Ông Lương Tấn Đạt (ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) có 4 ao nuôi cá bống tượng, mỗi ao khoảng 1.500m2. Ông luôn thả nuôi 3 ao, còn 1 ao cải tạo sẵn sàng để đó. Cái ao để không chính là bí quyết đảm bảo cho thành công của lão nông.
"Mùa mưa, nước ngọt cá bống tượng chậm lớn là tôi thả cá ra vuông tôm. Khi đó, cá sinh sản rất nhanh, tới đầu mùa khô, tát vuông thu gom cá lại phân cỡ đưa vào ao nuôi. Nếu thấy cá có biểu hiện bệnh là chuyển cá sang ao khác sẽ hiệu quả nhất, thuốc men dùng ít thôi. Khi nuôi thì phải chuẩn bị sẵn ao trống, để lỡ cá có bệnh thì mình tát, sang ao mới liền" - ông chia sẻ.
Nhờ nuôi cá bống tượng mà kinh tế gia đình ông Đạt ngày càng khá hơn
Ông Đạt đã nuôi cá bống tượng được 15 năm và cũng là người đầu tiên thực hiện mô hình tại xã Phú Mỹ. Theo phân tích của lão nông, cá bống tượng nuôi theo kiểu công nghiệp mật độ khá dày, khi chúng bị bệnh các loại vi khuẩn, virus gây bệnh lây lan nhanh chóng trong nguồn nước. Việc phân tách cá nào có nguồn bệnh, không bệnh ra khỏi ao là không khả thi. Khi đó, chỉ cần bỏ riêng những con cá có biểu hiện nặng, bị lở loét ra, còn lại chuyển toàn bộ sang ao mới. Môi trường nước sạch sẽ giúp cá nhanh chóng kháng bệnh, tự phục hồi.
Chính bí quyết nuôi nêu trên, cùng với việc tận dụng nguồn cá tạp có sẵn trong vuông tôm làm thức ăn cho cá bống tượng mà gia đình ông Lương Tấn Đạt có nguồn thu nhập cao. Ông Đạt cho hay, vừa qua, gia đình thu hoạch 1 ao cá, tiếp tục có lãi tốt. Mấy năm đầu tiên nuôi trúng dữ lắm, tôi nuôi từ năm 2010. Nuôi cá bống tượng có mồi thì cho ăn thường xuyên, không có mồi 2 – 3 ngày cho ăn bữa cũng được. Hôm bữa tôi lên 1 ao, lựa cá bự bán được gần 60 triệu, nếu bán hết chắc cũng được khoảng trăm triệu.
Ông Lương Tấn Đạt là cựu chiến binh, năm nay đã 78 tuổi nhưng vẫn đang phát huy tinh thần hăng say lao động của người lính trong thời bình. Ông nói: “Chừng nào nuôi cá hết nổi mới thôi. Làm riết nó quen rồi, nghỉ không được, khó chịu lắm. Thấy sức khỏe còn được thì mần thôi. Thằng con trai thì nó làm nghề cân cua, tôm; thấy nó đi xuất thì mình đi đổ lú cho nó luôn, chứ khỏi thức khuya thức hôm. Lao động được thấy khỏe, lao động là vinh quang mà, nằm không chịu không nổi".
Ông Lương Tấn Đạt nuôi cá bống tượng từ năm 2010
Ông Đạt trong kháng chiến đã có nhiều đóng góp và được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Về với thời bình, ông không chỉ gương mẫu lao động mà còn luôn sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm mình đã đúc kết được, giúp bà con nhân dân cùng phát triển nuôi cá.
Ông Phan Văn Hung, Cựu chiến binh xã Phú Mỹ đánh giá: Ở đây, anh Hai Đạt gần như đứng đầu trong làm kinh tế ở địa phương. Gia đình anh kinh tế phát triển là nhờ nuôi cá bống tượng, nuôi tôm hiệu quả cũng khá nhưng không bằng. Mỗi năm ba hầm cá của anh lợi nhuận khoảng 150 triệu. Người ta cũng có 3ha đất như nhà anh mà không nuôi cá bống tượng là thấy thua xa rồi. Ở đây thì trước nay nhà nào cũng nuôi tôm rồi, nên khi nhà anh nuôi cá bống tượng thành công thì nhiều người học hỏi, phát triển theo. Xã mà đưa ra quy định gì gia đình anh cũng thực hiện tốt, trong Hội cựu chiến binh cũng như vậy, bởi gia đình có truyền thống cách mạng.
Lão nông ngày ngày vẫn đi thăm vuông tôm
Cựu chiến binh Lương Tấn Đạt đã mở một hướng đi, khi đi đầu nuôi cá bống tượng ở địa phương. Nhờ đó, gia đình ông ngày càng khá giả. Nhiều người dân địa phương đã học hỏi mô hình nuôi cá của người cựu chiến binh để phát triển kinh tế. Bí quyết thành công của ông là dám làm để đúc kết kinh nghiệm và luôn hăng say lao động.
Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL