Trung tá Dương Kim Tuấn chia sẻ về kinh nghiệm điều hành công việc trên địa bàn rất rộng do đơn vị quản lý.
Môi trường, vị trí nào cũng học
Bí quyết ấy, là sự ham việc, ham học, để một dạo anh em đồng chí thấy đèn phòng đồng chí Tuấn sáng hết đêm. Đó là khi vừa làm vừa thấy nhiều cái hay, phải học cho biết. Cũng là khi thủ trưởng giao việc, phải hoàn thành chu đáo. Cho nên nói là 12 tiếng một ngày là tượng trưng thôi, khi có những giai đoạn còn hơn thế.
Đấy là hồi làm nhân viên, rồi phó phòng, trưởng phòng. Rồi sau này khi là giám đốc chi nhánh hay sang công ty lớn hơn và bây giờ đứng đầu một trong những đơn vị đầu đàn của binh đoàn, thì mình lại phải ở cái vai trò của nhà quản lý mà tận tụy với anh em, với người lao động. Như thế là cái bí quyết ấy đã trở nên sự bảo toàn cho tổng thể rồi! Và khi đó, như ở chính thời điểm hiện tại, thì dường như, cái sự tượng trưng 12 tiếng đó cũng không đổi. Bởi làm chuyên môn thì có tính độc lập nhất định. Nhưng lãnh đạo thì nhân lên cả chuyên môn, cả công tác chính trị và quân sự. Và như thế thì gần như không giờ nào là không có việc.
Như thế này nhé, anh Tuấn phân tích, ở đơn vị trước, đóng quân trên địa bàn 1 huyện - 1 xã, bây giờ trải ra trên tận 6 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Đức Cơ và Ia Grai của tỉnh Gia Lai, lại có cả cơ sở ở xã bên kia biên giới thuộc nước bạn Campuchia, thì quy mô quá là khác rồi, nó quyết định đến tính chất công việc trong bao quát, nắm bắt các địa bàn, con người, cả tình hình kinh tế-xã hội, an ninh, chính trị địa phương. Sâu xa nữa, mà cũng thiết thực lắm! Đấy là ở nơi cũ, chỉ đang duy trì một loại cao su đang khai thác. Sang bên này, có cả ba nhóm đang khai thác từ năm thứ nhất đến năm thứ 10, năm thứ 10 đến 15 và từ 15 đến 17, 18 năm.
Song song đó lại có những khu vực trồng mới qua các năm và cả trồng mới ngay trong năm 2024 này. Hàng loạt các kiểu loại cây trồng cao su như thế, đòi hỏi cách quản lý, khai thác vừa bảo đảm năng suất, sản lượng, vừa duy trì độ bền vững, lâu dài, để cây mới gối cây cũ, cải tạo đất song song trồng, chăm, thu hoạch. Như thế mới đáp ứng yêu cầu sản lượng cấp trên giao, mà ngược lại, mới tạo đủ công ăn việc làm đều đặn cho hàng nghìn con người. Ấy cũng là hàng nghìn gia đình, hàng trăm trường hợp có con nhỏ, có học hành, thu vén và đủ các nhu cầu xã hội.
Có điều này nữa, anh Tuấn tính chi li hơn mới càng thấy đáng cảm kích. Các năm tới đang phải thanh lý nhiều vườn cao su già, phải thay thế, trồng mới làm sao để giữ được diện tích lớn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của bà con. Người lao động sẽ tâm tư chứ! Ngay khi mới đây về Công ty 75, giám đốc mới đã định hướng cùng anh em nghiên cứu tăng thu nhập cho công nhân. Đơn giá tiền lương và sản phẩm tăng, đơn vị đã tính giá sản phẩm thu mua mủ nước và mủ tạp cho bà con được cao hơn. Đã nhận được những phản hồi tích cực, bà con vui hơn, hăng hái hơn, Trung tá Dương Kim Tuấn cho biết.
Làm sao để nâng được thu nhập cho bà con là điều mà những người lính làm nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng như anh Tuấn luôn suy nghĩ và đặt mục tiêu.
Học ngay từ đất và người quanh mình
Tôi hỏi anh có ngợp không với một khối lượng lớn về địa bàn, diện tích, nhân sự, con người và cấp tập những đầu việc như thế! Hẳn cũng phải có gì đó quá tải mới… đúng chứ! Thì đồng chí giám đốc cũng mỉm cười chân thật, khó thật đấy chứ, được giao về đơn vị lớn, có bề dày, làm việc bài bản, nề nếp qua các đời giám đốc, tôi cũng có bất ngờ! Nhưng cũng có sự an tâm bởi nhờ quá trình tích lũy nên mình cũng hiểu việc. Nhìn lại những năm làm công tác tài chính, kế toán ở binh đoàn, anh Tuấn lại có dịp thường xuyên theo đoàn đi kiểm tra, nghiệm thu ở tất cả các đơn vị. Nhờ đó mà nhận ra mỗi đơn vị có những đặc điểm khác nhau về địa bàn, cách làm. Mình đã hiểu ở đây rồi, mọi người cũng đã biết mình rồi, nên ngay từ đầu đến giờ đã thuận lợi trong phối hợp.
Tôi muốn biết anh đã hiểu gì về anh em ở đơn vị mà anh cũng mới trở lại thôi! Đấy chính là các anh em chỉ huy các đội sản xuất - anh Tuấn nói bằng giọng khâm phục: Họ có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất ở đơn vị, nắm địa bàn chắc và quan hệ tốt với địa phương, gắn bó với các thôn, xóm, nhiều anh em nói được tiếng đồng bào. Khi có gì phát sinh không mong muốn, cuộc điện thoại là có thể giải quyết được.
Nhưng cuộc điện thoại là khi có tình huống. Còn trong làng, ai uy tín, thậm chí tay nào ương bướng là anh em người ta nắm được cả. Có cậu nào nghịch ngợm cũng phải tiếp xúc, phải gần để hiểu nhau mà không bị khó dễ. Nhỡ nảy sinh những trường hợp càn quấy, phá rối thì có khi còn nhờ chính các anh em thanh niên chúng nó bảo nhau.
Với hơn 2.000 người lao động như thế, hàng loạt anh em phân bổ ra các thôn, xã như vậy, và không loại trừ lãnh đạo công ty, bản thân ban chỉ huy và cán bộ các phòng, ban cũng duy trì đều chương trình “Thức đêm cùng người lao động”, thì một cá nhân ngay cả giám đốc, làm sao không thấy sự ràng buộc liên tục của mình vào đó cho được! “Tôi ở đơn vị liên tục, lâu về nhà cũng là tranh thủ thôi”, anh Tuấn chia sẻ, “vì nhiều việc cần xử lý. Người lao động ốm đau, ngã xe, gia đình công nhân có ai đau ốm…, đêm mình vẫn phải nắm bắt, điều xe cứu thương chứ!”. Rồi chuyện khác nữa phức tạp hơn, tháng qua cũng có vấn đề về đất đai vì ở khu vực đất đang trồng mới cũng dễ xảy ra lấn chiếm, cho nên phải kiểm tra, nắm bắt và giải quyết kịp thời.
Nhiều vườn cao su do bộ đội và đồng bào chăm sóc, khai thác góp phần đem lại sự no ấm, ổn định trên cao nguyên.
Lao vào thực tế tìm đáp án
Cái tác phong sâu sát, bám nắm, gần gũi đó, ngẫm ra cũng không riêng của đồng chí giám đốc. Có lẽ từ sâu xa chính từ truyền thống của một binh đoàn mà những người trưởng thành từ nhân viên cho đến cán bộ chỉ huy, quản lý như Trung tá Dương Kim Tuấn là những người thực hành tâm huyết. Công ty 75 này, cùng hai đơn vị nữa đứng chân trên địa bàn huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai là Công ty 74 và Công ty 72, rộng hơn là cả Binh đoàn 15 mấy thập kỷ gắn bó với Tây Nguyên, chẳng phải chính là những tập thể lớn đã góp sức khai phá, góp nền tảng đời sống mới cho miền cao nguyên này khi đất đai còn vương khói súng. Chính binh đoàn và các đơn vị của mình trong những năm tháng làm nên các vườn rừng cao su xanh tốt, quy tụ và đem lại no ấm cho đông đảo người lao động, đồng bào nơi đây, đã chung tay tạo gốc xây dựng nên các chính quyền huyện, xã, cộng đồng cơ sở.
Trung tá Dương Kim Tuấn hiểu điều đó, nên trong công việc liên tục mỗi tuần của anh có kế hoạch đi các đội sản xuất, có đi kiểm tra đêm động viên bà con cạo mủ cao su, có gặp gỡ, thăm hỏi đồng bào. Đấy là thường xuyên đối với những người lính nông nghiệp, người lính nông dân, những người bộ đội trồng cao su để làm sung túc cuộc sống, bảo vệ đất, bảo vệ người nơi những vùng biên cương xa xôi của Tổ quốc.
Bí quyết gì nữa mà anh muốn chia sẻ cùng đồng nghiệp, nhất là các đồng chí thế hệ tiếp nối trong tập thể lớn của mình? - Phải lao vào công việc! Ngồi tính toán, đắn đo, lo sợ hơn thiệt thì không ra được. Vào thực tế sẽ tìm ra câu trả lời! Có thể anh đã giỏi rồi, có thể chưa, nhưng nếu làm vì tập thể, làm hết trách nhiệm của mình thì sẽ giữ được đoàn kết, khơi được sự chung sức của mọi người. Từ đó mà tạo ra thay đổi! Đó là câu trả lời của người có khuôn mặt hiền lành, trầm trầm, đeo cặp kính cận với phong thái thong thả sau cuộc trò chuyện với tôi, trước khi anh chào để đi xem một số khu vực cao su đang trồng mới.
Nguyễn Quang Hưng