Đầu tháng 12, nhóm vũ trang Hamas đã đưa ra một nhượng bộ lớn, đó là nhượng lại quyền quản lý Dải Gaza hậu xung đột cho một ủy ban thống nhất của người Palestine, hợp tác với đối thủ chính trị chính là Fatah (đảng của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas) để thành lập cơ quan này, theo tờ The Conversation.
Diễn biến này cho thấy vị thế của Hamas đã suy yếu sau hơn một năm chiến tranh tàn khốc với Israel.
Vậy những yếu tố nào thúc đẩy Hamas đưa ra sự nhượng bộ trên và liệu Hamas còn lựa chọn nào để quản lý Dải Gaza khi xung đột kết thúc.
Thay đổi động lực khu vực
Khi Hamas phát động cuộc tấn công vào Israel ngày 7-10-2023, nhóm này biết rằng có thể dựa vào sự hỗ trợ quân sự tích cực từ đồng minh Hezbollah ở nước láng giềng Lebanon cũng như sự hậu thuẫn tài chính và ngoại giao liên tục từ Iran.
Một đám cháy tại TP Beit Lahiya (Dải Gaza) sau cuộc tấn công của Israel ngày 18-12. Ảnh: REUTERS
Sau 14 tháng, vị thế của “trục kháng chiến” do Tehran dẫn dắt dường như đã yếu đi đáng kể. Giao tranh ăn miếng trả miếng kéo dài hàng tháng giữa Hezbollah và Israel dọc biên giới Israel-Lebanon đã leo thang thành chiến tranh toàn diện. Israel mở rộng chiến dịch quân sự tàn khốc vào miền nam Lebanon, gây tổn thất nặng nề cho Hezbollah, bao gồm việc mất nhiều lãnh đạo chủ chốt dưới các đợt không kích của Israel.
Thỏa thuận ngừng bắn đạt được vào ngày 26-11 đã khiến Hezbollah gần như không còn khả năng tham gia vào xung đột tại Gaza.
Trong khi đó, Iran, dù đã thực hiện các đợt bắn tên lửa đáp trả Israel, vẫn chủ yếu ủy quyền cho các lực lượng Hamas và Hezbollah đối đầu trực tiếp với Israel nhằm tránh một cuộc chiến kéo dài.
Khi sự hỗ trợ quân sự từ khu vực gặp hạn chế, Hamas cũng đối mặt với bối cảnh ngoại giao thay đổi.
Từ năm 2012, Qatar đã tiếp đón các lãnh đạo chính trị của Hamas. Quốc gia vùng Vịnh này từ đó đóng vai trò trung gian giữa Hamas, Israel và Mỹ – hai bên từ chối đàm phán trực tiếp với Hamas.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 11, Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán hòa bình Gaza với lý do không hài lòng với tiến trình này. Qatar sau đó cho biết các cuộc đàm phán có dấu hiệu khởi sắc trở lại và nước này đã tiếp tục trung gian hòa giải.
Dù vậy, các quan chức Mỹ gần đây đã thúc ép Doha đóng cửa văn phòng chính trị của Hamas tại Qatar. Một số lãnh đạo Hamas tại Qatar được cho là đã chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Qatar cũng đang để mắt đến sự thay đổi trong bối cảnh chính trị ở Mỹ khi ông Donald Trump một khi nhậm chức tổng thống Mỹ và quốc hội do đảng Cộng hòa lãnh đạo có khả năng sẽ cứng rắn hơn đối với bất kỳ sự hiện diện chính trị nào của Hamas bên ngoài Gaza.
Tổn thất nghiêm trọng cả về quân sự lẫn chính trị
Cùng với sự cô lập ngày càng tăng, Hamas cũng chịu thiệt hại nặng nề về mặt tổ chức trong cuộc chiến ở Gaza.
Việc Israel gần đây ám sát lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar, đã tạo ra khoảng trống quyền lực ngay ở vị trí cao nhất của nhóm này. Trước đó, Israel đã loại bỏ phần lớn lãnh đạo quân sự và chính trị cấp cao của Hamas tại Gaza, bao gồm cả những lãnh đạo nổi bật sống ngoài Gaza như lãnh đạo chính trị Ismail Haniyeh, người bị ám sát vào tháng 7 tại Iran.
Lễ tang lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran (Iran) ngày 1-8. Ảnh: CNN
Đến tháng 12, vẫn chưa rõ ai là những người nắm giữ vai trò lãnh đạo Hamas tại Gaza, ngoại trừ ông Mohammed Sinwar - em trai ông Yahya Sinwar và là một thành viên trong cánh quân sự của Hamas.
Cũng không rõ liệu các thành viên Hamas ngoài Gaza có thể liên lạc với các lãnh đạo bên trong hay không.
Hiện tại, lãnh đạo nổi bật của Hamas là ông Khalil al-Hayya đang tham gia các cuộc đàm phán với Fatah tại Ai Cập.
Tương lai cho Hamas và Gaza
Mặc dù Hamas đã bị suy yếu cả về quân sự lẫn chính trị, nhưng không thể phủ nhận rằng Hamas vẫn là một lực lượng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ về mặt ý thức hệ, thu hút được sự ủng hộ từ nhiều người Palestine ở Gaza, Bờ Tây, cũng như cộng đồng người Palestine trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, với vai trò một thực thể cầm quyền, Hamas dường như không còn là một thế lực mạnh mẽ trong tương lai gần – điều mà chính các thành viên của nhóm này cũng thừa nhận.
Vào tháng 12, Ai Cập, với sự hỗ trợ ngầm từ Mỹ, đã tổ chức các cuộc đàm phán có sự tham gia của cả Hamas và Fatah với hy vọng thành lập một ủy ban để tiếp quản quyền quản lý Gaza sau khi chiến tranh kết thúc.
Những nhà hòa giải Ai Cập đề xuất thành lập một ủy ban bao gồm các chuyên gia và nhà kỹ trị Palestine không liên kết với Fatah hay Hamas.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Hamas và Fatah vẫn luôn ở mức thấp kể từ khi Hamas kiểm soát Dải Gaza vào tháng 6-2007 sau một cuộc xung đột bạo lực với Fatah.
Ngay cả khi Hamas và Fatah có thể đồng ý thành lập một chính phủ thống nhất, thực tế là điều này không thể xảy ra nếu Israel và các đồng minh vẫn phản đối. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố rằng cả Chính quyền Palestine lẫn Hamas đều sẽ không đóng vai trò nào ở Dải Gaza hậu xung đột.
Dựa trên thực tế hiện nay, theo The Conversation, ngoài việc Israel tiếp tục chiếm đóng quân sự lâu dài, thật khó để thấy người Palestine có lựa chọn nào khác trong tương lai khi không có sự thống nhất trong chính trị nội bộ.
Sự tàn phá ở Gaza hiện làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và gia tăng khó khăn trong việc vạch ra một giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở Gaza kết thúc, sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài các nước Ả Rập, Ai Cập, Mỹ và cộng đồng quốc tế phải giúp người Palestine ở dải đất tái thiết và tìm kiếm một số biện pháp an ninh.
THẢO VY