Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM. Trong đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng ban Thường trực là Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cùng 3 phó Trưởng ban và 19 thành viên.
TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo như sau: Chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 188 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM...
Ban Chỉ đạo sẽ quyết định việc thành lập/kiện toàn các tổ công tác, tổ tư vấn, các tổ chức trực thuộc Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Ban Chỉ đạo.
Đồng thời, xem xét, cho ý kiến, kết luận các nội dung quan trọng để định hướng, chỉ đạo UBND TP.HCM, sở, ban, ngành, Thành ủy Thủ Đức, quận ủy, huyện ủy để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đáp ứng yêu cầu. Từ đó, kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đường sắt đô thị và dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.
Ban Chỉ đạo sẽ xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp để bảo vệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đem lại giá trị, hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị.
Cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo như sau: Sở Xây dựng là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy, nhân sự đang phụ trách để thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, xây dựng Quy chế hoạt động trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo.
Bên cạnh đó, thực hiện, tổng hợp nội dung phục vụ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, tổng hợp, báo cáo hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo giao.
Ban Chỉ đạo giao Phó Trưởng Ban Thường trực, Chủ tịch UBND TP được quyết định thành lập/kiện toàn các Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, mời tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu phản biện trong quá trình nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách để triển khai các công việc liên quan.
Theo kế hoạch đến năm 2035, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng 7 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 355 km nhằm đáp ứng 40 - 50% nhu cầu đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng.
Giai đoạn tiếp theo từ 2035 đến 2045, mạng lưới metro sẽ tiếp tục được mở rộng thêm 155 km, nâng tổng chiều dài toàn hệ thống lên 510 km.
Đáng chú ý, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sẽ được khởi công vào cuối năm 2025, đây là 1 trong 7 tuyến đường sắt đô thị được thực hiện sau metro số 1.
ĐÀO TRANG