Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Tỉnh mới sẽ có sức mạnh cộng hưởng vượt trội

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Tỉnh mới sẽ có sức mạnh cộng hưởng vượt trội
12 giờ trướcBài gốc
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng đã chia sẻ với Báo Điện tử VTC News về khát vọng, tầm nhìn và những đột phá chiến lược trên hành trình mới sau khi hợp nhất tỉnh Gia Lai và Bình Định.
Ông Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai.
- Là người đứng đầu tỉnh Gia Lai mới, ông nhìn nhận sự kiện hợp nhất Bình Định và Gia Lai mang ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính, đây là bước ngoặt lớn trong tư duy phát triển. Trung ương đã cân nhắc kỹ lưỡng để hình thành một thực thể hành chính – kinh tế có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh mạnh và khả năng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc gia, quốc tế.
Tỉnh Gia Lai mới không chỉ rộng hơn về diện tích (xếp thứ 2 toàn quốc), mà còn hội tụ những lợi thế đặc biệt: từ biển đến rừng, từ nông nghiệp công nghệ cao đến cảng biển – dịch vụ – logistics. Hai địa phương trước đây có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, tinh thần cách mạng và khát vọng phát triển – khi hợp lại sẽ tạo nên một sức mạnh cộng hưởng vượt trội.
- Tỉnh Gia Lai mới sẽ ưu tiên những trụ cột nào trong giai đoạn đầu sau hợp nhất?
Chúng tôi xác định 5 trụ cột trọng tâm: Một là, phát triển công nghiệp chế biến – chế tạo, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và bán dẫn, AI, gắn với đổi mới sáng tạo.
Hai là, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm có chiều sâu, khai thác văn hóa Tây Nguyên – Chămpa, biển, rừng, di sản.
Ba là, nông nghiệp công nghệ cao và lâm nghiệp bền vững, xây dựng các “cứ điểm nông – công nghiệp”, vùng nguyên liệu tập trung.
Bốn là, dịch vụ logistics, tận dụng tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, kết nối cửa khẩu và cảng biển, đưa sản phẩm địa phương ra thế giới.
Năm là, phát triển đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp – du lịch theo hướng hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng.
Tỉnh Gia Lai mới có diện tích xếp thứ 2 toàn quốc hội tụ những lợi thế đặc biệt từ biển đến rừng, từ nông nghiệp công nghệ cao đến cảng biển – dịch vụ – logistics. (Ảnh: Dũng Nhân)
- Nhiều địa phương có tiềm năng nhưng thiếu cơ chế điều hành mạnh mẽ nên không thể bứt phá. Vậy đâu là những đột phá chiến lược của Gia Lai trong thời gian tới?
Đúng vậy. Nếu không có đột phá về quản trị và nguồn lực, mọi tiềm năng cũng chỉ là tiềm năng. Gia Lai xác định 4 đột phá chiến lược:
Đổi mới mô hình chính quyền, chuyển từ quản lý sang phục vụ, xây dựng nền công vụ hiện đại, hiệu quả, chính quyền số, thủ tục hành chính minh bạch.
Hạ tầng giao thông, thủy lợi, cảng – logistics, đặc biệt là phát triển trục cao tốc Quy Nhơn – Pleiku kết nối vùng cao – vùng thấp – ven biển.
Khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, đặc biệt tại vùng sâu vùng xa, để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các khu vực trong tỉnh.
Phát triển con người, tập trung đào tạo cán bộ dám nghĩ – dám làm – dám chịu trách nhiệm, xây dựng đội ngũ có năng lực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đặc biệt phát triển lực lượng lao động trẻ – gần 2 triệu người trong độ tuổi lao động hiện nay.
- Tỉnh mới hình thành từ hai địa phương có nhiều điểm khác biệt, cần làm thế nào để tạo sự gắn kết và đồng thuận xã hội sớm nhất, thưa ông?
Chúng ta có rừng xanh Tây Nguyên, có biển trời bao la, có cửa khẩu đường bộ lẫn cảng biển, có nông nghiệp – công nghiệp, có lịch sử – văn hóa đa sắc tộc. Nhưng tài sản lớn nhất là con người Gia Lai – những người biết vươn lên trong gian khó và khát khao cống hiến.
Tôi muốn gửi một thông điệp: Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi cộng đồng dân cư là một chủ thể của sự phát triển. Chúng ta hãy cùng đặt nền móng cho một tỉnh Gia Lai mới – hùng cường, đoàn kết, bản sắc và hội nhập, với tinh thần “Một tỉnh – một ý chí – một tương lai chung”.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/bi-thu-tinh-uy-gia-lai-tinh-moi-se-co-suc-manh-cong-huong-vuot-troi-ar952550.html