Tại ấp Xẻo Lá, xã Viên An Ðông, bà Trần Thị Thu là Bí thư Chi bộ ấp nhiệt huyết, chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo trong ấp vươn lên phát triển kinh tế, chung sức xây dựng làng quê khang trang.
Dạo quanh địa bàn ấp Xẻo Lá, khung cảnh làng quê thanh bình, sung túc hiển hiện. Dọc theo tuyến lộ là hàng rào cây xanh, hoa kiểng khoe sắc, nhiều ngôi nhà mới xây khang trang, hiện đại.
Bà Trần Thị Thu vui mừng cho biết, trong 2 năm qua, ấp đã giảm 5,4% hộ nghèo. Toàn ấp có 257 hộ dân, trong đó 85% hộ thuộc diện khá, giàu, thu nhập bình quân đầu người đạt 62,5 triệu đồng/năm. Hiện ấp đã xóa trắng hộ cận nghèo, chỉ còn 2 hộ nghèo, quyết tâm trong năm 2025 sẽ tiến tới không còn hộ nghèo.
Trước đây, gia đình bà Lệ được xem là một trong những hộ khó thoát nghèo của ấp. Do không có đất sản xuất, chồng đau yếu, bệnh tật, mọi chi tiêu, sinh hoạt trong nhà dựa vào nghề đan lọp cua ít ỏi của bà Lệ nên cái nghèo mãi đeo bám.
Ðể giúp bà Lệ vươn lên, bà Thu động viên, thăm hỏi, hỗ trợ bà Lệ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 20 triệu đồng. Nhờ đó, bà Lệ mua thêm dụng cụ, thiết bị, lưới, dây chì... để mở rộng nghề đan lọp cua. Bà Thu còn giới thiệu, kết nối, tìm kiếm đầu ra giúp gia đình. Trung bình mỗi ngày vợ chồng bà đan hơn 20 cái lọp cua, giá bán từ 40 ngàn đồng/cái, thu nhập cải thiện, tự nguyện xin thoát nghèo.
Bà Trần Thị Thu (bên phải) đến thăm mô hình đan lọp cua của gia đình bà Mai Thị Lệ.
Ông Ngô Văn Ban, gần nhà bà Lệ, bộc bạch: "Do sự cố trong làm ăn, gia đình rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Nhờ chị Thu động viên, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn 50 triệu đồng, gia đình có điều kiện đầu tư chuồng trại nuôi chồn hương. Từ 4 con chồn giống, qua hơn 2 năm chăm sóc, gầy đàn, hiện phát triển lên hơn 100 con. Mỗi năm, từ việc bán chồn giống và chồn thịt đã đem về thu nhập khá. Ðến nay, gia đình đã trả hết nợ, khôi phục việc kinh doanh".
Không chỉ giúp người dân tiếp cận nguồn vốn để vươn lên, bà Thu còn tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy sản xuất. Bà đã tiên phong, chủ động thực hiện trước, nuôi tôm, cua 2 giai đoạn có sử dụng chế phẩm sinh học. Sau khi thực hiện thành công, bà tận tình hướng dẫn người dân thực hiện. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản của ấp 2 năm qua tăng cao, kinh tế người dân khởi sắc. Nhiều hộ còn tận dụng diện tích đất trống, đất bờ bao trồng rau màu, cây ăn trái để tăng thu nhập.
Ông Lê Văn Kiên, ấp Xẻo Lá, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi canh tác theo kiểu truyền thống, tôm, cua thường bị dịch bệnh, sản lượng thấp, thu nhập bấp bênh. Ðược chị Thu hướng dẫn phương pháp mới, tôm, cua lớn nhanh, khỏe mạnh, ít dịch bệnh, sản lượng cao hơn trước gấp 3, 4 lần, kinh tế gia đình khấm khá hơn. Không chỉ nhà tôi mà hầu hết bà con trong ấp đều thực hiện theo nên đời sống khá lên nhiều”.
Bên cạnh giúp đỡ người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế, với uy tín, bà Thu còn vận động xã hội hóa để xây dựng, chỉnh trang trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp, tặng quà người nghèo, trao học bổng, xe đạp cho học sinh hiếu học, chăm lo cho những hộ hoạn nạn, khó khăn, ốm đau đột xuất..., tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.
Ông Lương Huỳnh Hảo, Chủ tịch UBND xã Viên An Ðông, đánh giá: "Dưới sự điều hành, dẫn dắt của chị Thu, ấp Xẻo Lá không chỉ xóa nghèo hiệu quả mà còn là một trong những địa phương điển hình, đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động của địa phương. 2 năm liền, không chỉ cá nhân chị Thu mà tập thể ấp đạt giải Nhất toàn huyện về thành tích tiêu biểu trong thực hiện đợt cao điểm thi đua, được huyện tuyên dương tập thể điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi, đảng viên Trần Thị Thu vẫn chưa ngơi nghỉ. Bà Thu nói vui, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là “điện thoại không được phép hết pin”. Câu nói tưởng đùa ấy của bà hàm chứa rất nhiều ý nghĩa, bởi mọi lúc, mọi nơi, mọi việc phát sinh ở cơ sở, bà là người được bà con gọi đầu tiên. Bà Trần Thị Thu tâm niệm, việc gì có lợi cho dân, bà sẽ hết sức làm./.
Trúc Linh