Bí quyết ngăn ngừa biến chứng răng miệng ở người bệnh tiểu đường

Bí quyết ngăn ngừa biến chứng răng miệng ở người bệnh tiểu đường
10 giờ trướcBài gốc
Người bệnh tiểu đường dễ mắc bệnh răng miệng
Khi lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, các biến chứng răng miệng như sâu răng, khô miệng, viêm lợi, viêm nha chu… có thể xuất hiện và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, việc phát hiện sớm để ngăn ngừa biến chứng răng miệng ở người bệnh tiểu đường là vô cùng quan trọng.
Trên thực tế, người bệnh tiểu đường dễ mắc bệnh răng miệng như viêm lợi, viêm nha chu… hơn người bình thường. Nếu vệ sinh răng miệng không tốt, tình trạng bệnh có thể tiến triển nặng nề hơn khi không được điều trị kịp thời, dẫn đến lung lay răng và mất răng.
Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương và làm hẹp các mạch máu, hạn chế lưu lượng máu đến nuôi dưỡng lợi răng. Lợi răng thiếu oxy và chất dinh dưỡng, dẫn đến suy yếu, dễ bị tổn thương viêm nhiễm hơn.
Bệnh đái tháo đường khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng răng lợi và mắc bệnh nha chu. Bệnh nha chu tiến triển nặng có thể dẫn đến tiêu xương, lung lay răng và mất răng, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống do giảm khả năng nhai.
Khi lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, các biến chứng răng miệng như sâu răng, khô miệng, viêm lợi, viêm nha chu… có thể xuất hiện.
Ngoài ra, ghi nhận cho thấy lượng đường trong máu cao tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ trong khoang miệng, hình thành mảng bám trên răng. Khi các mảng bám không được loại bỏ kịp thời, chúng sẽ chuyển hóa thành axit, tấn công tổ chức cứng của răng dẫn đến sâu răng.
Bệnh nhân tiểu đường cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tưa miệng, nấm miệng, khô miệng và các viêm loét miệng khác.
Một số dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh răng miệng ở người tiểu đường bao gồm:
Thường xuyên bị chảy máu chân răng.
Khi ăn uống, nhai thức ăn bị đau hàm.
Bị tụt lợi.
Giữa các kẽ răng và nướu răng xuất hiện mủ.
Răng không chắc, bị lung lay.
Hơi thở có mùi hôi.
Ngăn ngừa biến chứng răng miệng ở người tiểu đường
Người tiểu đường có nguy cơ cao mắc các bệnh lý răng miệng do lượng đường trong máu cao tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Để phòng ngừa các biến chứng răng miệng nguy hiểm, người bệnh cần chú trọng đến chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, kiểm soát đường huyết và chăm sóc răng miệng hàng ngày đúng cách:
Kiểm soát tốt đường huyết
Việc kiểm soát tốt đường huyết ở người tiểu đường vô cùng quan trọng. Người bệnh cần theo dõi đường huyết thường xuyên để phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời các biến động, ngăn ngừa biến chứng.
Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ: Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý.
Cần chú ý chăm sóc răng miệng
Để phòng biến chứng răng miệng, người bệnh cần đặc biệt chú ý:
Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày: sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ bằng kem đánh răng có chứa fluoride để phòng ngừa bệnh sâu răng và viêm lợi. Sử dụng bàn chải lông mềm, chải kỹ lưỡng từng kẽ răng và các bề mặt của răng. Chú ý phải thay bàn chải mới khi lông bàn chải tòe, mòn hoặc xơ cứng. Tập thói quen sử dụng chỉ tơ nha khoa hàng ngày để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa trong kẽ răng, ngăn ngừa sâu răng và viêm lợi vùng kẽ. Khám răng miệng định kỳ mỗi 6 tháng/lần nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề răng miệng, ngăn ngừa biến chứng tiến triển trầm trọng hơn.
Chế độ ăn uống hợp lý
Người tiểu đường cần tuân thủ chế độ ăn hợp lý:
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột vì đường là nguồn thức ăn cho vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm lợi. Bổ sung trái cây, rau xanh cung cấp vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng. Uống đủ nước giúp cơ thể đào thải độc tố, giảm khô miệng, duy trì môi trường khoang miệng lành mạnh.
Tạo thói quen sinh hoạt khoa học
Người tiểu đường cần:
Có thói quen sinh hoạt khoa học, đặc biệt là bỏ hút thuốc lá vì hút thuốc làm giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu, tưa miệng và hôi miệng. Ngủ đủ giấc, không thức khuya giúp cơ thể phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch. Giảm căng thẳng vì stress ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe răng miệng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Tiểu đường biến chứng răng miệng gây rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Phát hiện và điều trị sớm bệnh có thể giúp cuộc sống của người tiểu đường tốt hơn. Vì thế, hãy hành động ngay từ hôm nay để bảo vệ sức khỏe răng miệng của mình.
BS. Nguyễn Văn Hòa
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bi-quyet-ngan-ngua-bien-chung-rang-mieng-o-nguoi-benh-tieu-duong-169250724184108906.htm