Cụ Phạm Thị Dòn ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) trong lễ chúc thọ 100 tuổi
Xuân Ất Tỵ này, cụ bà Phạm Thị Dòn ở thôn Tân Khai, xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) như được nhân lên niềm vui khi chính quyền địa phương tổ chức mừng thọ 100 tuổi; con, cháu và dòng họ tổ chức chúc mừng thọ cụ tại gia đình. Nhận được nhiều lời chúc và những món quà tặng ý nghĩa nhân lễ mừng đại thọ, cụ Dòn phấn khởi chia sẻ: Đầu năm tôi đã nhận được sự quan tâm của gia đình, dòng họ, chính quyền địa phương. Tôi cảm thấy rất vui. Tuổi già không mong mỏi gì hơn khi chứng kiến con cháu khỏe mạnh, thành đạt; quê hương, đất nước ngày càng đổi mới.
Ngoài bệnh lãng tai của tuổi già, cụ Dòn vẫn tự đi lại được. Khi được hỏi bí quyết sống lâu, sống khỏe, cụ Dòn cười bảo: Tôi duy trì thói quen ăn uống đơn giản, lành mạnh. Buổi sáng thức dậy tôi tự xoa bóp tay chân, hít thở sâu, rồi ra vườn quét dọn hoặc đi bộ thể dục...
Trong tiết xuân, chúng tôi có dịp tới thăm cụ Vũ Thị Hòe ở thôn Thị Tứ, xã Phùng Hưng (Khoái Châu) năm nay vừa tròn 100 tuổi. Điều đặc biệt là anh trai cùng cha khác mẹ của cụ Hòe là cụ Vũ Văn Hiệp năm nay cũng đón thượng thượng thọ 100 tuổi. Cụ Hòe vui vẻ nở nụ cười móm mém, trò chuyện thân mật với chúng tôi tại gia đình cụ đầu xuân mới. Mỗi khi chúng tôi hỏi về sức khỏe, thói quen sinh hoạt hằng ngày cụ đều kể rất rõ và không quên kèm theo nụ cười vui vẻ.
Cụ Vũ Thị Hòe (sinh năm 1925) ở thôn Thị Tứ, xã Phùng Hưng (Khoái Châu) cùng con trai
Sinh năm 1925 ở vùng quê thuần nông, làm công việc đồng áng nặng nhọc từ nhỏ lại chính là điều giúp cụ Hòe rèn luyện sức khỏe. Sau này, dù con cái đã trưởng thành, cụ vẫn chăm chỉ lao động. Hiện nay, hằng ngày cụ vẫn tự mình nấu ăn, quét nhà, thỉnh thoảng trồng rau, nhổ cỏ ngoài vườn...
Chia sẻ về bí quyết sống thọ, cụ Hòe mỉm cười nói, cụ ăn uống đơn giản, rau chiếm phần lớn trong khẩu phần ăn và thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng. Ngoài ra, sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc của con cháu đã tiếp thêm sức mạnh giúp cụ lạc quan, hạnh phúc, sống vui, sống khỏe.
Ông Bùi Quang Đạo, con trai của cụ Hòe chia sẻ: Dù bước sang tuổi 100 nhưng mẹ tôi vẫn minh mẫn, nhớ rõ từng người con, người cháu... Chúng tôi luôn đặt niềm vui, sức khỏe của mẹ lên trên hết. Tuổi già như chuối chín cây, chúng tôi luôn cố gắng chăm sóc, nâng niu mẹ khi còn có thể...
Tại xã Mễ Sở (Văn Giang) có 4 cụ ông là anh em ruột đều vượt ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, trong đó người anh cả là cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh đã bước sang tuổi 100, 3 người em cũng đều trên 90 tuổi. Các cụ còn minh mẫn, tự sinh hoạt, ăn uống, sống vui, sống khỏe, sống có ích, là tấm gương cho con cháu noi theo… Bên chén trà đầu xuân, cụ Quỳnh với mái tóc bạc trắng như cước nở nụ cười mãn nguyện khi chứng kiến các con, cháu, chắt tề tựu, sum vầy chúc thọ cụ tròn 100 tuổi...
Khi được hỏi bí quyết sống trường thọ, cụ Quỳnh chia sẻ: Điều quan trọng nhất là tập thể dục đều đặn, ăn uống thanh đạm, sinh hoạt, ngủ nghỉ điều độ, luôn giữ tinh thần lạc quan và thái độ sống tích cực. Cùng với đó thường xuyên nghe đài, xem ti vi để rèn luyện trí nhớ, giúp đầu óc luôn minh mẫn.
Hằng năm, vào dịp đầu xuân năm mới, các gia đình, dòng họ, địa phương trong tỉnh tổ chức mừng thọ, chúc thọ người cao tuổi. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, toàn tỉnh có trên 38,5 nghìn người cao tuổi được tặng quà chúc thọ. Trong đó, có trên 29.508 người ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95; 8.135 người ở các độ tuổi từ 91 đến 94 và từ 96 tuổi đến 99 tuổi; 257 người 100 tuổi; 623 người trên 100 tuổi.
Ông Nguyễn Duy Hy, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Lễ chúc thọ, mừng thọ đầu xuân thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ về sự hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ, đồng thời động viên người cao tuổi tiếp tục phấn đấu sống vui, sống khỏe là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo. Theo tục lệ xưa của người Việt, những người được chúc thọ là những người từ 70 tuổi trở lên. Theo dòng chảy của thời gian, lễ mừng thọ được gìn giữ và trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về...
Dương Miền – Hương Giang