Ngày 16/7, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và điều trị một ca bệnh hiếm gặp, nữ bệnh nhân 55 tuổi bị sét đánh gây chảy máu não khi đang đi làm đồng.
Một phút chủ quan, hậu quả nặng nề
Chiều ngày 9/7, một nữ bệnh nhân 55 tuổi, quê ở Tứ Kỳ, Hải Phòng, ra đồng làm việc như thường lệ. Theo lời kể của người nhà, khoảng 17h, họ nhìn thấy sét đánh ngoài đồng. Sau khoảng 30-40 phút không thấy bà quay về, gia đình ra tìm thì phát hiện bệnh nhân nằm bất tỉnh, rối loạn ý thức, tóc cháy sém một mảng, xung quanh có nhiều vật dụng bị hất văng.
Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực thần kinh theo dõi sát sao từng chỉ số, diễn biến của bệnh nhân - Ảnh BVCC
Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất và nhanh chóng chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực Thần kinh thuộc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch: Rối loạn ý thức, nói nhảm, yếu nửa người bên phải, men tim tăng cao. Rất may, không ghi nhận chấn thương xương khớp hay nội tạng.
Chẩn đoán khó - điều trị thận trọng
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành chụp CT sọ não cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy tổn thương chảy máu não tại vùng hạch nền hai bên và bao trong trái - những vùng có hệ mạch máu nhỏ, không có tuần hoàn bàng hệ nên rất dễ tổn thương khi dòng điện đi qua.
Ban đầu, các bác sĩ đặt vấn đề chảy máu não do tăng huyết áp - một tình huống không hiếm. Tuy nhiên, hồi cứu lại nhiều trường hợp những năm trước mà bệnh viện từng tiếp nhận và đối chiếu với các trường hợp ghi nhận trong y văn quốc tế về bệnh nhân bị sét đánh, vị trí tổn thương của bệnh nhân này lại hoàn toàn trùng khớp, cho thấy khả năng cao tổn thương não là do tác động trực tiếp của dòng điện từ sét.
ThS.BS Nguyễn Hải Anh thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh BVCC
“Chẩn đoán chính xác trong thời điểm cấp tính là vô cùng quan trọng, bởi nó quyết định toàn bộ hướng điều trị và khả năng hồi phục của bệnh nhân. Chúng tôi phải loại trừ các tổn thương kèm theo như chấn thương cơ học, tổn thương tim… để có chiến lược điều trị phù hợp”, ThS. BS Nguyễn Hải Anh - bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân cho biết.
Hiện tại, sau một tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, ý thức dần hồi phục. Tuy nhiên, tiên lượng phục hồi chức năng vận động và thần kinh vẫn cần theo dõi chặt chẽ - Ảnh BVCC
Ca bệnh hiếm nhưng không phải chưa từng gặp
PGS.TS.BS Lương Quốc Chính, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực thần kinh thuộc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Những ca chảy máu não do bị sét đánh không phổ biến, nhưng chúng tôi đã từng tiếp nhận một vài trường hợp tương tự. Đối tượng thường gặp là những người lao động ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, người chăn thả gia súc, nhất là ở những vùng đồng trống, đồi cát, thảo nguyên hoặc nơi không có công trình che chắn.
Dấu hiệu của nạn nhân bị sét đánh rất đa dạng, từ bỏng ngoài da, rối loạn ý thức, co giật, cho đến liệt nửa người, ngừng tim, ngừng thở. Những dấu hiệu rối loạn thần kinh sau sét đánh (như trong trường hợp này) nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn đến hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong.
Hiện tại, sau một tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, ý thức dần hồi phục. Tuy nhiên, tiên lượng phục hồi chức năng vận động và thần kinh vẫn cần theo dõi chặt chẽ.
Khuyến cáo quan trọng trong mùa mưa giông: “Đừng cố thêm 5 phút để đánh đổi cả cuộc đời”
Từ ca bệnh này, các bác sĩ đưa ra lời khuyên đặc biệt cho cộng đồng, nhất là người dân làm nông:
Tuyệt đối không làm việc ngoài trời khi có dấu hiệu mưa giông.
Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết qua TV, radio, điện thoại thông minh.
Nếu thấy trời chuyển mưa, cần ngừng làm việc ngay và tìm nơi trú ẩn an toàn (tránh đứng dưới cây to, cột điện, vùng trống trải).
Không mang theo hoặc sử dụng vật dụng kim loại khi đang ở nơi trống trải lúc giông bão.
Sau sét đánh, nếu người gặp nạn có biểu hiện bất thường về ý thức hoặc vận động, cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để sàng lọc tổn thương thần kinh.
“Người dân vùng nông thôn thường có thói quen “làm nốt, làm cố” - nhưng đôi khi chính sự cố gắng đó lại phải trả giá bằng cả mạng sống. Chỉ cần lùi lại 5-10 phút, chờ mưa qua đi, là có thể tránh được bi kịch”, PGS.TS Lương Quốc Chính chia sẻ đầy trăn trở.
Mùa mưa giông đang diễn ra trên diện rộng khắp miền Bắc và miền Trung. Trường hợp bệnh nhân ở Hải Phòng là một lời nhắc nhở đầy ám ảnh: Thiên tai không chừa một ai và sự cẩn trọng luôn là "lá chắn" hữu hiệu nhất để bảo vệ chính mình và người thân.
Thúy Nga