Theo tờ Politico, quyết định rút lại được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi Chủ tịch Nghị viện châu Âu bà Roberta Metsola công bố yêu cầu bãi bỏ quyền miễn trừ đối với bà Giusi Princi cùng bốn nghị sĩ khác gồm ông Nikola Minchev, ông Daniel Attard, ông Fulvio Martusciello và ông Salvatore De Meo vào chiều 21/5. Văn phòng của bà Metsola sau đó xác nhận rằng yêu cầu đối với bà Princi sẽ được rút lại, trong khi các trường hợp còn lại vẫn đang được tiến hành theo quy trình.
Trong thông báo gửi báo chí, văn phòng Chủ tịch Nghị viện châu Âu cho biết đang chờ nhận tài liệu chính thức từ phía Bỉ qua các kênh ngoại giao theo quy định. "Sau khi nhận được, yêu cầu sẽ được xử lý nhanh chóng", tuyên bố nêu rõ.
Bà Princi, thành viên thuộc khối trung hữu trong Nghị viện châu Âu, trước đó đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc, cho biết bà đang ở Italy vào thời điểm diễn ra cuộc họp bị nghi ngờ, đồng thời chưa chính thức đảm nhiệm chức vụ nghị sĩ. Trong tuyên bố ngày 22/5, bà cho biết: "Thẩm phán điều tra đã nhận được bằng chứng bổ sung từ cảnh sát liên bang, làm cơ sở cho việc rút lại yêu cầu thu hồi quyền miễn trừ".
Bà cũng bày tỏ sự hoan nghênh trước quyết định rút lại yêu cầu, đồng thời khẳng định không có liên quan đến vụ việc, song cho biết lấy làm ngạc nhiên khi tên mình được nhắc đến trong quá trình điều tra.
Việc Bỉ điều chỉnh yêu cầu đối với bà Princi diễn ra trong bối cảnh giới lập pháp châu Âu vẫn đang theo dõi sát các diễn biến liên quan đến vụ Qatargate - một bê bối từng gây chấn động Nghị viện châu Âu năm 2022. Tới nay, các thủ tục tố tụng liên quan vẫn chưa kết thúc.
Phía công tố liên bang Bỉ hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức về vụ việc.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc