Bí quyết làm đẹp da tự nhiên từ loại thực phẩm có sẵn trong bếp

Bí quyết làm đẹp da tự nhiên từ loại thực phẩm có sẵn trong bếp
10 giờ trướcBài gốc
Mật ong được ưa chuộng sử dụng để chăm sóc da tự nhiên. Ảnh minh họa: Adonyi Gábor/Pexels.
Mật ong, loại thực phẩm ngọt và dẻo do ong tạo ra, không chỉ đơn thuần là một nguyên liệu thơm ngon cho tách trà buổi chiều hay ly sữa nghệ buổi tối.
"Những người yêu thích chăm sóc da tự nhiên thường ca ngợi mật ong nhờ vào nhiều lợi ích đối với làn da", bác sĩ Kemi Fabusiwa từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết.
Và với những phản hồi tích cực có từ năm 2000 TCN, các đặc tính trị liệu của mật ong rất đáng được cân nhắc. Từ mụn trứng cá và khô da đến sự mất cân bằng pH và tông da không đều, việc thoa mật ong lên da có thể là chìa khóa để cải thiện làn da, Vogue đưa tin.
Mật ong chứa các enzym tự nhiên và có đặc tính hút ẩm, giúp hấp thụ và giữ nước cho da. "Loại thực phẩm này có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên, có thể giúp chống lại một số loại vi khuẩn liên quan đến mụn trứng cá", bác sĩ Fabusiwa cho biết.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ da liễu có chứng nhận Chris Tomassian, mật ong là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể bảo vệ da khỏi tác hại của các gốc tự do từ ô nhiễm môi trường và làm giảm dấu hiệu lão hóa. Ông còn cho biết mật ong chứa flavonoid, giúp giảm các chỉ số gây viêm, do đó có thể làm giảm tình trạng viêm da.
Ngoài mật ong, sáp ong và sữa ong chúa cũng mang lại nhiều lợi ích cho làn da. Ảnh minh họa: Solodsha/Pexels.
Tuy nhiên, không phải loại mật ong nào cũng giống nhau trong việc chăm sóc da. Lựa chọn mật ong nào còn phụ thuộc vào vấn đề da cụ thể.
"Chẳng hạn, mật ong Manuka nổi tiếng với đặc tính kháng khuẩn vượt trội, đặc biệt có lợi cho da dễ bị mụn hoặc viêm", bác sĩ Tomassian giải thích. Mật ong Manuka được hỗ trợ bởi nhiều nghiên cứu và thậm chí còn được sử dụng trong điều trị vết thương ở nhiều nơi trên thế giới.
Bác sĩ Brendan Courneene, chuyên về liệu pháp tự nhiên, cho biết lợi ích của mật ong thay đổi tùy theo nguồn hoa địa phương. Mật ong hoa oải hương có tác dụng làm dịu, thích hợp với các tình trạng da như vảy nến và chàm (luôn kiểm tra trước trên một vùng da nhỏ); mật ong hoa cam có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, lý tưởng để làm sáng da và giảm thâm nám; mật ong cỏ xạ hương có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, có thể hỗ trợ trong việc điều trị mụn.
Dù lựa chọn loại nào, mật ong thô, tức chưa qua nhiệt hoặc lọc, vẫn là sự lựa chọn tốt nhất. Mật ong thô giữ lại nhiều enzym tự nhiên, chất chống oxy hóa và dưỡng chất có lợi cho da hơn.
"Hãy đảm bảo rằng mật ong được khai thác bền vững và không chứa tạp chất", bác sĩ Courneene bổ sung.
Bên cạnh mật ong, sáp ong và sữa ong chúa cũng có lợi cho da, nhưng lại khác biệt về hình thức và công dụng. Dù đều được tạo ra từ mật hoa đã qua chế biến và sở hữu các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn như mật ong, chúng có chức năng riêng biệt. Cụ thể, sáp ong là "keo dính" giúp kết nối tổ ong, trong khi sữa ong chúa là chất tiết của ong thợ dùng để nuôi ong chúa.
Các hợp chất phenolic trong sáp ong góp phần mang lại những đặc tính nói trên và có thể được sử dụng dưới dạng chiết xuất bôi ngoài da. Sữa ong chúa được cho là có tác dụng dưỡng ẩm (cũng có tính hút ẩm) và thậm chí có thể thúc đẩy sản xuất collagen nhờ vào một loại axit đặc biệt (10-hydroxy-trans-2-decenoic).
"Nếu lựa chọn thoa mật ong lên da, cách tốt nhất là thoa một lớp mỏng lên da sạch và khô, để trong khoảng 15-20 phút trước khi rửa lại bằng nước ấm", bác sĩ Fabusiwa đưa ra lời khuyên.
Bác sĩ Courneene đồng tình với phương pháp này. Để tạo mặt nạ tự chế, có thể trộn mật ong với sữa chua, bột yến mạch hoặc đất sét trước khi thoa lên da, sau đó rửa sạch (cũng sau 15-20 phút) bằng chất tẩy da chết nhẹ hoặc sữa rửa mặt dịu nhẹ.
"Do tác dụng trên da có thể khác nhau, nên việc thử nghiệm là điều cần thiết. Đối với các tình trạng da sẵn có hoặc vấn đề cụ thể, nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi đưa mật ong vào quy trình chăm sóc da", bác sĩ nói.
Ánh Dương
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/bi-quyet-lam-dep-da-tu-nhien-tu-loai-thuc-pham-co-san-trong-bep-post1530670.html