Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Đảng ủy, UBND thành phố hoàn thiện hồ sơ trình HĐND thành phố xem xét, thông qua theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật.
Bí thư Thành ủy yêu cầu Đảng ủy UBND thành phố tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tính toán kỹ khả năng hấp thụ vốn của các dự án để bố trí vốn tránh việc điều chỉnh kế hoạch vốn của một dự án nhiều lần; quan tâm bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, các dự án thuộc các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục; các công trình, dự án trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, chất thải, các dự án dân sinh bức xúc, các dự án phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị… Đảng ủy HĐND thành phố cần tăng cường công tác giám sát đối với việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: “Khối lượng công việc trong thời gian tới còn rất lớn, đề nghị các đồng chí Thành ủy viên, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, tạo tiền đề cho việc tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVIII và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 8% trở lên trong năm 2025 theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố”.
Theo báo cáo điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 cấp thành phố, tại Nghị quyết số 14/NQ-HDND ngày 25/2/2025, thành phố Hà Nội đã thực hiện điều chỉnh mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5% trở lên thành tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên với nhiệm vụ, giải pháp là “khơi thông nguồn lực, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Theo đó, năm 2025, thành phố Hà Nội có thay đổi đột biến về nhu cầu vốn khi triển khai nhiều dự án lớn, tiến độ nhanh theo chủ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ (các cầu qua sông Hồng như: Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi; các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 5). Do vậy, các đơn vị có đề xuất bổ sung vốn cho các dự án chưa có tại danh mục đầu năm (dự án mới có quyết định phê duyệt dự án, dự án chuyển tiếp đến nay mới có quyết định điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện) là hợp lý.
Về việc điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, thành phố Hà Nội dự kiến điều chỉnh tăng hơn 3.240 tỷ đồng/39 dự án cấp thành phố, gồm các dự án quan trọng như: dự án cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Thương Cát, tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc)...
Các dự án mới đã có quyết định phê duyệt dự án, có nhu cầu vốn để triển khai thực hiện; các dự án chuyển tiếp cần bổ sung kế hoạch vốn để triển khai, hoàn thành dự án. Trong đó, phân bổ từ nguồn dự phòng trung hạn 1.200 tỷ đồng để bố trí cho 2 dự án gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lĩnh Nam theo quy hoạch và Xây dựng đường Tam Trinh.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch 5 năm 2021-2025 là hơn 2.040 tỷ đồng/21 dự án cấp thành phố.
Theo báo cáo của một số đơn vị, các đơn vị có đề xuất bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án mới gồm: 21 trụ sở công an xã, 3 Ban chỉ huy quân sự huyện, nhà văn hóa thôn, trạm y tế xã. Thực hiện chủ trương không tổ chức mô hình chính quyền địa phương cấp huyện theo kết luận số 177-KL/TU ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị. UBND thành phố đề xuất chưa bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án này. Bộ Quốc phòng đã có văn bản số 1908/VP-TH ngày 6/3/2025 yêu cầu trước mắt dừng việc xây dựng các công trình dự án cấp tỉnh, cấp huyện, trụ sở cấp xã.
Hùng Mạnh - Tuyết Mai (TTXVN)