Cụ bà Hilda Jaffe mua sắm đồ ở siêu thị
Đã 14 năm trôi qua, hiện tại cụ bà Jaffe 102 tuổi và vẫn sống một mình trong căn hộ này. Từ đây, bà chỉ cần đi qua vài dãy nhà để hòa mình vào ánh đèn rực rỡ và dòng người tấp nập ở Quảng trường Thời đại.
Hơn trăm tuổi nhưng bà Jaffe vẫn nhanh nhẹn, tay xách những túi đồ khi đi bộ từ khu chợ địa phương, di chuyển bằng xe buýt đến gặp bác sĩ hay đến Nhà hát Opera Metropolitan để xem biểu diễn. Bà là minh chứng sống động về một người cao tuổi tự lập.
Bà tự dọn dẹp nhà cửa, tự giặt giũ quần áo, quản lý tiền bạc và giữ liên lạc với gia đình và bạn bè ở xa qua e-mail, WhatsApp và Zoom. Con trai 78 tuổi của cụ sống ở San Jose, California, còn con gái 75 tuổi sống ở Tel Aviv, Israel.
Trong khi nhiều người Mỹ cao tuổi sống một mình gặp phải các vấn đề sức khỏe, tình trạng cô lập và dễ bị tổn thương thì vẫn có những trường hợp đặc biệt như cụ Jaffe. Họ giữ được tinh thần lạc quan và cuộc sống với mức độ hạnh phúc cao.
Sofiya Milman, Giám đốc nghiên cứu tuổi thọ con người tại Viện nghiên cứu lão hóa thuộc Cao đẳng Y khoa Albert Einstein, cho biết những người trên 95 tuổi thường có cái nhìn tích cực về cuộc sống và khả năng kiên cường cao.
Theo các nghiên cứu về chủ đề này, những yếu tố liên quan đến khả năng phục hồi ở người cao tuổi gồm tinh thần lạc quan, niềm hy vọng, khả năng thích nghi với hoàn cảnh thay đổi, các mối quan hệ có ý nghĩa, kết nối với cộng đồng và hoạt động thể chất. Cụ bà Jaffe có đủ những yếu tố đó.
Sống "thực tế" và vận động
Bà Jaffe cho rằng tuổi thọ của mình được định hình bởi 3 yếu tố: Di truyền, may mắn và phương châm sống luôn vận động. Jaffe mô tả bản thân bằng từ "thực tế". Điều đó có nghĩa là hiểu rõ giới hạn của bản thân, chấp nhận những gì mình có thể làm và linh hoạt điều chỉnh khi cần thiết.
Cụ bà Jaffe trong căn hộ của bà ở New York, Mỹ
Sống một mình không chỉ là lựa chọn mà còn là lối sống phù hợp với Jaffe, bởi bà yêu thích sự độc lập và việc tự quyết định mọi thứ. "Nếu có vấn đề gì xảy ra, tôi sẽ tự mình giải quyết", bà nói.
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê Dân số, Mỹ có khoảng 101.000 người sống trên 100 tuổi. Trong nhóm này, 15% sống một mình hoặc sống cùng người thân nhưng vẫn theo cách độc lập.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống đến 102 tuổi. Tôi cũng ngạc nhiên như mọi người khi mình đã sống đến tuổi này. Sống lâu không phải là điều gì thần kỳ. Tôi không làm điều gì để tăng tuổi thọ, nó diễn ra tự nhiên. Mỗi ngày thức dậy, tôi lại già hơn”.
Cụ bà Hilda Jaffe
Đặc biệt, khoảng 20% những người sống trăm tuổi không gặp vấn đề suy giảm thể chất hay nhận thức. 15% khác không mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác như viêm khớp hoặc bệnh tim. Jaffe là một trong số đó.
Ngoại trừ một vài vấn đề sức khỏe nhỏ như trào ngược dạ dày, thỉnh thoảng nhịp tim không đều, loãng xương, đau thần kinh tọa nhẹ và một khối u phổi từng xuất hiện rồi biến mất, bà không mắc bệnh nghiêm trọng. Bà luôn theo dõi sức khỏe chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn từ bác sĩ.
Mỗi ngày, cụ bà cố gắng duy trì thói quen đi bộ 3.000 bước ngoài trời nếu thời tiết đẹp, hoặc quanh hành lang nếu thời tiết xấu. Chế độ ăn của bà đơn giản nhưng đầy đủ: bánh mì, phô mai và cà phê không caffein cho bữa sáng; bánh sandwich hoặc trứng cho bữa trưa; bữa tối thường là thịt gà và rau.
Bà không hút thuốc, không uống rượu và ngủ trung bình 8 tiếng mỗi đêm. Quan trọng hơn, Jaffe luôn kết nối mạnh mẽ với mọi người. Bà thưởng thức các buổi biểu diễn của Nhà hát Opera Metropolitan, dàn nhạc giao hưởng New York Philharmonic, các buổi nhạc thính phòng và thường tham gia triển lãm dự án tại 4 bảo tàng hàng đầu của New York.
Bà cũng duy trì liên lạc với người thân và bạn bè. Bên cạnh đó, bà Jaffe còn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội. Bà là thành viên câu lạc bộ sách của giáo đường Do Thái ở Upper West Side và phục vụ trong ủy ban giáo dục người lớn.
Trong hơn một thập kỷ, bà làm tình nguyện viên hướng dẫn viên tại Thư viện Công cộng New York ở Đại lộ số 5. Cụ bà Jaffe nói: "Cô đơn không phải là vấn đề. Tôi luôn có đủ việc để làm trong khả năng của mình".
Cụ bà Jaffe vẫn có thói quen đọc sách, báo hàng ngày
Tập trung vào tương lai
Khi được hỏi về tương lai, cụ Jaffe không cảm thấy lo lắng bởi bà tập trung sống trọn vẹn mỗi ngày. Thay đổi về quan điểm này thường gặp ở những người ở "tuổi xế chiều".
Laura Carstensen, Giám đốc sáng lập của Trung tâm Tuổi thọ Stanford, người đã nghiên cứu cảm xúc qua các giai đoạn lão hóa trong nhiều thập kỷ, cho biết, tập trung vào hiện tại và trải nghiệm ở hiện tại trở nên quan trọng hơn đối với người lớn tuổi. Họ cũng muốn tận hưởng những điều tích cực trong cuộc sống và giảm lo âu về tương lai.
Carstensen và nhóm nghiên cứu của bà cũng phát hiện rằng, người lớn tuổi có khả năng phục hồi cảm xúc tốt hơn, đặc biệt trong các tình huống căng thẳng như đại dịch Covid-19. Theo bà, điều này xuất phát từ các kỹ năng và góc nhìn mà họ tích lũy trong cuộc đời, cũng như nhận thức rằng tương lai ngắn ngủi khiến họ cảm thấy dễ dàng để biết đâu là ưu tiên của mình.
Và cụ bà Jaffe chắc chắn hiểu được giá trị của việc tiến về phía trước và buông bỏ quá khứ. Dù việc chồng của bà, Gerald Jaffe, qua đời vào năm 2005 là một thử thách lớn với bà, Jaffe không bị trói buộc bởi những kỷ niệm cũ.
Năm năm sau, bà từ bỏ cuộc sống và phần lớn tài sản ở New Jersey để chuyển đến New York. "Thế là đủ rồi. Chúng tôi đã làm những gì chúng tôi muốn ở đó. Lúc đó tôi đã 88 tuổi và rất nhiều người đã ra đi. Thế giới cũng có nhiều thay đổi. Tôi không cảm thấy mất mát", cụ bà Jaffe cho biết.
Tại New York, cụ bà Jaffe tìm thấy niềm vui và kết nối với cuộc sống. Bà nói: "Tôi rất phấn khích khi ở đây. Mỗi ngày bạn có thể làm điều gì đó, hoặc không làm gì cả. Trong ngôi nhà ở New Jersey, tôi sẽ bị cô lập. Ở đây, tôi nhìn ra cửa sổ và thấy cuộc sống bình yên, cũng như mọi người nói cười vui vẻ mỗi ngày".
Cụ bà Jaffe cũng hóm hỉnh nói: "Tôi nói đùa rằng một ngày nào đó, tôi sẽ bị người giao hàng bằng xe đạp tông khi băng qua đường". Nhưng cho đến lúc đó, bà vẫn tin rằng mỗi ngày sống là một trải nghiệm đầy bất ngờ và luôn trân trọng nó.
Nguồn: Washington Post
Tâm An