Bí thư Đà Nẵng: Làm Trung tâm Tài chính quốc tế có nhiều thách thức và rủi ro

Bí thư Đà Nẵng: Làm Trung tâm Tài chính quốc tế có nhiều thách thức và rủi ro
6 giờ trướcBài gốc
Đây là buổi tiếp xúc cử tri đầu tiên của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng sau khi thực hiện việc sáp nhập với tỉnh Quảng Nam. Tại buổi tiếp xúc, đại diện cử tri các phường đã nêu ý kiến quan tâm đến các vấn đề nổi bật của TP Đà Nẵng sau khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, cũng như các cơ chế chính sách đặc thù, các mô hình kinh tế mà Trung ương đã cho phép Đà Nẵng thực hiện.
Áp dụng cơ chế chính sách đặc thù trên toàn TP Đà Nẵng mới
Tiếp thu và trả lời ý kiến cử tri, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết: Quốc hội đã cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 136 trên phạm vi toàn TP Đà Nẵng mới, nghĩa là bao gồm cả địa bàn Quảng Nam sau khi sáp nhập lại. Đây là một việc có tính chất rất đặc biệt và Đà Nẵng là một trong số ít các địa phương có được thuận lợi này.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: Nguyễn Thành
Liên quan đến ý kiến của cử tri về Trung tâm Tài chính, ông Quảng cho biết: Việc Quốc hội cho phép thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam, được đặt tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh là một quyết sách có tính chất rất đặc biệt. Quyết sách này có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của nước ta và thể hiện sự quan tâm với TP Đà Nẵng.
Theo ông Quảng, mô hình Trung tâm Tài chính đặt ở 2 nơi cùng một lúc, lần đầu tiên trên thế giới có. Trên thế giới hiện nay có 119 Trung tâm Tài chính và TP Hồ Chí Minh theo xếp hạng của quốc tế đứng thứ 97. Khi thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế, có rất nhiều ý kiến cho rằng TP Hồ Chí Minh mới đủ điều kiện để thành lập, còn Đà Nẵng thì chưa đủ điều kiện.
“Nhiều ý kiến băn khoăn là một trung tâm tài chính ở hai địa điểm, sẽ khó thành công được. Vấn đề này Bộ Chính trị đã bàn rất kỹ, Chính phủ cũng đã bàn rất kỹ. Khi đưa ra Quốc hội thảo luận thì nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ cái sự băn khoăn này”, ông Quảng cho biết.
Bí thư Đà Nẵng chia sẻ, trong quá trình Chính phủ thảo luận thấy rằng nếu như TP Đà Nẵng làm Trung tâm Tài chính quy mô cấp khu vực, còn TP Hồ Chí Minh làm ở cấp quốc tế toàn diện thì rất dễ xung đột với nhau. Khi xây dựng thể chế, chính sách sẽ rất vướng và vướng ngay trong công tác quản lý, điều hành. Do đó, Chính phủ đã quyết định nâng tầm lên, chỉ một trung tâm nhưng được đặt ở 2 nơi.
“Về bản chất thì đây chính là 2 trung tâm, bởi vì sau này mô hình tổ chức quản lý sẽ có sự độc lập một cách tương đối, cũng như sự phân định về mặt chức năng của mỗi TP để đảm bảo không có cái sự xung đột và không triệt tiêu lẫn nhau. Đặc biệt là để phát huy các tiềm năng, lợi thế riêng có của mỗi địa phương”, ông Quảng nói.
Nhiều thách thức, rủi ro
Theo ông Quảng, TP Hồ Chí Minh bản thân đã là một cái Trung tâm tài chính mang tính truyền thống, ở đó có các sàn giao dịch chứng khoán, định chế ngân hàng ấy và nhiều định chế tài chính khác. Còn Đà Nẵng thì không thể so được với TP Hồ Chí Minh. Nhưng bù lại Đà Nẵng có những cái tiềm năng, lợi thế để phát triển tài chính xanh, tài chính số và các thử nghiệm có kiểm soát.
Đặc biệt, Đà Nẵng có được sự quan tâm của các nhà đầu tư rất lớn vì có không gian rất đẹp. Trung tâm Tài chính không chỉ là một cái văn phòng để giao dịch về mặt tài chính. Mà phải là cả một cái hệ sinh thái sống để cho các nhà đầu tư đến và cảm nhận đây là một nơi đáng sống đáng để đầu tư.
Quang cảnh buổi tiếp xúc. Ảnh: Nguyễn Thành
“Vấn đề này cực kỳ khó khăn. Làm Trung tâm Tài chính là một thách thức vô cùng lớn và chưa có tiền lệ. Bởi 119 trung tâm tài chính của thế giới thì số thành công đếm trên đầu ngón tay. Chứ không phải là cả 119 trung tâm tài chính đều là thành công”, ông Quảng cho biết.
Đơn cử việc Thái Lan đã từng làm trung tâm tài chính nhưng thất bại và dẫn đến đổ vỡ về tài chính rất lớn, để nói về việc đây là những cái thách thức vô cùng lớn, Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh: Làm Trung tâm Tài chính là vinh dự cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng nhưng cũng một thách thức rất lớn, và “không hẳn là không có rủi ro”.
Trả lời ý kiến cử tri về Khu Thương mại tự do của TP Hải Phòng có nhiều cơ chế chính sách vượt trội hơn TP Đà Nẵng, ông Quảng cho biết: Đà Nẵng đi trước còn Hải Phòng đi sau nên họ rút được rất nhiều kinh nghiệm. Thời điểm Đà Nẵng đề xuất làm Khu Thương mại tự do về mặt tư duy quan điểm đó chưa có sự thông thoáng như hiện nay. Do đó, rất nhiều đề xuất đã không được chấp nhận.
Nhưng bây giờ những nội dung đó đã được đưa vào trong Nghị quyết 35 của Hải Phòng.
“Chúng tôi đã làm việc và kiến nghị để Đà Nẵng có được những cơ chế như Hải Phòng. Tất cả đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền đồng ý về mặt chủ trương. Hiện nay, đang làm hồ sơ để trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong cái thời gian tới”, ông Quảng cho biết.
Vì sao hỗ trợ nghỉ việc khắt khe với người không chuyên trách?
Ngày 4/7, tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, các cử tri đã nêu các ý kiến liên quan đến các cơ chế chính sách trên địa bàn sau khi thực hiện sáp nhập. Trong đó, có các ý kiến về chế độ hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách khi thực hiện tinh giản biên chế ở xã, phường.
Bà Nguyễn Thị Hương (cử tri phường Hải Châu) nêu ý kiến về việc, Trong các quy định hỗ trợ cho những người nghỉ việc trước tuổi là cán bộ công chức, có sự ưu ái hơn rất nhiều so với những quy định hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách phải thực hiện tinh giản biên chế ở cấp xã, phường.
Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri.
Bà Hương nêu ví dụ một số cán bộ công chức chỉ còn 4-5 năm nữa nghỉ hưu thì được hỗ trợ gần 2 tỷ đồng và sau khi đủ tuổi vẫn được lương hưu, không bị giảm. Trong khi cán bộ không chuyên trách hỗ trợ khoảng từ 150 - 250 triệu đồng thì 5 năm không được xin việc làm hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, kể cả việc ở thôn, tổ dân phố.
"Điều này là bất hợp lý, nếu như có em sau khi nghỉ việc xin bảo vệ ở trường tiểu học nào đó cũng không được. Hoặc về làm Tổ trưởng, Bí thư chi bộ khu dân cư cũng phải trả lại tiền đã hỗ trợ...”, bà Hương nêu ý kiến và có kiến nghị sửa đổi bổ sung quy định sát với yêu cầu thực tế.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Đà Nẵng tiếp thu ý kiến của cử tri.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Tất cả những ý kiến của cử tri đều được ghi nhận đầy đủ và chuyển đến các cấp có thẩm quyền, nhằm kịp thời tháo gỡ các bất cập, tạo điều kiện cho sự phát triển và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
"TP Đà Nẵng đang đứng trước thời cơ phát triển lịch sử nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức mới. Chúng tôi rất mong cử tri đồng hành và sẻ chia", ông Quảng nói.
Về tổ chức bộ máy chính quyền sau sáp nhập, Bí thư Đà Nẵng cho biết: TP Đà Nẵng mới không thực hiện mô hình chính quyền đô thị nữa mà thực hiện mô hình chính quyền toàn diện. Đó là có HĐND ở các phường xã, cho phép thành lập HĐND lâm thời, hoạt động từ 1/7/2025 cho đến khi thực hiện bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vào ngày 15/3/2026.
Nguyễn Thành
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/bi-thu-da-nang-lam-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-co-nhieu-thach-thuc-va-rui-ro-post1757402.tpo