Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong thăm hỏi, tặng quà cho bà Trần Thị Niên.
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chiều 19/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cùng lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương đã đến thăm và tặng quà cho gia đình phi công Nguyễn Văn Bảy.
Tại đây, đồng chí Lê Quốc Phong đã thăm hỏi, tặng quà cho bà Trần Thị Niên là vợ của Đại tá phi công - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự cống hiến của Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ đi trước, những người đã cống hiến máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp ân cần thăm hỏi sức khỏe, điều kiện sinh sống của gia đình, động viên gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thể hiện sự gương mẫu, tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (1936-2019), quê làng Hậu Thành, tổng An Phong, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp).
Ông Nguyễn Văn Bảy là người con thứ 7 trong gia đình có tất cả 10 anh, chị, em. Ông kết hôn với bà Trần Thị Niên (sinh năm 1941) là đồng hương, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và sinh được 3 người con, gồm: Nguyễn Phi Hùng (sinh năm 1967), Nguyễn Quốc Anh (sinh năm 1971), Nguyễn Thị Phi Nga (sinh năm 1973).
Khi được tuyên dương Anh hùng, ông là thượng úy, đại đội phó đại đội 1 không quân, thuộc trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, đảng viên Đảng Lao động Việt Nam.
Tập kết ra Bắc, năm 1960, từ bộ binh, Nguyễn Văn Bảy được chuyển sang không quân, đi Liên Xô học lái máy bay phản lực.
Tháng 4/1965, ông tốt nghiệp về nước và lao vào cuộc chiến chống giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nước ta.
Ngày 7/10/1965, đang chiến đấu, máy bay Nguyễn Văn Bảy bị trúng tên lửa địch, thủng 84 chỗ, được lệnh nhảy dù nhưng Nguyễn Văn Bảy vẫn bình tĩnh điều khiển máy bay giữ thăng bằng, trở về sân bay hạ cánh an toàn.
Tính đến ngày được tuyên dương anh hùng, Nguyễn Văn Bảy đánh địch 7 trận, cả biên đội bắn rơi 12 máy bay địch. Riêng Nguyễn Văn Bảy bắn rơi tại chỗ 4 chiếc.
Nguyễn Văn Bảy đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba.
Tháng 1/1967, Nguyễn Văn Bảy được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông bà nuôi dưỡng, giáo dục con cái rất chu đáo, nên người. Hai người con trai ông đều là bộ đội xuất ngũ.
Cách đặt tên cho các con của ông bà cũng rất ấn tượng: Nguyễn Phi Hùng - gắn với thành tích năm 1967, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà ông là phi công; Nguyễn Quốc Anh, gắn với năm 1971 khi ông là đại biểu Quốc hội; Nguyễn Thị Phi Nga, gắn với năm 1973 ông sang Nga tập huấn nâng cao nghiệp vụ phi công.
HỮU NGHĨA