Khi lần đầu trình diễn một tính năng đột phá vào tháng 5.2024, cho phép người dùng trò chuyện với AI như đang nói chuyện với người thật, có vẻ OpenAI đã làm điều đó một cách ăn ý với đối tác và nhà đầu tư lớn nhất là Microsoft. Ngay sau khi OpenAI giới thiệu khả năng đàm thoại bằng giọng nói trong mô hình AI mới GPT-4o, Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella đã đưa nó vào bài phát biểu quan trọng tại hội nghị dành cho nhà phát triển Build của công ty.
Song đằng sau hậu trường, Microsoft chỉ biết đến tính năng này vài ngày trước buổi trình diễn, những người trong cuộc tiết lộ với trang Insider.
Dù thỏa thuận giữa hai công ty cho phép Microsoft truy cập vào công nghệ của OpenAI, nhưng chính xác thì OpenAI phải chia sẻ những gì và khi nào lại là vùng xám.
Vùng xám ám chỉ việc không có ranh giới rõ ràng hoặc quy định cụ thể trong thỏa thuận giữa hai công ty về việc OpenAI phải chia sẻ những công nghệ gì và khi nào cho Microsoft.
Trong trường hợp này, Microsoft có thể tiếp cận các bản cập nhật thường xuyên của mô hình AI lõi, nhưng không có quyền với công nghệ giọng nói mà OpenAI xây dựng trên nền tảng đó.
Theo nguồn tin, Microsoft chỉ biết đến bản demo vào phút chót và đã gây áp lực lên ban lãnh đạo OpenAI, gồm cả giám đốc công nghệ khi đó là bà Mira Murati, để được tiếp cận mã nguồn, nhằm có thể công bố một thông báo riêng. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ không muốn xuất hiện chậm chạp trong mắt nhà đầu tư mà hãng phải chứng minh tính hiệu quả của việc đổ hơn 13 tỉ USD vào OpenAI.
Ví dụ này cho thấy sự phức tạp đang diễn ra trong mối quan hệ Microsoft - OpenAI và tại sao quyền truy cập vào công nghệ của công ty khởi nghiệp AI này lại là một vấn đề cốt lõi trong quá trình hai bên đàm phán lại thỏa thuận.
OpenAI đang cần sự chấp thuận của Microsoft để tái cấu trúc công ty. Để đạt được điều đó, OpenAI có thể phải thuyết phục Microsoft thay đổi hoặc từ bỏ một số điều khoản có lợi. Microsoft hiện có quyền truy cập vào phần lớn công nghệ của OpenAI, độc quyền phân phối chúng trên nền tảng Azure, quyền ưu tiên cung cấp tài nguyên điện toán và một thỏa thuận chia sẻ doanh thu trị giá hàng tỉ USD.
Nhiều chi tiết gai góc trong quá trình đàm phán đã gây chú ý gần đây, chẳng hạn điều khoản tồn tại mang tính đe dọa mà OpenAI có thể kích hoạt để cắt quyền truy cập của Microsoft, hoặc phương án cuối cùng mà lãnh đạo công ty này từng cân nhắc là cáo buộc Microsoft có hành vi độc quyền. Ngoài ra, rộ tin Microsoft sẵn sàng rút lui khỏi vòng đàm phán.
Đáp lại những tin đồn đó, Microsoft và OpenAI đã đưa ra tuyên bố chung: "Đàm phán vẫn đang tiếp tục và chúng tôi lạc quan rằng hai bên sẽ tiếp tục cùng nhau xây dựng trong nhiều năm tới".
Những người thân cận Microsoft nói với Insider rằng gã khổng lồ phần mềm khó lòng từ bỏ vì phụ thuộc sâu sắc vào tài sản trí tuệ của OpenAI, và đây là cơ hội để cải thiện, mở rộng quyền truy cập vào công nghệ này.
Satya Nadella (phải) và Giám đốc điều hành Sam Altman của OpenAI đứng chung sân khấu tại một sự kiện - Ảnh: Getty Images
Tất cả xoay quanh tài sản trí tuệ
Microsoft đã hưởng lợi rất nhiều từ thỏa thuận truy cập quyền sở hữu trí tuệ của OpenAI, từ việc bán lại cho khách hàng thông qua dịch vụ Azure OpenAI đến việc tạo ra sản phẩm riêng như trợ lý AI Copilot. Tuy nhiên, vẫn có giới hạn trong những gì hai bên xem là "tài sản trí tuệ".
Ví dụ, Microsoft được quyền truy cập vào các thành phần quan trọng của mô hình OpenAI như trọng số mô hình (giúp xác định đầu ra AI) và mã suy luận (hướng dẫn mô hình sử dụng dữ liệu), theo nguồn tin. Một số yếu tố lại không được coi là tài sản trí tuệ, như thông tin sản phẩm hay giao diện người dùng. Việc OpenAI phải chia sẻ công nghệ tại thời điểm nào là tùy thuộc vào cách diễn giải.
Azure OpenAI là dịch vụ do Microsoft cung cấp trên nền tảng điện toán đám mây Azure, cho phép các doanh nghiệp và nhà phát triển truy cập và tích hợp các mô hình AI tiên tiến của OpenAI vào ứng dụng, sản phẩm hoặc quy trình làm việc của họ.
Đầu ra là kết quả mà mô hình AI tạo ra sau khi xử lý một yêu cầu đầu vào từ người dùng.
Một người am hiểu hoạt động của OpenAI cho biết công ty không cần chia sẻ những gì đang phát triển cho đến khi hoàn thành - điều vốn rất chủ quan.
"Bạn có thể đảm bảo chia sẻ với Microsoft trễ nhất có thể, để họ vẫn kịp công bố, nhưng khiến việc xây dựng sản phẩm tương tự trở nên cực kỳ khó khăn", người này nói.
Chưa kể, có quyền truy cập tài sản trí tuệ không đồng nghĩa với việc biết cách sử dụng nó. Điều này hóa ra khó hơn dự đoán, theo nhiều nguồn tin. OpenAI đã tỏ ra khó chịu khi Microsoft yêu cầu giải thích chi tiết công nghệ cho nhân viên của họ. Đôi khi Microsoft còn không biết nên hỏi gì từ OpenAI.
Microsoft đã thành lập đơn vị AI mới hai năm trước và thuê Mustafa Suleyman (cựu giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp Inflection, đồng sáng lập DeepMind) để lãnh đạo. Việc tuyển dụng này nhằm giảm sự phụ thuộc vào OpenAI sau khi Giám đốc điều hành Sam Altman bị sa thải trong vài ngày trước khi được phục chức, khiến Satya Nadella chịu áp lực từ hội đồng quản trị Microsoft cần đa dạng hóa nguồn lực AI. Tuy nhiên, theo nguồn tin, nỗ lực này vẫn chưa giúp Microsoft giảm được sự phụ thuộc vào OpenAI.
Mustafa Suleyman đã xây dựng lại toàn bộ ứng dụng Copilot của Microsoft, nhưng mức độ tăng trưởng vẫn còn hạn chế. Đội ngũ của ông tập trung vào mô hình nhỏ hơn và đạt một số thành công trong việc huấn luyện lại mô hình hiện tại cho mục đích mới. Nhìn chung, Microsoft không cố xây dựng mô hình tiên tiến để cạnh tranh trực tiếp với OpenAI, mà vẫn tiếp tục đổ nguồn lực vào “cha đẻ ChatGPT”, theo nguồn tin của Insider.
Microsoft không quá lo về AGI, độc quyền, Windsurf
Một số điểm tranh cãi khác cũng xuất hiện trên báo chí gần đây nhưng không quá đáng ngại với Microsoft, theo các nguồn tin thân cận.
Thỏa thuận giữa hai bên có điều khoản cho phép OpenAI khi tuyên bố đã đạt được AI tổng quát (AGI) thì sẽ cắt quyền truy cập từ Microsoft vào tài sản trí tuệ và lợi nhuận của công ty khởi nghiệp này.
OpenAI định nghĩa AGI là "một hệ thống tự động cao có thể hoạt động tốt hơn con người trong hầu hết các công việc có giá trị kinh tế".
Song vì khái niệm AGI quá mơ hồ nên Microsoft hoàn toàn có thể kiện và khiến OpenAI vướng vào tranh chấp pháp lý kéo dài nhiều năm.
Ngoài ra, còn có khái niệm "AGI đủ mạnh", khi công nghệ này đạt mức lợi nhuận nhất định, nhưng OpenAI cần sự đồng ý của Microsoft để công nhận điều đó.
Một điểm vướng mắc khác là mong muốn của OpenAI trong việc mua lại công ty khởi nghiệp trợ lý lập trình AI có tên Windsurf. Theo thỏa thuận hiện tại, Microsoft sẽ có quyền truy cập công nghệ của Windsurf nếu thương vụ thành công. Microsoft cho biết sẽ đồng ý với thương vụ, nhưng Varun Mohan (Giám đốc điều hành Windsurf) lại không muốn chia sẻ công nghệ với Microsoft. Song với Microsoft, việc tiếp cận công nghệ Windsurf không quá quan trọng và họ có thể chấp nhận loại trừ tài sản trí tuệ của công ty này khỏi thỏa thuận mới.
OpenAI được cho từng cân nhắc cáo buộc Microsoft có hành vi độc quyền. Thế nhưng, Microsoft không mấy bận tâm, vì thỏa thuận hiện tại đã được các cơ quan chống độc quyền như Liên minh châu Âu và Cơ quan Cạnh tranh Vương quốc Anh xem xét trước đó.
Một phần lý do OpenAI muốn tái cấu trúc là để đáp ứng thời hạn từ nhà đầu tư SoftBank (Nhật Bản), vì nếu không đạt được thỏa thuận trước cuối năm 2025, một phần vốn có thể bị rút. OpenAI cho biết gặp khó khăn trong việc huy động vốn do cấu trúc công ty quá phức tạp.
Dù vậy, SoftBank vốn nổi tiếng với những khoản đầu tư rủi ro và Giám đốc điều hành Masayoshi Son của tập đoàn Nhật Bản này rất quan tâm đến OpenAI, nên một số người nghi ngờ rằng họ sẽ thực sự rút vốn nếu thỏa thuận mới không đạt được.
Sơn Vân