nước ngoài đã khiến Iran phải trả giá đắt.
Từ di sản của cuộc chiến, các nhà lãnh đạo Iran đã rút ra bài học sâu sắc: không bao giờ dựa vào các cường quốc nước ngoài để trang bị vũ khí cho hệ thống phòng thủ của mình nữa. Điều này đã đặt nền móng cho các chiến lược phòng thủ hiện đại của Iran, tập trung vào tự lực cánh sinh. Họ bắt đầu tự chế tạo tên lửa đạn đạo và thiết bị bay không người lái, đẩy mạnh chương trình hạt nhân và xây dựng mạng lưới dân quân đồng minh trong khu vực.
Afshon Ostovar, Phó Giáo sư chuyên ngành an ninh quốc gia tại Trường Sau đại học Hải quân Mỹ và là chuyên gia về quân đội Iran, nhận định: "Iran biết rằng họ có thể tồn tại sau một cuộc chiến toàn diện kéo dài. Họ biết rằng họ có thể chịu đựng được nhiều hơn những gì phía Israel có thể chịu đựng". Sự tự tin này bắt nguồn từ việc Iran đã kết thúc cuộc xung đột với Iraq mà không nhượng lại bất kỳ vùng lãnh thổ nào, mặc dù bị cô lập toàn cầu. Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người giữ chức tổng thống trong suốt cuộc chiến, đã tuyên bố đó là một chiến thắng của sự kháng cự.
Về phần mình, Ali Vaez, Giám đốc dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), nhấn mạnh: "[Các nhà lãnh đạo Iran] biết rằng nếu cuộc chiến kết thúc với Tehra ở thế yếu, thì họ sẽ bị thất thế tại bàn đàm phán". Điều này giải thích cho việc Iran vẫn phóng tên lửa vào Israel khi lệnh ngừng bắn sắp có hiệu lực, nhằm đảm bảo vị thế của mình.
Thách thức
Mặc dù đã xây dựng một kho tên lửa đáng gờm, các nhà phân tích chỉ ra rằng Iran đã "quá tự mãn" trong việc phát triển hệ thống phòng không để bảo vệ. Giáo sư lịch sử Iran Ali Ansari từ Đại học St. Andrews, Scotland, cho biết: "Họ đã có cái nhìn quá mức về ý nghĩa của thành tựu trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq đối với tương lai. Họ chưa thực sự hiểu được tác động của một cuộc chiến tranh trên không thực sự sẽ như thế nào". Điều này thể hiện rõ khi tên lửa Israel trút xuống Tehran mà không có còi báo động hay nơi trú ẩn cho người dân.
Hơn nữa, phương tiện răn đe quan trọng khác của Iran – lực lượng dân quân thân Tehran trong khu vực – đã bị suy yếu bởi các cuộc tấn công của Israel và không thể can thiệp, khiến Iran dễ bị tổn thương hơn. Chuyên gia Ostovar nhận định: "Iran không còn khả năng răn đe và lực lượng vũ trang dường như không được thiết kế để thực sự chiến đấu trong một cuộc chiến tranh thông thường. Thứ duy nhất mà Iran thực sự có khả năng chiến đấu là tên lửa và thiết bị bay không người lái của họ".
Mặc dù đối mặt với những tổn thất đáng kể trong cuộc chiến với Iraq và sự cô lập từ phương Tây trong quá khứ, Iran vẫn tuyên bố chiến thắng và tuyên bố sẽ tiếp tục làm giàu uranium. Arash Azizi, nhà sử học Iran, cho rằng: "Chiến lược này của Iran ảnh hưởng đến họ ngày nay. Không quá khó để thấy lý do tại sao một số người ủng hộ vũ khí hạt nhân và tại sao Iran cần có ngành công nghiệp quốc phòng riêng".
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bi-mat-suc-manh-iran-sau-40-nam-tu-chien-tranh-iraq-den-xung-dot-voi-israel-20250707220509888.htm