Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Ảnh: Getty.
Iran tuyên bố sẵn sàng nối lại đối thoại hạt nhân với Mỹ, nhưng chỉ khi Washington đưa ra các cam kết bảo đảm an ninh, sau loạt không kích của Mỹ và Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân của nước này, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết.
Vòng đàm phán gián tiếp thứ sáu, dự kiến diễn ra vào ngày 15/6 tại Oman, đã bị hủy chỉ hai ngày trước đó sau khi Israel tiến hành các đợt không kích nhằm vào cơ sở hạt nhân và các chỉ huy cấp cao của Iran, một hành động mà Tehran gọi là “lời tuyên chiến.”
Cuộc đối thoại này, vốn được Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khởi động đầu năm nay, đã sụp đổ sau loạt tấn công. Washington gia nhập chiến dịch quân sự vào ngày 22/6, sử dụng máy bay ném bom hạng nặng tấn công các cơ sở hạt nhân trọng yếu của Iran. Sau đó, ông Trump tuyên bố những mục tiêu này đã bị “phá hủy hoàn toàn”, nhưng nhiều hãng truyền thông đã bác bỏ tuyên bố này.
Trong một cuộc phỏng vấn bằng văn bản với tờ Le Monde đăng ngày thứ Năm, ông Araghchi lên án các cuộc tấn công là vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời cáo buộc chính Mỹ đã đơn phương rút khỏi bàn đàm phán và chọn con đường quân sự.
Dù vậy, ông khẳng định Tehran vẫn cam kết với con đường ngoại giao, nhưng bất kỳ nỗ lực đàm phán nào trong tương lai “phải dựa trên nguyên tắc trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau và – quan trọng nhất – các “cam kết chống lại bất kỳ hành động tấn công nào”.
Ông Araghchi tiết lộ rằng, dù căng thẳng leo thang, các cuộc trao đổi ngoại giao vẫn đang tiếp diễn qua các bên trung gian.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong tuần này tuyên bố rằng Tổng thống Trump vẫn cam kết duy trì hòa bình với Iran. “Cam kết của chúng tôi vẫn kiên định trong suốt các xung đột, và đây là thời điểm để Iran nắm bắt cơ hội đó”, phát ngôn viên Tammy Bruce nói với báo giới.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Trump, ông Araghchi đáp: “Nói rằng một chương trình đã bị tiêu diệt hoàn toàn là đánh giá sai lệch”, và cho biết Tehran vẫn đang đánh giá thiệt hại và có thể sẽ yêu cầu bồi thường.
Washington từ lâu yêu cầu Iran chấm dứt toàn bộ chương trình làm giàu uranium, một đòi hỏi mà Tehran coi là “điều kiện phá vỡ thỏa thuận”. Ông Araghchi khẳng định chương trình hạt nhân của Iran vẫn hoàn toàn hòa bình, hợp pháp và nằm dưới sự giám sát liên tục của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Hiện tại, Iran đang làm giàu uranium tới mức 60% độ tinh khiết, cao hơn nhiều so với giới hạn 3,67% được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, vốn đã trở nên vô hiệu sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận dưới thời Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên.
“Mức độ làm giàu uranium được xác định dựa trên nhu cầu của Iran”, ông Araghchi nói, và nhấn mạnh rằng “việc nâng cấp mức độ làm giàu là để chứng minh rằng đe dọa và gây áp lực không thể mang lại giải pháp”.
Ngoại trưởng Iran cũng bác bỏ khả năng đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo, gọi đó là “hoàn toàn mang tính phòng thủ và răn đe”, đồng thời tuyên bố: “Thật vô lý khi kỳ vọng Iran từ bỏ năng lực phòng thủ của mình trong bối cảnh hiện tại”.
Huyền Chi